Lần đầu tiên ghép tế bào gốc cho người mắc bệnh tan máu bẩm sinh

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/8/2015 | 7:55:43 AM

Bệnh nhân nhi Trần Gia H. (3 tuổi, Hà Nam) mắc bệnh tan máu bẩm sinh vừa được Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương ghép tế bào gốc máu dây rốn thành công ngày 12/8.

Sức khỏe của cháu H. ổn định, đang được theo dõi nghiêm ngặt trong phòng chăm sóc đặc biệt.
Sức khỏe của cháu H. ổn định, đang được theo dõi nghiêm ngặt trong phòng chăm sóc đặc biệt.

Đây là lần đầu tiên Viện thực hiện ca ghép tế bào gốc cho một bệnh nhân nhi bị bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia).

Trước đó, cháu H. được điều trị và truyền máu nhiều lần tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, tuy nhiên, sức khỏe của cháu ngày càng yếu nên các bác sĩ đã quyết định thực hiện ca ghép tế bào gốc máu dây rốn.

Mẫu tế bào gốc máu dây rốn ghép cho cháu H. được lấy từ máu cuống rốn của em gái cháu sinh cách đây 2 tháng.

Tiên sĩ Trần Ngọc Quế, Phó giám đốc Trung tâm Tế bào gốc của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết, nguồn tế bào gốc máu dây rốn của người cho mà cùng huyết thống với người nhận khi ghép sẽ cho kết quả tốt hơn rất nhiều so với các nguồn tế bào gốc khác.

Đối với trường hợp bệnh nhi này, nếu không được chỉ định ghép tế bào gốc thì tiên lượng sẽ rất xấu, đặc biệt là phải truyền máu suốt đời. Bên cạnh đó bệnh nhân sẽ gặp một số biến chứng như quá tải sắt (vì truyền máu nhiều lần), nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm và suy các cơ quan chức năng như gan, lách, thận...

Lãnh đạo Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết, ca ghép này đã được thực hiện thuận lợi. Bệnh nhân sau ghép sức khỏe ổn định và đang được theo dõi nghiêm ngặt trong phòng chăm sóc đặc biệt.

“Đây là tin vui đối với bệnh nhân mắc bệnh tan máu bẩm sinh, đồng thời mở ra cơ hội mới trong điều trị bệnh tan máu bẩm sinh tại Việt Nam - đang có trên 10 triệu người mang gene bệnh này”, lãnh đạo Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương chia sẻ.

Bệnh tan máu bẩm sinh là bệnh nguy hiểm, biểu hiện ở 3 mức độ.

Ở mức độ nặng: Người bệnh bị thiếu máu nặng, xanh xao, da và vùng mắt vàng, chậm phát triển thể chất, sốt tiêu chảy và các rối loạn tiêu hóa khác. Nếu được truyền máu đầy đủ trẻ có thể phát triển bình thường đến khoảng 10 tuổi. Sau 20 tuổi, thường có biểu hiện của biến chứng nặng như biến dạng xương, hộp sọ to, bướu trán, bướu đỉnh, hai gò má cao, mũi tẹt, lách to, gan to, sỏi mật, dậy thì sớm…

Ở mức độ trung bình: Biểu hiện thiếu máu xuất hiện muộn hơn, khoảng 4-6 tuổi trẻ mới cần truyền máu. Tuy nhiên, nếu không điều trị đầy đủ và kịp thời, người bệnh sẽ gặp phải những biến chứng như lách to, gan, sỏi mật, sạm da… Đến độ tuổi trung niên sẽ có biểu hiện đái tháo đường, suy tim, xơ gan.

Ở mức độ nhẹ: Người mang gene bệnh thường không có biểu hiện gì đặc biệt ở lâm sàng. Chỉ vào những thời kỳ cơ thể có nhu cầu tăng về máu như phụ nữ khi mang thai, kinh nguyệt nhiều, mới thấy biểu hiện mệt mỏi, da xanh; nếu làm xét nghiệm thì sẽ thấy lượng huyết sắc tố giảm.

(Theo Chinhphu.vn)

Các tin khác
Ảnh minh họa

Giáo sư, tiến sĩ (GS.TS) Lê Thị Luân, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế - người đoạt nhiều giải thưởng với công trình sản xuất vắc-xin Rota phòng bệnh tiêu chảy cấp cho trẻ em- vừa đột ngột qua đời.

Dự kiến tên lửa mới do liên doanh Nga, Ấn Độ phát triển sẽ có vận tốc 6.125 km/giờ, tức là gấp hơn 5 lần âm thanh.

Rung nhĩ có thể gây ra cục máu đông trong tim, dẫn đến tắc mạch. Ngoài ra, rung nhĩ còn làm nhịp tim nhanh, khiến bệnh nhân hồi hộp, khó thở, thậm chí hạ huyết áp.

Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Ung thư (BVUT) Đà Nẵng gặp và phẫu thuật khối u có kích thước lớn và phức tạp sau phúc mạc xuất phát từ mặt sau bàng quang.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục