Bệnh viện đầu tiên của Hà Nội lấy, ghép tạng từ người cho chết não

  • Cập nhật: Chủ nhật, 25/8/2024 | 8:52:55 AM

Chiều 24-8, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã tiến hành lấy và ghép tạng từ bệnh nhân chết não hiến tặng.

Các y bác sĩ cúi đầu mặc niệm và tri ân anh N.Đ.Tr. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cung cấp
Các y bác sĩ cúi đầu mặc niệm và tri ân anh N.Đ.Tr. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cung cấp

Đây là lần đầu tiên việc lấy và ghép tạng được triển khai tại một bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội.

Trước đó, vào đêm 22-8, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã tiếp nhận một ca bệnh đặc biệt được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Đông Anh đến trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân N.Đ.Tr (32 tuổi), được đưa vào Khoa Cấp cứu sau một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu do chấn thương nghiêm trọng, hàm mặt sưng nề, tụ máu vùng bụng và chậu. Ngay sau khi bệnh nhân nhập viện, các bác sĩ đã nhanh chóng triển khai các xét nghiệm cần thiết. Kết quả cho thấy, bệnh nhân bị tổn thương nặng ở vùng sọ và cột sống cổ.

Trước tình trạng nghiêm trọng của bệnh nhân, các bác sĩ quyết định chuyển ngay vào phòng mổ - Khoa Gây mê hồi sức để tiến hành các can thiệp cần thiết vào 1h30’ sáng 23-8. Tuy nhiên, bất chấp mọi nỗ lực của các y bác sĩ, tình trạng của bệnh nhân tiếp tục xấu đi. Sau đó, bệnh nhân được chuyển sang Phòng Hồi sức ngoại của bệnh viện để tiếp tục theo dõi.

Vào 3h15’ sáng 23-8, đội ngũ y bác sĩ đã tiến hành đánh giá lâm sàng và nghi ngờ bệnh nhân đã chết não. Sau ba lần kiểm tra kỹ lưỡng và chi tiết bởi các chuyên gia đầu ngành, kết quả cuối cùng đã khẳng định, bệnh nhân Tr không thể qua khỏi.

Trước nỗi mất mát to lớn, gia đình bệnh nhân đã đưa ra một quyết định dũng cảm và đầy nhân văn, đó là hiến tạng của người thân để mang lại sự sống cho những người bệnh khác.

Theo các y bác sĩ, nguồn tạng hiến tặng từ bệnh nhân chết não này đã được ưu tiên cho những bệnh nhân nặng. Với 2 quả thận của người chết não hiến tặng, ngay trong chiều nay, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã thực hiện 2 ca ghép thận cho 2 bệnh nhân, đồng thời phối hợp với Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia để điều phối các tạng khác đến 3 bệnh viện tuyến trung ương.

Cụ thể, điều phối gan đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, vận chuyển giác mạc đến Bệnh viện trung ương Quân đội 108. Đặc biệt, quả tim của bệnh nhân chết não được vận chuyển bằng đường hàng không vào Bệnh viện Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Long, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, bệnh viện là đơn vị y tế đầu tiên trực thuộc Sở Y tế Hà Nội triển khai kỹ thuật lấy và ghép tạng từ người cho chết não. Để chuẩn bị cho ca lấy tạng từ người cho chết não nói trên, thời gian qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đã hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật chẩn đoán chết não và ghép tạng cho Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

Ghép mô, tạng là một trong những thành tựu quan trọng của ngành Y tế trong việc chữa bệnh, đặc biệt đối với bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục được như: Suy thận mạn, gan, tim, tủy, hỏng giác mạc...

Một người chết não có thể hiến tạng cứu sống 8 người khác và một người chết não có thể giúp cải thiện cuộc sống cho 75 - 100 người khác. Thời gian gần đây, số ca ghép tạng từ người cho chết não đã tăng lên.

(Theo HNMO)

Các tin khác
Người dân di chuyển dưới trời nắng gay gắt tại Daegu, Hàn Quốc ngày 31/7/2024.

Theo hãng thông tấn Yonhap, ngày 23/8, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết số bệnh nhân mắc các bệnh liên quan nắng nóng ở nước này kể từ đầu năm đến nay đã vượt quá con số 3.000 người, trong bối cảnh năng nóng gay gắt tiếp tục hoành hành trên toàn quốc.

Ông Thongchai Keeratihattayakorn trong họp báo công bố ca nghi nhiễm biến thể 1b của virus đậu mùa khỉ hôm 21-8.

Ca nhiễm biến thể 1b của virus đậu mùa khỉ được phát hiện ở Thái Lan có lịch sử đi lại qua một nước đang lưu hành bệnh.

Indonesia chuẩn bị hơn 4.000 liều vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. (Ảnh minh họa)

Bộ Y tế Indonesia chuẩn bị hơn 4.000 liều vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ và thiết lập hàng chục phòng xét nghiệm trên khắp cả nước sau khi Tổ chức Y tế thế giới cảnh tình trạng khẩn cấp toàn cầu mới nhất sau khi các ca bệnh gia tăng ở Châu Phi và các khu vực khác.

Tiêm vaccine là biện pháp ngăn ngừa dịch bùng phát.

Chiến dịch tiêm vaccine sởi được triển khai tại 100 huyện, thị xã của 18 tỉnh, thành phố có nguy cơ cao bùng phát dịch và mở rộng độ tuổi tiêm cho trẻ từ 1-10 tuổi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục