Bác sĩ Việt Nam dần làm chủ kỹ thuật phẫu thuật robot
Tháng 6/2023, một bệnh nhân nam 59 tuổi, ung thư phổi giai đoạn I đã được các bác sĩ Bệnh viện K sử dụng robot Da Vinci thế hệ Xi phẫu thuật thành công, đánh dấu bước ngoặt trong phẫu thuật ung thư phổi bằng robot tại Việt Nam.
Theo PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K, phẫu thuật mổ mở ung thư phổi là phương pháp kinh điển được áp dụng trong điều trị ung thư phổi từ rất lâu. Tuy nhiên, phương pháp này thường để lại một sẹo dài gây mất thẩm mỹ cho bệnh nhân, quá trình phục hồi lâu hơn.
Với việc ứng dụng phẫu thuật robot trong phẫu thuật lồng ngực giúp kiểm soát tình trạng mất máu, giảm thiểu tỷ lệ tai biến, biến chứng, thời gian nằm viện ngắn, bệnh nhân hồi phục nhanh. Đây cũng là ca phẫu thuật ung thư phổi bằng hệ thống robot Da Vinci Xi đầu tiên thực hiện thành công tại Bệnh viện K.
Theo các chuyên gia y tế, tháng 7/2000, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA - Mỹ) đã phê duyệt hệ thống phẫu thuật Da Vinci, robot phẫu thuật đầu tiên. Năm 2001, FDA thông qua phẫu thuật robot cắt tuyến tiền liệt. Theo một báo cáo năm 2022, hiện có gần 6.000 hệ thống robot Da Vinci đang hoạt động đã thực hiện 8,5 triệu cuộc phẫu thuật trên thế giới.
Trên toàn cầu, tỷ lệ phẫu thuật robot nhiều nhất được thực hiện trong lĩnh vực phẫu thuật tổng quát, tiết niệu và phụ khoa. Ứng dụng robot trong y học không những là bước đột phá, nâng tầm y học nước nhà mà còn mở ra cơ hội cho người có thu nhập thấp được điều trị bằng kỹ thuật cao.
Tại Việt Nam, phẫu thuật robot được áp dụng đầu tiên tại Bệnh viện Nhi Trung ương vào năm 2015. Đến năm 2016, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) là đơn vị đầu tiên thực hiện phẫu thuật robot trên người lớn. Trong các năm tiếp theo, phẫu thuật robot được áp dụng tại nhiều bệnh viện trên cả nước như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Vinmec Hà Nội, Bệnh viện K, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức… Theo đó, hàng nghìn người bệnh đã được thực hiện phẫu thuật bằng robot thành công, đem lại hiệu quả điều trị tốt hơn cho bệnh nhân.
Mang lại cơ hội tiếp cận phương pháp điều trị kỹ thuật cao cho người bệnh
Thời gian qua, ngoài phẫu thuật robot điều trị ung thư phổi, tại Việt Nam, các bác sĩ đã thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật robot điều trị ung thư thận, phẫu thuật cột sống, thay khớp háng…
Theo các chuyên gia y tế, trước đây khi phẫu thuật cột sống bằng phương pháp bắt vít, cả bệnh nhân và phẫu thuật viên đều phải chịu mức độ phơi nhiễm của tia X cao. Với kỹ thuật mới, mức phơi nhiễm tia X đã giảm đến trên 98% đối với cả người bệnh và thầy thuốc. Điều này giúp giảm tối đa nguy cơ mắc bệnh ung thư của phẫu thuật viên và người bệnh.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là đơn vị đầu tiên ở Đông Nam Á và thứ 2 ở Châu Á sau Nhật Bản thực hiện phẫu thuật cột sống bằng robot định vị chính xác Renaissance.
Cùng với đó, với robot phẫu thuật thay khớp gối, khớp háng, Việt Nam là nước thứ 15 áp dụng kỹ thuật này. So với phương pháp thông thường, phẫu thuật bằng robot sẽ giúp bệnh nhân chỉ phải thay thế phần diện khớp bị hỏng, vết mổ nhỏ hơn, bảo tồn dây chằng chéo trước, cắt phần xương đùi chính xác, loại trừ được phương pháp khoan xương bằng tay...
Như vậy có thể khẳng định, việc ứng dụng robot vào y học đang mang lại cơ hội tiếp cận phương pháp điều trị kỹ thuật cao cho người bệnh ngay tại Việt Nam với mức chi phí thấp hơn nhiều so với việc phải ra nước ngoài điều trị.
Theo PGS.TS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, việc ứng dụng những kỹ thuật mới để mở rộng năng lực điều trị của bác sĩ trong phẫu thuật cho thấy tinh thần tiên phong và khát khao ứng dụng công nghệ nhằm mang lại hiệu quả điều trị tốt hơn nữa cho bệnh nhân.
"Sự thành công của phẫu thuật robot, một đỉnh cao mới của phẫu thuật nội soi thế giới, được triển khai thành công tại Bệnh viện Bình Dân và nhiều bệnh viện trong nước là minh chứng điển hình về việc chúng ta có thể đi sau nhưng về cùng với một số nước trong khu vực và thế giới. So với một số nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN), phẫu thuật robot tại Việt Nam nhanh chóng đạt được những thành công cả về số lượng lẫn chất lượng chuyên môn", PGS.TS Hưng nói.
Cũng theo PGS.TS Hưng, robot hay máy móc thì không có trái tim nóng với lòng trắc ẩn, linh hoạt trong mọi tình huống như con người. Đây cũng là những phẩm chất cần thiết ở một người bác sĩ. Do đó, tương lai chúng ta cần nhiều hơn những bác sĩ phẫu thuật giỏi nghề và tận tâm, để điều khiển robot phẫu thuật cũng như làm chủ các công nghệ hỗ trợ khác.
(Theo SKĐS)