Trung Quốc đang đối mặt với tình hình COVID-19 nghiêm trọng và phức tạp, với sự lây lan rộng hơn và nhiều chuỗi lây truyền hơn - ông Mễ Phong (người phát ngôn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc) nói hôm 22-11.
Số ca nhiễm mới của Trung Quốc gần như tăng mỗi ngày kể từ cuối tháng 10, với ca nhiễm rải rác trên mọi tỉnh thành trong cả nước. Theo báo New York Times, ít nhất 49 thành phố (chiếm 1/3 dân số Trung Quốc) đang bị phong tỏa toàn bộ hoặc bán phong tỏa.
Điểm nóng Bắc Kinh
Sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế về xét nghiệm và đi lại (căn cứ theo 20 biện pháp mới mà Chính phủ Trung Quốc công bố vào hôm 11-11 để tối ưu hóa chính sách kiểm soát COVID-19), giới chức tại một số nơi của Trung Quốc lại phải tái áp đặt lệnh phong tỏa và xét nghiệm trên diện rộng trong tuần này khi họ nỗ lực kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.
Trên khắp Trung Quốc, nhiều thành phố, trong đó có thủ đô Bắc Kinh và trung tâm tài chính Thượng Hải, đã đóng cửa các trung tâm thương mại và công viên, đồng thời áp dụng biện pháp hạn chế đi lại với những người từ các nơi khác.
Tại một con phố ở phía nam quận Triều Dương, các công nhân đang dựng lên một cơ sở cách ly COVID-19 tạm thời. Cách đó vài km về phía bắc, những chiếc lều xanh đang mọc lên trong công viên và có thể được dùng để làm nơi ở cho nhân viên kiểm soát dịch bệnh.
Một trung tâm hội nghị cũng đã được chuyển đổi thành bệnh viện dã chiến. Người dân đã được yêu cầu không rời khỏi Triều Dương và Bắc Kinh nếu không hoàn toàn cần thiết.
Đó là một phần trong công tác chuẩn bị đang diễn ra nhằm đối phó đợt bùng phát dịch COVID-19 mới ở thủ đô. Bắc Kinh ghi nhận kỷ lục ca nhiễm mới trong ngày vào hôm 24-11, với 1.860 ca - con số tương đối nhỏ đối với một thành phố 22 triệu dân như Bắc Kinh, nhưng đủ để gây ra sự hoảng sợ trên khắp thủ đô của Trung Quốc.
Thành phố Quảng Châu và thành phố Trùng Khánh đang chiếm phần lớn số ca COVID-19 ở Trung Quốc. Quảng Châu ghi nhận 7.524 ca lây nhiễm trong cộng đồng vào ngày 24-11, còn Trùng Khánh báo cáo 6.500 ca.
Trong khi đó, hàng trăm ca nhiễm mới được ghi nhận hằng ngày tại các thành phố như Thành Đô, Tế Nam, Lan Châu, Tây An và Vũ Hán.
Kiên trì "Zero COVID"
Các quan chức y tế Trung Quốc đã cảnh báo không được có "bất kỳ sự chậm trễ nào trong công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh" ở nước này.
Tuy nhiên, Trung Quốc khẳng định hiệu quả của chính sách "Zero COVID" (không COVID trong cộng đồng) và chưa có dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc sẽ bỏ đi chính sách này.
Phát biểu tại một diễn đàn tài chính và kinh tế ở London tuần này, đại sứ Trung Quốc tại Anh, ông Trịnh Trạch Quang nói rằng chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc được thực hiện nhằm mục đích cân bằng việc bảo vệ sức khỏe của người dân với sự ổn định kinh tế.
Ông Trịnh giải thích cách tiếp cận này "tập trung vào phản ứng nhanh cũng như các biện pháp nhắm vào đúng mục tiêu và hiệu quả cao". Đại sứ Trung Quốc nhấn mạnh: "Trung Quốc luôn đặt người dân và mạng sống của họ lên trên hết".
Ông Trịnh cũng lưu ý rằng trong khi nhiều nền kinh tế khác đang phải đối mặt với suy thoái thì GDP của Trung Quốc đã tăng trưởng hơn 3% trong ba quý đầu tiên của năm 2022.
Trong bài bình luận đăng ngày 25-11, Hãng tin Tân Hoa xã cho biết trong gần ba năm qua, với những biện pháp ứng phó hiệu quả với COVID-19, Trung Quốc đã dốc hết sức lực để đặt người dân và tính mạng của họ lên trên tất cả. Nước này cố gắng giữ tỉ lệ tử vong và số ca nặng ở mức thấp.
Nếu không có những biện pháp kiên quyết đó, quốc gia 1,4 tỉ dân này, trong đó 267 triệu người từ 60 tuổi trở lên và hơn 250 triệu trẻ em, có thể đã chịu hậu quả "thảm họa", theo Tân Hoa xã.
Ông Sam Fazeli, nhà phân tích của Bloomberg Intelligence, cho rằng nếu Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn vào lúc này thì điều đó có thể đe dọa hệ thống y tế của nước này. Trung Quốc hiện có số giường ICU (chăm sóc đặc biệt)/100.000 dân ít hơn nhiều so với các nước phát triển. Và nước này có thể sẽ mở cửa trở lại hoàn toàn sau năm 2023.
Phong tỏa "thành phố iPhone"
Ngày 25-11, khoảng 6 triệu dân đã được đặt trong tình trạng phong tỏa tại thành phố Trịnh Châu thuộc tỉnh Hà Nam - nơi đặt Nhà máy Foxconn, đơn vị lắp ráp điện thoại iPhone cho Hãng Apple.
Chính quyền yêu cầu người dân tại tám quận của Trịnh Châu không rời khỏi khu vực sinh sống trong năm ngày tới, đồng thời dựng rào chắn quanh các tòa chung cư "có nguy cơ cao" và lập các trạm kiểm soát để hạn chế đi lại.
Trước đó, biểu tình bùng phát tại Nhà máy Foxconn gây nhiều sự chú ý. Theo Thời báo Hoàn Cầu, hôm 24-11 Foxconn đã lên tiếng xin lỗi về một "lỗi kỹ thuật" dẫn đến những thay đổi trong chính sách trợ cấp cho nhân viên, sau khi một số video được lan truyền cho thấy các công nhân thất vọng đã biểu tình tại nhà máy này.
(Theo TTO)