Yên Bái: “Vắc-xin số” cho chuyển đổi số

  • Cập nhật: Thứ tư, 11/5/2022 | 7:39:52 AM

YênBái - Chuyển đổi số trong giáo dục là một xu thế tất yếu và cần thiết cho sự phát triển của giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) hiện nay. Tuy nhiên, Internet cũng có nhiều cạm bẫy khó lường đối với nhóm đối tượng là trẻ em - vốn chưa có đầy đủ nhận thức và kỹ năng để tự bảo vệ bản thân trên môi trường mạng.

Học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành trao đổi những thắc mắc về an toàn mạng với các giảng viên của Trung tâm Sức khỏe gia đình và Phát triển cộng đồng (CFC).
Học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành trao đổi những thắc mắc về an toàn mạng với các giảng viên của Trung tâm Sức khỏe gia đình và Phát triển cộng đồng (CFC).

Do đó, cách tốt nhất là trang bị cho trẻ các kiến thức, kỹ năng, công cụ cần thiết... có thể coi như là "vắc-xin số” để trẻ em có thể tự bảo vệ, tự phát triển an toàn lành mạnh trên môi trường mạng. 

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, em Lương Thị Hiểu Minh - lớp 11 Toán - Tin Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, thành phố Yên Bái đã sử dụng Internet từ 7-8 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Em chia sẻ: "Ngoài thời gian học online, em còn sử dụng Internet để tìm kiếm tài liệu học tập, trò chuyện với bạn bè, sử dụng mạng xã hội và các hoạt động giải trí khác. Internet đã trở thành một phần không thể thiếu trong học tập cũng như trong đời sống hàng ngày của chúng em”. 

Hiểu Minh cũng như nhiều bạn đều đã gặp những sự cố không may từ không gian mạng như click vào những đường link không rõ ràng dẫn đến mất thông tin cá nhân, hay lầm tưởng về độ xác thực của những thông tin lan truyền trên mạng xã hội gây ra sự hoang mang về tư tưởng...

Internet mang lại nhiều lợi ích và cơ hội lớn cho trẻ em, từ cung cấp kiến thức và thông tin, thiết lập không gian giải trí, tăng cường tương tác xã hội, tạo môi trường chia sẻ kết nối… Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, việc trẻ em sử dụng Internet quá mức sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tinh thần hay khả năng gặp nhiều rủi ro trên môi trường mạng như: bị mất thông tin cá nhân, lừa đảo, bị quấy rối trên mạng, nghiện game online, xem các ấn phẩm không phù hợp, đối mặt với các thông tin sai lệch, hay thậm chí cả các nguy cơ bị xâm hại tình dục trên môi trường mạng, bị lôi kéo tham gia những thử thách nguy hại đến tính mạng… 

Thực tế, môi trường mạng hiện phát hiện nhiều mã độc, phần nhiều là liên quan đến các ứng dụng cho trẻ em. Những nội dung độc hại với trẻ em được lồng ghép rất tinh vi. Bên cạnh đó, Internet còn là mảnh đất "màu mỡ” để nhiều đối tượng lợi dụng truyền bá tư tưởng độc hại, tác động xấu đến nhận thức của trẻ em.


Phổ biến kiến thức an toàn mạng tại Trường THCS Quang Trung. 

Là một trong hai đơn vị thực hiện thí điểm chuyển đổi số trong trường học của ngành GD&ĐT tỉnh, cùng với việc nhiều năm qua nhà trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào trong dạy và học, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành nhận thức rất sớm về việc trang bị cho học sinh những nhận thức về các nguy cơ, rủi ro trên không gian mạng, kỹ năng tự bảo vệ cũng như hướng dẫn khi gặp các vấn đề trong quá trình tương tác trên không gian mạng. 

Cô giáo Nguyễn Thị Thu - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Nhà trường tuyên truyền, vận động học sinh tỉnh táo trong quá trình sử dụng mạng xã hội nói riêng, Internet nói chung. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị thực hiện các khóa tập huấn trang bị kỹ năng, kiến thức an toàn mạng cho học sinh mang lại hiệu quả tốt”. 

Ngay từ cuối năm 2021, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành phối hợp với VietnetICT đã tổ chức chương trình bồi dưỡng trực tuyến "Công dân thời đại số” bằng hình thức trực tuyến. Với 8 module học sinh đã được trang bị các kiến thức an toàn mạng, cách xây dựng tư duy tích cực trong tương tác trực tuyến, cách ứng xử trên mạng, an toàn trên facebook... 

Đặc biệt, mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trung tâm Sức khỏe gia đình và Phát triển cộng đồng (CFC) tổ chức Chương trình phổ biến kiến thức, kỹ năng an toàn trên Internet trong trường học các em học sinh đã được trang bị các kiến thức, cùng tham gia thảo luận và trải nghiệm các chủ đề như an toàn trên mạng cho học sinh: "Thông minh và Tỉnh táo”; an toàn trên mạng cho học sinh: "Mạnh mẽ - Tử tế - Can đảm”; hướng dẫn và trải nghiệm game Interland, tổ chức giới thiệu và chơi game Dòng sông thực tế… nhận diện một số nội dung xấu trên mạng xã hội; phòng tránh các hình thức lừa đảo phổ biến trên mạng như tiền bạc, tình cảm, việc làm…; giới hạn an toàn trên mạng về nội dung ứng xử các nội dung xấu, phản cảm, chia sẻ có trách nhiệm, kỹ năng selfie an toàn; giới hạn an toàn trên mạng về thời gian sử dụng Internet, chơi game… 

Em Nguyễn Lê Huy Hoàng - lớp 11 Văn, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành chia sẻ: "Qua các buổi tập huấn trang bị kiến thức an toàn mạng, chúng em biết cách bảo vệ bản thân trên không gian mạng để mình không trở thành mục tiêu của tội phạm mạng. Chúng em mong muốn nhà trường sẽ tiếp tục có nhiều thêm hoạt động như vậy để chúng em có thêm kiến thức kỹ năng an toàn mạng”. 

