Ngày 1-12, hội nghị đổi mới công tác đăng ký khám bệnh, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu và chuyển tuyến KCB BHYT trong dự án Luật BHYT sửa đổi đã diễn ra tại Hà Nội. Nhiều vấn đề bàn thảo, trong đó việc bỏ giấy chuyển viện là một trong những nội dung được nhấn mạnh.
Phân tuyến để tránh quá tải
Trước đó, tại nghị trường Quốc hội, nhiều kiến nghị của đại biểu chuyển gửi gắm của cử tri về việc sớm bãi bỏ thủ tục giấy chuyển viện.
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), việc phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và việc chuyển tuyến KCB BHYT là cần thiết. Không chỉ ở Việt Nam mà các quốc gia khác đều áp dụng điều này. Việc phân tuyến chuyên môn kỹ thuật để giúp xác định được nguồn lực đầu tư cũng như tổ chức sẵn sàng trang thiết bị, nhân lực y tế để bảo đảm chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân, phù hợp với tình trạng bệnh tật của người dân cũng như khả năng kinh tế của người dân và khả năng chi trả của Quỹ BHYT.
"Việc bỏ phân tuyến BHYT, bỏ giấy chuyển tuyến, trước mắt người bệnh sẽ "đổ" hết lên bệnh viện (BV) tuyến trên. Bởi tâm lý của người dân luôn mong muốn được KCB ở tuyến trên, bất kể bệnh nặng hay nhẹ. Điều này không chỉ gây tốn kém và còn quá tải cho tuyến trên và về lâu dài sẽ phá vỡ hệ thống y tế. Khi quá tải dễ xảy ra các sai sót chuyên môn" - bà Trang nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), cho rằng quy định phân chia tuyến KCB là công cụ phù hợp, cần thiết, bảo đảm hệ thống y tế phát triển bền vững để chăm sóc tốt sức khỏe người dân. Mô hình hệ thống y tế hình tháp được hầu hết các nước áp dụng và chỉ có mô hình này mới bảo đảm được việc quản lý và chăm sóc sức khỏe toàn diện, hiệu quả. Ngoài ra, khi bệnh nhân dồn lên tuyến trên sẽ bỏ phí nguồn lực tuyến dưới, các bác sĩ cũng không có người bệnh để khám và điều trị, có nguy cơ mai một chuyên môn, không phát triển được kỹ thuật, không nâng cao được chất lượng chuyên môn. Như vậy, hệ thống y tế sẽ bị mất cân đối, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả điều trị, quyền lợi của người bệnh.
Theo Bộ Y tế, hiện cả nước có gần 91 triệu người tham gia BHYT (khoảng 92% dân số). Những năm qua, quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng. Mỗi năm, BHYT chi khoảng hơn 110.000 tỉ đồng cho KCB và nguồn kinh phí do BHYT chi trả KCB đang chiếm tỉ trọng lớn trong nguồn thu của BV. Để đạt được kết quả như vậy, một trong những yếu tố quan trọng là việc tổ chức đăng ký KCB BHYT ban đầu và chuyển tuyến KCB.
Áp dụng chuyển tuyến điện tử
Theo Bộ Y tế, chuyển tuyến BHYT là chuyển người bệnh từ một cơ sở KCB này sang một cơ sở khác để tiếp tục điều trị, được thực hiện khi có lý do chuyên môn, kỹ thuật hoặc do người bệnh yêu cầu. Nếu chuyển đúng tuyến, bệnh nhân sẽ được hưởng BHYT 100% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi. Nếu trái tuyến, bệnh nhân sẽ được hưởng một phần chi phí điều trị nội trú.
Ông Lê Văn Phúc nhấn mạnh BHXH Việt Nam luôn ủng hộ quan điểm đơn giản thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT khi đi KCB. Tuy nhiên, việc tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia phải gắn liền với sự bền vững của hệ thống y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở, tránh tình trạng bệnh nhẹ cũng điều trị tại tuyến trung ương, gây quá tải, lãng phí không cần thiết.
