Tanzania đã công bố một đợt bùng phát virus Marburg, trong khi Guinea Xích đạo, ở phía bên kia của lục địa châu Phi, cũng trong tình cảnh tương tự.
Năm người đã tử vong trong số tám trường hợp được xác nhận nhiễm virus Marburg tại Mỹ tính đến ngày 6/4, theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ. Cơ quan này đã đưa ra cảnh báo sức khỏe rằng các bác sĩ ở Mỹ nên "nhận thức được khả năng có các ca bệnh nhập cảnh", thậm chí trong trường hợp nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Mỹ thấp.
Tình hình ở Guinea Xích đạo hiện có vẻ đáng lo ngại nhất. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo vào ngày 25/2 sau khi phát hiện một số trường hợp tử vong nghi do Marburg tại hai ngôi làng ở phía Bắc nước này vào đầu tháng 1.
Kể từ khi những trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên xuất hiện, đã có 15 ca được xác nhận mắc bệnh Marburg ở Guinea Xích đạo. Theo báo cáo của Bộ Y tế nước này, 11 bệnh nhân trong này đã tử vong chỉ vài ngày sau khi các triệu chứng của bệnh xuất hiện, gồm nôn mửa, tiêu chảy, buồn nôn và sốt cao.
Tanzania xác nhận đợt bùng phát đầu tiên của virus Marburg.
Tuy nhiên, WHO lo ngại rằng các số liệu thống kê chính thức đang đánh giá thấp thiệt hại thực sự của căn bệnh này. Trên thực tế, các trường hợp nhiễm virus Marburg ở Guinea Xích đạo đến từ các khu vực khá xa nhau, điều này cho thấy "virus có thể đã lây lan trong cộng đồng trong nước mà không bị phát hiện", CDC Mỹ lưu ý.
Paul Hunter, nhà dịch tễ học tại Đại học East Anglia, cho biết: "Đây là một vấn đề - sự bùng phát chưa từng có của virus Marburg ở hai quốc gia khác nhau".
Cesar Munoz-Fontela, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm nhiệt đới tại Viện Y học Nhiệt đới Bernhard Nocht ở Hamburg, cho biết: "Số lượng các đợt bùng phát virus Marburg đã gia tăng trong những năm gần đây".
Lần đầu tiên được phát hiện ở người vào năm 1967 tại thành phố Marburg của Đức, loại virus này đã bùng phát hàng chục lần ở châu Phi kể từ cuối những năm 1970. Tuy nhiên, cho đến những năm gần đây, chưa bao giờ có nhiều hơn một đợt bùng phát cứ sau ba hoặc bốn năm.
Dơi, cụ thể là dơi ăn quả Ai Cập, là vật chủ tự nhiên của virus Marburg và truyền trực tiếp cho người hoặc qua vật chủ trung gian như khỉ.
Theo thống kê chính thức, hầu hết các đợt bùng phát virus Marburg đều nhỏ, ảnh hưởng đến không quá 10 người mỗi lần. Điều đó này được coi là may mắn vì Marburg là một trong những loại virus nguy hiểm nhất cùng với Ebola, cũng thuộc họ bệnh filovirus. Hai bệnh này có tỷ lệ tử vong cao, lên tới 90%.
Theo thống kê, từ năm 1998 đến năm 2000, 128 bệnh nhân đã chết trong tổng số 154 trường hợp được xác nhận mắc bệnh ở Congo. Bốn năm sau, Marburg hoành hành ở Angola, khiến 227 trong số 252 bệnh nhân mắc bệnh tử vong. Đây là hai đợt bùng phát Marburg lớn nhất.
Các bác sĩ chuyên khoa kết luận rằng chỉ cần can thiệp y tế nhanh chóng là có thể giảm tỷ lệ tử vong do Marburg. Tuy nhiên, ngay cả khi được điều trị nhanh chóng, tỷ lệ tử vong của Marburg vẫn là gần 50%, theo WHO.
Theo các chuyên gia y tế, Marburg nguy hiểm hơn nhiều so với Ebola bởi vì không giống như Ebola, hiện "không có vaccine phòng ngừa hoặc phương pháp điều trị sau khi nhiễm virus Marburg".
(Theo VTV)