Trong 10 chỉ tiêu chuyển đổi số trong trường học thì chỉ tiêu số 9 là 100% học sinh được trang bị kiến thức và bảo vệ trên môi trường mạng. Đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đảm bảo có thể thúc đẩy được thế hệ công dân số. 

Ông Nguyễn Quốc Chiến - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: "Thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã phối hợp với Sở GD&ĐT triển khai thí điểm chuyển đổi số trong trường học. Trong đó, có chỉ tiêu 100% học sinh được bảo vệ trên môi trường mạng. Bởi trang bị kiến thức an toàn mạng cho học sinh là cần thiết và quan trọng. Hiện nay, có rất nhiều mạng xã hội, bên cạnh mặt tích cực có nhiều mặt tiêu cực, nếu không am hiểu và không có kỹ năng thì sẽ rất nguy hại". 

"Những khóa tập huấn an toàn mạng sẽ giúp cho các em có "vắc-xin” phòng tránh những tác động tiêu cực. Từ chương trình tập huấn tại 2 đơn vị thực hiện thí điểm chuyển đổi số là Trường THCS Quang Trung và Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành chúng tôi mong muốn sẽ có những tập huấn rộng hơn cho tất cả các trường học trên địa bàn toàn tỉnh, trang bị cho tất cả các em học sinh Yên Bái có được kiến thức, kỹ năng an toàn mạng và dần để những kiến thức đó trở thành kỹ năng sống cho các em. Đó chính là cách để học sinh tự tạo ra "vắc-xin” kháng lại những nguy hiểm trên môi trường mạng”, ông Chiến nói thêm. 

Bên cạnh đó, các nhà trường và phụ huynh nên chủ động hướng dẫn, trò chuyện, dạy trẻ em cách để có thể tự bảo vệ mình trong thế giới ảo. Theo các chuyên gia, trẻ em và gia đình cần học hỏi các kiến thức và kỹ năng số thiết yếu. 

Những quy định về hành vi, chuẩn mực trong cuộc sống thật cũng nên được áp dụng cho môi trường ảo để các em có thể trở thành những công dân số chuẩn, có trách nhiệm. Cùng với đó, phụ huynh hãy tận dụng lợi thế công nghệ và trang bị kiến thức an toàn, an ninh mạng để biết được con em mình đang học gì, chơi gì. 

Đồng thời, sử dụng các công nghệ, phương thức để lọc nội dung không phù hợp với lứa tuổi, chặn các trang web xấu, nội dung độc hại, các hội nhóm tự phát có thể gây ra những sai lệch trong suy nghĩ, hành động của trẻ cũng cần được áp dụng triệt để. 

Cục Trẻ em và các tổ chức xã hội cũng đã nỗ lực để biên soạn rất nhiều các tài liệu mẫu, cẩm nang, clip hướng dẫn cha mẹ có thể tìm hiểu và đọc từ các nguồn chính thống, đặc biệt trên website và facebook page của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Truyền hình vì trẻ em... Rất nhiều kênh để cha mẹ có thể tìm hiểu, học hỏi, nhờ tư vấn và báo cáo để hỗ trợ bảo vệ con em mình.

"Vắc-xin số” là điều kiện đủ để chuyển đổi số trong giáo dục thành công. Và "vắc-xin số” an toàn nhất được hình thành từ nỗ lực của nhiều phía, chỉ khi nào toàn xã hội vào cuộc tích cực "lá chắn” bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng mới thực sự vững chắc, an toàn.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 830/QĐ-TTg ban hành Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Chương trình đặt ra mục tiêu 100% trẻ em được tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cần thiết trong giai đoạn 2021-2030. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia về riêng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Thanh Ba

Tags Yên Bái vắc-xin số chuyển đổi số Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Ngày 10/5, huyện Văn Yên đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả, tiến độ triển khai các hạng mục, phần việc của Đề án chuyển đổi số.

Xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái tập huấn chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, trưởng các ngành, đoàn thể.

Bám sát Chương trình hành động số 12 ngày 1/3/2021 của Thành ủy Yên Bái về đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ và đổi mới, sáng tạo, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS), kinh tế số và xã hội số, xã Âu Lâu đã và đang tích cực xây dựng mô hình CĐS với nỗ lực và quyết tâm cao.

Trung tâm Hành chính công huyện Trấn Yên được đầu tư trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; triển khai và c thử nghiệm các nhóm công nghệ số cơ bản trong nông nghiệp...

Đến năm 2025, không còn giao dịch chi bằng tiền mặt qua kho bạc

Với mục tiêu trở thành Kho bạc số, Kho bạc Nhà nước phấn đấu đến cuối năm 2025 không còn giao dịch tiền mặt, không chứng từ giấy...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục