Đề xuất ban hành tiêu chuẩn, định mức vật tư, hóa chất
Trong hai ngày 13 - 14/3, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” làm việc với các Bộ, ngành.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Trường đoàn giám sát, đây là cuộc giám sát trực tiếp, nên cần xác định những vấn đề chưa rõ, nêu lên các bất cập, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.
Thời gian qua, các đoàn công tác của đoàn giám sát đã thực hiện giám sát trực tiếp tại 10 tỉnh, thành phố cho thấy bức tranh về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; đồng thời phát hiện những vấn đề nổi lên, trong đó có nhiều nội dung được địa phương kiến nghị các Bộ, ngành tháo gỡ vướng mắc.
Tại phiên làm việc, Bộ Y tế đề xuất ban hành tiêu chuẩn, định mức vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch, bảo đảm đủ dự phòng và phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực hiện có.
Hướng dẫn cụ thể để áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch; có cơ chế đặc thù trong mua sắm, huy động nguồn lực trong ứng phó tình trạng khẩn cấp như đại dịch, thiên tai, thảm họa.
Bộ Y tế báo cáo tại buổi làm việc.
Bộ Y tế cũng đề nghị cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được điều chuyển thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ nguồn ngân sách nhà nước để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 sang nguồn thu dịch vụ khám, chữa bệnh…
Bộ Tài chính kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho phép chuyển nguồn số kinh phí đã phân bổ cho công tác phòng, chống dịch của ngân sách nhà nước sang các năm tiếp theo; kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát, đánh giá các chính sách, văn bản, tổng kết 3 năm công tác phòng, chống dịch để tiếp tục duy trì các chính sách còn phù hợp, bãi bỏ các chính sách không còn phù hợp…
Bộ Tài chính kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Quan tâm chăm sóc sức khỏe người dân, giải quyết các vấn đề hậu COVID-19.
Không "biến công thành tội"
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đề xuất các nhóm giải pháp như tiếp tục nghiên cứu, đánh giá toàn diện về các chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ mới phù hợp tình hình thực tiễn; thực hiện hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải và tăng cường "hậu kiểm”.
Gợi ý một số nội dung, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, có thể nghiên cứu thêm việc sử dụng nguồn lực, điển hình như việc lập bệnh viện dã chiến, xây dựng hàng rào, trang bị camera giám sát... Theo ông, thực tế có quy định về thành lập, tổ chức, nhưng không có quy định về giải thể, bàn giao tài sản, nếu không tiến hành cẩn thận "dễ biến người có công thành người có tội".
Bên cạnh đó, báo cáo giám sát của Quốc hội cũng cần nhắc đến nguồn lực nhân dân - đây là nguồn lực không thể cân đo đong đếm được.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần làm rõ việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực, nhận định rõ chính sách nào phù hợp, chính sách nào chưa phù hợp; có hay không tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn, chậm triển khai thực hiện, nguyên nhân, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương...
Băn khoăn nguồn lực huy động trên 186.000 tỷ đồng
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh, việc huy động nguồn lực xã hội hóa bộc lộ nhiều bài học cần rút kinh nghiệm. Nhiều cơ quan, tổ chức huy động xã hội nhưng liệu việc huy động đã gắn với nhu cầu thực sự hay chưa, nguồn lực huy động đã đến tay các đối tượng cần hỗ trợ, chất lượng của các sản phẩm được hỗ trợ như thế nào?
Một số ý kiến thành viên đoàn giám sát băn khoăn về nguồn lực huy động trên 186.000 tỷ đồng từ tăng thu, tiết kiệm chi phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 là rất lớn nhưng chưa báo cáo rõ việc chuyển nguồn đối với số tiền chưa sử dụng.
Quan tâm đến Quỹ vắc xin, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai, việc chi từ Quỹ này tại một số địa phương chưa rõ bởi về nguyên tắc, quỹ này chỉ chi mua vắc xin.
Qua thực tế giám sát, đại biểu đề nghị Bộ Y tế làm rõ thời điểm tuyên bố hết dịch, vì các địa phương phản ánh những khó khăn trong việc kêu gọi người dân tiêm vắc xin phòng COVID-19. Vậy đã đến lúc đạt miễn dịch cộng đồng chưa? Thời điểm nào Bộ Y tế công bố hoàn thành việc tiêm vắc xin?
(Theo TPO)