Sẽ có cơ chế hỗ trợ cho người dân phát triển sáng tạo trong khoa học công nghệ
- Cập nhật: Thứ hai, 23/2/2015 | 7:06:12 AM
Năm 2015 Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ xây dựng Thông tư, tạo ra cơ chế hỗ trợ cho người dân phát triển sáng tạo trong khoa học công nghệ.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân.
|
Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân với báo chí nhân dịp Năm mới 2015.
Phóng viên (PV): Năm qua, ngành khoa học công nghệ có nhiều bước đi vững chắc. Bộ trưởng có thể chia sẻ những thành tựu nổi bật trong năm qua và những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2015?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Năm 2014 là năm ngành KH&CN đã hoàn thành toàn bộ nền tảng pháp lý cho KHCN bằng việc ban hành 6 Nghị định, hơn 40 Thông tư và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho những năm tiếp theo để đưa Luật và Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Tiếp đến là Bộ đã tổ chức thành công Ngày KH&CN Việt Nam (18/5). Đây cũng là năm đầu tiên Ngày KH&CN Việt Nam được tổ chức. Cùng với ngày này, Bộ có chủ trương mở cửa phòng thí nghiệm để phục vụ cho giới trẻ, học sinh, sinh viên… nhằm nuôi dưỡng sự đam mê khoa học công nghệ trong giới trẻ. Qua đây, các nhà khoa học cũng có dịp trao đổi về lĩnh vực KH&CN của mình với giới trẻ.
Một trong những thành công nổi bật nữa, năm 2014 các nhà khoa học Việt Nam đã chế tạo và sản xuất thành công vắc xin virus rota phòng tiêu chảy, đưa Việt Nam trở thành một trong 4 quốc gia trên thế giới sản xuất thành công vắc xin. Đây cũng là một trong sáu sản phẩm quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Chương trình sản phẩm quốc gia. Với vắc xin mới này, Việt Nam đã xuất khẩu ra một số nước.
Về sản xuất điện năng, Việt Nam là nước đứng hàng đầu trong khu vực về các lĩnh vực như thuỷ điện, công nghệ bê tông đầm lăn, các thiết bị chính như cầu trục, gian máy cho đến các thiết bị thuỷ lực tải trọng hàng trăm, nghìn tấn….Đây là những lĩnh vực hoàn toàn do người Việt Nam thiết kế thi công và rất thành công.
Với những thành công trên và một số lĩnh vực khác, năm 2014 được coi là năm hành động của ngành khoa học công nghệ. Bởi, Luật Khoa học và Công nghệ cùng với các văn bản hướng dẫn Luật đã được ban hành đồng bộ và có hiệu lực. Tuy nhiên, hiện còn một số Nghị định ban hành chậm.
Bởi vậy, năm 2015 việc đầu tiên sẽ được Bộ chú trọng là sẽ ban hành tất cả các Thông tư, Hướng dẫn, Nghị định còn chậm so với quy định. Tiếp đến, Bộ sẽ đẩy mạnh tiến độ tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, đặc biệt là ba Chương trình Quốc gia lớn đã được Thủ tướng phê duyệt là Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình Phát triển công nghệ cao, Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia… Đồng thời, Bộ cũng đẩy mạnh việc thành lập Quỹ Khoa học và Công nghệ tại các địa phương nhằm đẩy mạnh tiến độ, hiệu quả của các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực KH&CN.
PV: Được biết năm 2014, Bộ Khoa học và Công nghệ thí điểm xây dựng Quỹ đầu tư mạo hiểm, nhằm giúp "Đề án Thung lũng Silicon của Mỹ" được thực hiện thành công ở Việt Nam và đưa nghiên cứu vào ứng dụng thực tiễn, đến nay đã triển khai đến đâu thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Tháng 12/2014, Bộ Nội vụ đã ký thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên của Việt Nam trên cơ sở đề án lớn của Bộ KH&CN là Đề án Thung lũng Silicon. Nhiệm vụ tiếp theo là tìm kiếm, kêu gọi các nhà đầu tư để tạo vốn cho Quỹ đầu tư mạo hiểm. Hiện đã có một số doanh nghiệp cam kết đầu tư vào Quỹ. Đây sẽ là nguồn vốn quan trọng để các doanh nghiệp khởi nghiệp sau khi được ươm tạo có thể tiếp cận vốn và phát triển doanh nghiệp.
