Nhiều ứng dụng được triển khai
Giảm văn bản hành chính trong mỗi cuộc họp, tiết kiệm chi phí in ấn tài liệu, rút ngắn thời gian chuẩn bị họp, tăng cường sự tương tác giữa các thành viên dự họp, nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo điều hành…, những hiệu quả bước đầu kể từ khi xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái triển khai "Phòng họp không giấy”.
Phó Chủ tịch UBND xã Đỗ Thị Ngân Hà chia sẻ: Với "Phòng họp không giấy”, tài liệu được chuyển đến các đại biểu thông qua điện thoại thông minh hoặc Ipad cá nhân. Trong cuộc họp, việc biểu quyết được thực hiện trên máy tính. Kết quả biểu quyết, ý kiến chỉ đạo, kết luận sẽ được tổng hợp và thông báo đến các đơn vị, cá nhân liên quan một cách kịp thời và chính xác. Đến nay, Yên Bái đã có 5 đơn vị cấp huyện triển khai "Phòng họp không giấy”.
Ông Nguyễn Dũng Giang - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Bình cho biết: Trước sự phát triển công nghệ thông tin, việc chuyển đổi từ phòng họp truyền thống sang "Phòng họp không giấy” là rất cần thiết. Giải pháp "Phòng họp không giấy" còn phục vụ được các cuộc họp mang tính cấp bách như chỉ đạo, giải quyết các vấn đề về an ninh chính trị, kinh tế - xã hội, thiên tai… vừa giải quyết nhu cầu cấp bách, vừa giải quyết nhu cầu chỉ đạo thường xuyên, liên tục cùng một lúc khi có sự cố xảy ra. Đối với cấp tỉnh, "Phòng họp không giấy” được triển khai lần đầu tiên tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) lần thứ 25 (mở rộng) được tổ chức vào tháng 7/2019.
Từ đó, mô hình này được triển khai tại tất cả các cuộc họp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã giúp rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả từng cuộc họp, tăng cường tương tác giữa các thành viên dự họp, giảm 30% giấy tờ, 40% chi phí cho việc họp hành, nhất là giúp lãnh đạo đưa ra quyết định kịp thời, nhanh chóng, chính xác, phù hợp với xu hướng đô thị thông minh mà tỉnh Yên Bái đang đẩy mạnh triển khai.
Thực hiện Kế hoạch số 61 của Tỉnh ủy Yên Bái về triển khai thí điểm sử dụng nền tảng số "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái”, đến nay, toàn tỉnh có 41 tổ chức đảng với 170 chi bộ và 4.002 đảng viên tham gia.
Đến nay, toàn tỉnh có 72/173 xã, phường, thị trấn đăng ký thực hiện các mục tiêu CĐS, chiếm tỷ lệ 41,6%, (trong đó: 69/72 xã, phường CĐS, 3/72 xã, phường CĐS nâng cao). 100% xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố đã thành lập tổ CĐS cộng đồng với 10.851 thành viên tham gia. |
Tại Chi bộ Văn phòng Trung tâm Kinh doanh VNPT Yên Bái, trong buổi sinh hoạt định kỳ tháng 8/2022, tất cả các đảng viên tham gia sinh hoạt đều sử dụng nền tảng số "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái”.
Đồng chí Phạm Huyền Tông - Bí thư Chi bộ cho biết: Trước buổi sinh hoạt, các văn bản mới của Đảng ủy cấp trên và Cấp ủy Chi bộ được gửi tới các đồng chí đảng viên thông qua ứng dụng nền tảng số "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái”.
Nội dung sinh hoạt đã được thống nhất trong Chi ủy và cập nhật trên phần mềm để đảng viên có thời gian nghiên cứu tài liệu và chuẩn bị ý kiến phát biểu. Qua sinh hoạt, các đảng viên hiểu được việc chia sẻ thông tin trên "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” hiệu quả, hữu ích... Với một chi bộ, đảng viên có thế mạnh trong việc sử dụng công nghệ thông tin thì việc sử dụng "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” được diễn ra rất thuận lợi.
Còn tại phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái, để tạo thuận lợi cho đảng viên cũng như phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin, truy cập Internet một cách nhanh nhất, phường đã phối hợp rà soát, lắp đặt hệ thống Wifi miễn phí tốc độ cao ở hội trường các nhà văn hóa tổ dân phố.
Đồng chí Nguyễn Quang Hoan - Bí thư Đảng ủy phường cho biết: Các đảng viên nhận thức được việc sử dụng công nghệ số trong sinh hoạt Đảng là rất cần thiết, giúp cho các đảng viên nắm bắt được ngay các văn bản, quy định của Đảng thường xuyên hơn và không phải chờ đến các cuộc họp chi bộ hàng tháng.
