Cơn bão số 3 đi qua để lại thiệt hại nặng nề về người và tài sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Ngành y tế cũng bị ảnh hưởng không nhỏ về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị. Song, ngành đã nỗ lực triển khai công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả, bước đầu và duy trì tốt công tác chăm sóc sức khỏe người dân.
Bệnh viện Nội tiết tỉnh là một trong cơ sở y tế bị ảnh hưởng trong cơn bão vừa qua, sạt lở ta luy dương khoảng 3.800 m3 đất đá đã làm máy bơm nước hệ thống cứu hỏa bị hư hỏng, gãy trục đường ống, hệ thống đường ống cấp bù nước bị hỏng; 1 cửa sổ bị hư hỏng do đất tràn vào; hệ thống xử lý chất thải lỏng báo động sự cố; hư hỏng nhà máy bơm nước sinh hoạt. Tuy vậy, Bệnh viện tổ chức tốt công tác khám, chữa bệnh (KCB), thường trực cấp cứu, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tinh thần thái độ phục vụ tận tình.
Cùng với đó, đơn vị tổ chức thường trực cấp cứu 24/24 giờ theo 4 cấp, tổ cấp cứu lưu động luôn sẵn sàng tham gia phòng chống thiên tai, cứu nạn cứu hộ khi được huy động, thực hiện nghiêm các quy chế chuyên môn..., không có sự cố y khoa xảy ra.
Ông Đào Thanh Quyết - Giám đốc Bệnh viện Nội tiết tỉnh cho biết: "Ngay sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã báo cáo ngay với Sở Y tế và đưa ra phương án khắc phục tạm thời, huy động toàn thể cán bộ tham gia khắc phục để đưa Bệnh viện trở lại hoạt động KCB bình thường. Tuy nhiên, đến thời điểm này, một số thiết bị vẫn đang trong quá trình sửa chữa, khắc phục. Theo đó, 9 tháng năm 2024, đơn vị đã KCB cho trên 23 nghìn lượt người bệnh, đạt 80,7%; bệnh nhân điều trị nội trú đạt gần 60%; điều trị ngoại trú đạt 88,6%”.
Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu bị sạt lở taluy dương lấp toàn bộ lò đốt rác, gãy các cột trụ tầng 1 tại dãy nhà 3 tầng (Khoa Chống nhiễm khuẩn); lò đốt chất thải y tế bị lấp hoàn toàn, 2 máy giặt, 1 hệ thống hấp hơi, 1 máy sấy công suất lớn bị che lấp…
Bác sĩ Chuyên khoa I Đinh Thị Minh Luyện - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: "Trung tâm nỗ lực khắc phục và duy trì hoạt động KCB cho nhân dân. Trước mắt, cơ sở hạ tầng bị hư hỏng tạm thời di chuyển làm việc phòng khác, chờ cơ quan chức năng đánh giá và có phương án sửa chữa. Một số trang thiết bị khác điều tiết từ các trạm y tế, riêng với máy hấp sấy do nhu cầu nên đã xin hỗ trợ từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ… Đến nay, mọi hoạt động cơ bản đi vào hoạt động nề nếp, bệnh nhân đến KCB tăng, công suất sử dụng giường bệnh đạt 110%”. Ngoài ra, nhiều phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế bị ngập, sạt lở đất nhưng không thiệt hại nhiều về cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Ngành y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế khẩn trương khắc phục các sự cố thiên tai, huy động mọi lực lượng của ngành để mọi hoạt động KCB, cấp cứu đảm bảo bình thường với phương châm "4 tại chỗ”.
Cùng đó, thiết lập bộ phận điều phối cấp cứu ngoại viện, chỉ đạo các cơ sở KCB tăng cường năng lực điều trị tại chỗ, thu dung và tiếp nhận các người bệnh, nạn nhân đến khám và điều trị. Cơ sở hạ tầng được bố trí, điều chuyển phù hợp với thực tế. Hiện nay, tất cả các các cơ sở y tế trên địa bàn tổ chức hoạt động KCB bình thường.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Song Hào - Phó Giám đốc Sở Y tế chia sẻ: "Ngành tiếp tục chỉ đạo duy trì hoạt động KCB, đặc biệt không để gián đoạn hoạt động cấp cứu và KCB cho người dân. Kế đến, đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất, phương tiện sẵn sàng phục vụ công tác khắc phục hậu quả sau bão lũ, nhất là công tác xử lý vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…
Đồng thời thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình vệ sinh môi trường trên địa bàn, tình hình khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo duy trì thường trực 24/24 giờ. Ngành đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để khắc phục các thiệt hại do thiên tai để đảm bảo hoạt động, hỗ trợ kinh phí ngoài phần bảo hiểm y tế chi trả cho các cơ sở KCB, cứu chữa người bị thương, bị nạn liên quan đến cơn bão số 3”.
Với sự khẩn trương, các giải pháp triển khai bài bản, đến nay ngành y tế đã và đang duy trì tốt công tác y tế trên địa bàn để người dân yên tâm khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Trần Minh