Theo các chuyên gia, thực tế khi có bệnh hầu như ai cũng muốn lên BV tuyến trên để điều trị. Tuy nhiên, các cơ sở y tế tuyến trung ương được giao chức năng tuyến cuối, tập trung điều trị bệnh nặng, triển khai kỹ thuật chuyên sâu, nghiên cứu khoa học, đào tạo nên không thể tập trung vào khám và điều trị các bệnh lý thông thường, chăm sóc ban đầu. "Việc quá tải cũng có nguy cơ gây sai sót, tai biến, giảm chất lượng và hiệu quả điều trị, ảnh hưởng đến người bệnh" - bà Trang nhấn mạnh.
Lý giải về việc người dân thích "trèo đèo lội suối", tốn kém, khó khăn để lên tuyến trung ương điều trị bệnh, TS-BS Dương Đức Hùng, Giám đốc BV Việt Đức, cho rằng do chưa đủ niềm tin là nguyên nhân phổ biến khiến nhiều bệnh nhân xin chuyển viện lên tuyến trên, dù cơ sở tuyến dưới có đủ khả năng điều trị. Đơn cử, nhiều người chỉ đau ruột thừa vẫn muốn lên tuyến trung ương nằm chờ mổ, trong khi thủ thuật đơn giản này tuyến huyện đã thực hiện thường quy.
Lãnh đạo một số BV cũng chia sẻ bệnh nhân đến không thể từ chối nhưng chỉ chăm chú khám mấy chục ca viêm phế quản, rối loạn tiêu hóa thì bác sĩ tuyến trung ương khó lòng tập trung cho các ca bệnh khó, học tập nâng cao chuyên môn. Nếu bệnh nhân không có "barie" chuyển viện, cứ tự ý đi lên tuyến trên sẽ gây quá tải trầm trọng, chất lượng khám chữa bệnh giảm sút, nhiều tai biến y khoa.
Một số bác sĩ cho rằng giải pháp căn cơ nhất là hệ thống y tế cơ sở phải bảo đảm tốt công tác chuyên môn khám chữa bệnh. Cốt yếu vẫn là ở vấn đề chuyên môn và đặc biệt phải tạo niềm tin cho người bệnh vào chuyên môn của hệ thống y tế cơ sở. Để làm được điều này cần xem lại tại sao người dân chưa tin vào hệ thống y tế địa phương, xem xét vấn đề ở đâu để khắc phục.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết để giảm thủ tục hành chính, Bộ Y tế đang tập trung chỉ đạo vấn đề sử dụng hình thức chuyển tuyến điện tử cũng như hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử. Bộ Y tế đang kiến nghị Chính phủ cho phép sớm tính đủ giá dịch vụ y tế, có cơ chế tài chính đột phá và thu hút nhân lực chất lượng cho y tế cơ sở. Đồng thời, áp dụng hình thức giấy chuyển tuyến điện tử để việc cấp giấy chuyển tuyến được thuận tiện, nhanh chóng. Mở rộng danh mục và thời gian cấp phát thuốc BHYT cho tuyến xã với một số bệnh mạn tính, bổ sung thuốc mới, chi phí lớn cho các bệnh mạn tính có thể khám, chẩn đoán ban đầu ở tuyến trung ương và lĩnh thuốc lâu dài ở tuyến cơ sở.
Tính tới chuyển tuyến ngược lại
Tại hội nghị, ông Phan Văn Toàn, Vụ BHYT - Bộ Y tế, cho rằng thông thường việc chuyển tuyến được thực hiện từ BV hạng 3 lên hạng 2, rồi mới tới hạng 1 và đặc biệt. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, các BV đa khoa tuyến tỉnh dù là BV hạng 1 nhưng nhiều dịch vụ kỹ thuật chưa thể thực hiện như các BV, phòng khám tư nhân, dù các cơ sở y tế này chỉ là hạng 2. Nhiều ý kiến cũng đề cập dự thảo Luật BHYT sửa đổi tới đây cần xem xét sửa đổi việc chuyển ngược về tuyến dưới, chuyển ngang cũng được BHYT thanh toán.
(Theo NLĐO)