Được biết, hiện nay, số tổ chức Đảng tham gia sinh hoạt trên nền tảng số "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” đã vượt chỉ tiêu 372,7% số tổ chức cơ sở đảng; 278,7% chi bộ, đạt 200,2% đảng viên kế hoạch giao; 170/170 chi bộ tổ chức sinh hoạt trên nền tảng số "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái”. Trong 1.999 đảng viên tham gia có 1.736 đảng viên đã tạo tài khoản, đạt 86,8%, còn 263 tài khoản chưa tạo do chưa có điện thoại thông minh.
Trung tâm Giám sát và Điều hành đô thị thông minh thành phố Yên Bái.
Đáp ứng nhu cầu phát triển
Thay vì phải trả tiền mặt như trước khi mua bán hàng hóa, sau khi được cán bộ ngân hàng hướng dẫn, ông Nguyễn Đức Thực tại tổ 5, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái đã thấy đây là một giải pháp vô cùng tiện lợi.
Ông Thực cho biết: "Việc thanh toán không dùng tiền mặt giúp người dân chúng tôi tiết kiệm thời gian, công sức, giảm bớt thời gian đợi chờ tới lượt thanh toán… Ví dụ như nộp tiền điện, thay vì tôi phải bỏ một khoảng thời gian dài đi tới trụ sở, chờ tới phiên thanh toán, thì nay mình có thể ở nhà và thanh toán trên điện thoại, chỉ mất khoảng vài phút mà không bị ảnh hưởng đến công việc khác. Tôi thấy đây là một giải pháp vô cùng tiện lợi, phù hợp với quá trình phát triển của xã hội”.
Không chỉ sử dụng giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, ông Thực còn được cài đặt các ứng dụng nền tảng số về sức khỏe điện tử, định danh điện tử và cài đặt các App tiện lợi khác trên điện thoại thông minh.
Ra mắt vào tháng 7/2022, song Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ du lịch Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu đã triển khai việc quảng bá thông tin du lịch trên không gian mạng như: facebook, zalo, fanpage và các ứng dụng điện thoại thông minh.
Với 91 ngành nghề đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực du lịch như: tổ chức tour, đại lý du lịch, dịch vụ lưu trú, vận tải hành khách, nhà hàng ăn uống, bán cho thuê các thiết bị thể thao, kinh doanh các mặt hàng như các loại thổ cẩm, bán các sản phẩm nông nghiệp OCOP các loại đặc sản vùng miền..., đều được quảng bá trên hạ tầng mạng để du khách trong và ngoài nước biết tới.
Ông Nguyễn Việt Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hưng Việt, Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch Trạm Tấu cho biết: "Chúng tôi tận dụng tối đa việc truyền thông trên mạng xã hội, đây là hình thức truyền thông rộng rãi, chi phí ít, tiện lợi và hiệu quả cho người sử dụng dịch vụ. Công ty cũng đã mã hóa các sản phẩm dịch vụ bằng các mã QR-code để cung cấp cho khách hàng lượng thông tin nhiều nhất và sử dụng khi cần thiết”.
Bà Dương Phương Thảo - Trưởng phòng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trạm Tấu cho biết: "Với việc đẩy nhanh lộ trình CĐS, tư duy làm du lịch của người dân nơi vùng cao Trạm Tấu đã thay đổi, không bó hẹp trong không gian địa phương mà lan tỏa mạnh mẽ trên môi trường mạng. Do đó, lượng khách đến với huyện ngày càng tăng, nhất là vào các dịp nghỉ lễ, tết”.
Sau 2 năm triển khai, đến nay, Yên Bái đã có 283 doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân được đưa lên sàn thương mại điện tử với 940 sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP.
Ông Đinh Đăng Luận - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết: Hết năm 2022, Yên Bái phấn đấu 100% sản phẩm OCOP của tỉnh được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn; 100% hộ sản xuất nông nghiệp có sản phẩm lên sàn thương mại điện tử được đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên các sàn; thiết lập 10.000 tài khoản nhằm thúc đẩy gia tăng số lượng giao dịch và giá trị giao dịch trên các sàn thương mại điện tử.
Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo môi trường minh bạch, thuận lợi để thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, tỉnh đang đẩy mạnh tiến trình CĐS để hiện thực hóa các mục tiêu sớm đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Mạnh Cường
(Bài cuối: "Đi sau” nhưng "đuổi kịp, tiến cùng”)