Bộ đang đề xuất với Bộ Nội vụ là nguồn vốn của Quỹ hoàn toàn do doanh nghiệp làm chủ. Hiện một số doanh nghiệp đã cam kết đóng góp và trong vài tháng tới có thể đóng góp số vốn 10 tỷ. Song song với đó thì Bộ sẽ hoàn thiện cơ chế hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm tương thích với các Quỹ đầu tư mạo hiểm khác trên thế giới. Với việc thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm, Bộ cũng hy vọng sẽ có một hệ thống các Quỹ đầu tư mạo hiểm không chỉ của ngành khoa học công nghệ, các bộ, mà còn của các hiệp hội, doanh nghiệp.
PV: Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nhà “khoa học chân đất” có ý tưởng và sáng chế trong khoa học, tuy nhiên hiện vẫn chưa có cơ chế nào để hỗ trợ họ. Thời gian tới, Bộ có giải pháp gì cho các nhà khoa học này, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Hiện nay, Bộ cũng đã chỉ đạo Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp cùng với Bộ Tài chính xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn về việc nhà nước có thể hỗ trợ trực tiếp cho người dân có sáng kiến cải tiến. Hy vọng, năm 2015 có thể ban hành làm căn cứ pháp lý để cho các địa phương hỗ trợ cho người dân.
Nói về việc hỗ trợ người dân có sáng kiến, Bộ đã làm nhiều, ví dụ hàng năm Bộ đã tổ chức làm các Chợ thiết bị công nghệ cả khu vực quốc gia và quốc tế, trong đó đều mời những người nông dân tham gia. Qua đó, nếu sản phẩm nào của người dân được doanh nghiệp quan tâm đầu tư thì họ sẽ tiếp tục hợp tác. Sản phẩm nào chưa hoàn thiện, Bộ sẽ giao cho Sở KH&CN giúp đỡ cho người dân tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện.
Có thể thấy, nhiều sản phẩm của người nông dân sáng chế đã thành công và được doanh nghiệp đầu tư trở thành hàng hoá, được phổ biến rộng rãi nhưng một số sản phẩm chưa được thương mại hoá vì chưa tiện dụng, phù hợp với kinh phí. Ví dụ như máy cắt lúa được cải tiến từ máy cắt cỏ của một nông dân miền Trung, dùng thay máy gặt. Tuy nhiên, sản phẩm này chỉ có người nông dân sáng chế ra mới dùng được vì nó nặng, chỉ cắt được cỏ khi chuyển sang cắt lúa, gốc lúa cứng nên máy rung lắc rất mạnh, khó sử dụng nên không người dân nào đặt hàng. Hoặc một số máy khác như máy thái hành, bóc vỏ các loại hạt, khả năng thương mại hoá rất khó vì rất thô sơ, chỉ dùng trong một phạm vi nhất định, theo mùa nên người dân cũng không muốn mua…
Với thực trạng trên, toàn ngành khoa học sẽ cố gắng trong năm tới có Thông tư nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người dân phát triển sáng tạo trong KH&CN.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!
(Theo Dangcongsan.vn)
Các tin khác
Đến nay, Việt Nam đã tự sản xuất 10/11 loại vaccine và chủ động nguồn cung cấp vaccine phục vụ cho chương trình tiêm chủng mở rộng.
YBĐT - Trả lời phỏng vấn phóng viên YBĐT, ông Vũ Xuân Hợi - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh cho biết, năm 2015, hoạt động KH&CN trên địa bàn tiếp tục tổ chức lựa chọn các nhiệm vụ khoa học, công nghệ theo hướng trọng tâm, trọng điểm.
Các nhà khoa học vừa tìm ra một loại kháng sinh mới mang tên Teixobactin, có khả năng điều trị nhiễm khuẩn và loại bỏ vấn đề kháng thuốc, vốn đang là bài toán khó từ nhiều thập kỷ nay, mở ra hy vọng khống chế các loại siêu vi khuẩn kháng nhiều loại thuốc.
Ngày 9/1, Nhà máy Amie - cơ sở đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công nghệ nano bạc và đạt chuẩn thực hành sản xuất tốt GMP chính thức đi vào hoạt động.