Sau nhiều lần bàn thảo, lần này Bộ Y tế tiếp tục lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ theo yêu cầu tại bệnh viện công lập. Theo dự kiến Thông tư vừa nêu sẽ được ban hành trong tháng 12 này và đây sẽ là lần đầu tiên có khung giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu. Vậy giá khám bệnh, giá giường dịch vụ sẽ thay đổi như thế nào? Cần làm gì để tránh tình trạng lạm thu?
Đưa mẹ vào khám và điều trị tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương tại Hà Nội, chị Trần Thị Hạnh ở Bắc Ninh lựa chọn phòng dịch vụ theo yêu cầu để được yên tĩnh và tiện nghi đầy đủ hơn. Phòng 1 giường với giá 1,5 triệu đồng/ngày.
"Ở phòng bình thường đông người và có phần chật chội nên tôi bỏ tiền ra thuê phòng dịch vụ cho mẹ tôi. Thời điểm này bệnh viện đông bệnh nhân nên cũng phải sang đến ngày thứ 3 mới có giường dịch vụ trống…”- chị Hạnh.
Giường dịch vụ không phải lúc nào cũng trống cho thấy nhu cầu về một phòng bệnh khang trang, đầy đủ tiện nghi là có thực. Tiến sĩ Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão Khoa cho biết, hiện nay giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ các yếu tố cấu thành và trong bối cảnh bệnh viện tự chủ một phần nên vẫn phải duy trì một số dịch vụ theo yêu cầu để lấy thu bù chi. Mỗi tháng bệnh viện chúng tôi phải trả 1,2 tỷ đồng tiền điện nhưng tiền điện chưa được tính vào giá dịch vụ y tế nên chúng tôi phải tổ chức dịch vụ theo yêu cầu để chi trả những khoản như vậy. Hiện nay, do không có kinh phí để sơn sửa các toà nhà, bệnh viện đã phải nhờ các mạnh thường quân hỗ trợ…
Điều đáng nói là từ trước đến nay, Bộ Y tế chưa lần nào quy định mức trần giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện công lập. Điều này dẫn đến tình trạng mỗi nơi một giá. Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Đình Thanh Sơn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, hiện Giám đốc các bệnh viện được quyền quyết định giá dịch vụ theo yêu cầu tại đơn vị của mình.
"Bệnh viện có 1.500 giường bệnh có 180 giường dịch vụ theo yêu cầu, giá khoảng 800.000/giường/1 ngày đêm, phòng 2 giường. Số giường dịch vụ là 180 cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Giường giá bảo hiểm y tế có lúc cũng bị quá tải, phải nằm ghép. Cơ cấu giá đã có quy định của Bộ Y tế, bệnh viện xây dựng cơ cấu giá và thủ trưởng đơn vị được quyền quyết định. Bệnh viện cũng tự chủ một phần”- bác sĩ Lê Đình Thanh Sơn nói.
Trước tình trạng mỗi nơi một giá, từ năm 2019 Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn khung giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập. Nhưng khi đó do nhiều lý do Thông tư này đã không được ban hành. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dự thảo Thông tư lần này quy định, trường hợp sử dụng tài sản công để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu hoặc sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết, hoạt động dịch vụ sẽ được chia thành 4 loại giường với 4 mức giá khác nhau, cao nhất là 3 triệu đồng/1 giường/1 ngày đêm. Các mức giá này nhìn chung thấp hơn so với dự thảo năm 2019.
"Giá dịch vụ y tế hiện nay chưa được tính đúng, tính đủ nên Bộ Y tế sẽ sớm ban hành danh mục kỹ thuật, định mức tiêu chuẩn kỹ thuật, từ đó làm cơ sở xây dựng giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và giá dịch vụ theo yêu cầu. Riêng thông tư quy định về giá dịch vụ theo yêu cầu tại các bệnh viện công lập dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 12 này.” - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Khung giá giường dịch vụ theo yêu cầu trong dự thảo Thông tư lần này được đánh giá là tương đương với mức mà nhiều bệnh viện đang áp dụng hiện nay. Chỉ có giá khám bệnh theo yêu cầu là giảm so với mức đang thực hiện. Cụ thể, nhiều bệnh viện hiện nay đang áp dụng mức cao nhất là khám Giáo sư 500.000 đồng/lần. Nhưng trong dự thảo Thông tư lần này, giá khám bệnh theo yêu cầu tối đa chỉ 300.000 đồng/lần đối với bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I. Còn với các cơ sở y tế khác, tối đa là 200.000 đồng/1 lần khám.
Trước những lo ngại về nguy cơ bệnh viện tổ chức quá nhiều giường dịch vụ để tăng nguồn thu, dự thảo Thông tư lần này đã đề cập mức tối đa của giường dịch vụ không được vượt quá 15% tổng số giường bệnh. Những bệnh viện đang sử dụng tài sản công để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu và có số giường bệnh theo yêu cầu cao hơn 15% thì phải xây dựng lộ trình để giảm dần số giường dịch vụ, bảo đảm đến hết năm 2024 còn dưới 15% tổng số giường bệnh. Bên cạnh đó, các bệnh viện công lập phải xây dựng quy chế để các chuyên gia, thầy thuốc giỏi phải dành một tỷ lệ thời gian nhất định (tối thiểu 70%) để khám, chữa các ca bệnh khó cho người không sử dụng dịch vụ theo yêu cầu...
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nếu ban hành được khung giá dịch vụ theo yêu cầu sẽ đảm bảo tính thống nhất và có căn cứ pháp lý để quản lý, nhưng Bộ Y tế cũng cần quy định cụ thể hơn về chất lượng của các phòng dịch vụ theo yêu cầu, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng dịch vụ theo yêu cầu và người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
(Theo VOV)