Khoa học và công nghệ góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương
- Cập nhật: Thứ năm, 17/11/2016 | 8:18:43 AM
YBĐT - Xác định phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) là quốc sách hàng đầu giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước; tỉnh Yên Bái đã chú trọng quan tâm trong lãnh đạo và chỉ đạo phát triển KH&CN làm động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong 5 năm gần đây, tỉnh đã dành ngân sách hàng năm từ 15 - 19 tỷ đồng đầu tư cho hoạt động KH&CN (vốn sự nghiệp khoa học và vốn đầu tư phát triển KH&CN). Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào đời sống và sản xuất của tỉnh Yên Bái luôn được triển khai tích cực, từ năm 2010 - 2015 với trên 300 đề án dự án, trong đó ưu tiên 60-70% các đề tài dự án cho lĩnh vực nông lâm nghiệp là tiềm năng ưu thế trong phát triển kinh tế của tỉnh, thúc đẩy mạnh việc đổi mới giống, cây trồng, vật nuôi, tạo vùng sản xuất hàng hóa, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp như: gần 3.000 ha vùng lúa hàng hóa chất lượng cao; chăn nuôi gia cầm, gia súc theo hướng bán công nghiệp và công nghiệp; hình thành vùng cây ăn quả có múi (cam, bưởi với trên 1.000 ha) trên 33 nghìn ha quế có giá trị kinh tế cao; vùng chè trên 11.000 ha; măng tre Bát độ trên 3.500 ha…
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào đổi mới công nghệ, tạo gia tăng đáng kể giá trị sản xuất công nghiệp bình quân hàng năm đạt 450-500 tỷ đồng. KH&CN cũng đã góp phần quan trọng vào phát triển văn hóa xã hội của tỉnh, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, viễn thông… Đồng thời bám sát phục vụ mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị trong tỉnh, gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh vững mạnh.
Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Sở KH&CN và ngành liên quan, từ năm 2010 - 2015 đã triển khai thành công 3 lần hội thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh, 5 lần hội thi sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc, đã có nhiều giải pháp đạt giải trong đó có cả giải đặc biệt, nhất, nhì, ba, góp phần vào tôn vinh khuyến khích sáng tạo kỹ thuật trong nhân dân.
Mặc dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KH&CN cũng còn gặp không ít khó khăn, bộc lộ không ít hạn chế như: triển khai hướng dẫn ứng dụng KH&CN cho người dân còn hạn chế; tác động đối với tăng trưởng kinh tế chưa rõ nét, chưa tạo được các mô hình đột phá về kinh tế thông qua ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Cụ thể, chưa hình thành được thị trường KH&CN ở địa phương; cơ chế chính sách cho phát triển KH&CN còn không ít bất cập đặc biệt là trong các doanh nghiệp về đổi mới công nghệ thiết bị chế biến, sản xuất kinh doanh, khắc phục ô nhiễm môi trường…
Nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển KH&CN của tỉnh còn hạn chế, chủ yếu phụ thuộc nguồn phân bổ từ ngân sách trung ương, tổng mức đầu tư xã hội cho hoạt động KH&CN hàng năm mới đạt 0,1% GDP và 0,45% tổng chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn. Chưa có sự gắn kết giữa khoa học - đào tạo; giữa nghiên cứu với sản xuất kinh doanh; giữa người làm khoa học với người dân; tiềm lực KH&CN còn nhỏ bé, năng lực nghiên cứu triển khai còn hạn chế.
Để KH&CN góp phần quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế xã hội tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 cần: quán triệt tổ chức thực hiện tốt các quan điểm, cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước về KH&CN, tiếp tục xác định KH&CN là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; phát triển KH&CN tỉnh Yên Bái tạo ra “sung lực” mới thúc đẩy phát triển kinh tế kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong nền kinh tế trí thức, trong hội nhập vùng, hội nhập trong nước và quốc tế.
Tập trung thực hiện có hiệu quả công tác nghiên cứu ứng dụng và triển khai các tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của tỉnh một cách có hiệu quả và bền vững, góp phần xây dựng tỉnh Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Chú trọng thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng, tập hợp phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đặc biệt là đội ngũ trí thức KH&CN, chuyên gia giỏi trong lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế riêng có của Yên Bái, tạo ra bước đột phá mới cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, thực hiện thành công sự nghiệp CNH - HĐH và xây dựng nông thôn mới theo mục tiêu đã đề ra.
Thực hiện tích cực có hiệu quả về đào tạo nguồn lực của tỉnh có chất lượng tay nghề và trình độ cao, đặc biệt là nguồn nhân lực “chất xám” trong đội ngũ trí thức KH&CN. Xây dựng cơ chế, chính sách, tăng nguồn lực đầu tư hợp lý cho phát triển KH&CN (Vốn đầu tư xã hội đến năm 2020 đạt 1% GDP); có cơ sở hạ tầng KH&CN đạt trình độ trung bình khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc và đạt mức trung bình của cả nước; có giải pháp tích cực để sớm hình thành thị trường KH&CN tại địa phương.
Tăng cường công tác tham mưu đề xuất kịp thời của tổ chức có trách nhiệm liên quan về chủ trương, giải pháp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về hoạt động KH&CN ở địa phương. Chú trọng công tác phổ biến kiến thức, phong trào lao động sáng tạo trong nhân dân, chung tay đưa nhanh tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào sản xuất và cuộc sống, tạo sức bật bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và tiến bộ mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội. Tỉnh cần sớm xây dựng Đề án: “Phát triển KH&CN tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn 2030” nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giải pháp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của KH&CN góp phần làm động lực quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế xã hội của tỉnh nhanh và bền vững.
Hoàng Thương Lượng (Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh)
Các tin khác
Một nhóm công ty công nghệ Nga vừa phát minh ra thiết bị radar cầm tay mới có khả năng phát hiện người ẩn sau bức tường dày bằng việc phát hiện nhịp tim và hơi thở.
Sáng nay 15-11, Tập đoàn công nghệ Bkav công bố tổ chức cuộc thi an ninh mạng toàn cầu WhiteHat Grand Prix 2016 với chủ đề Khám phá Việt Nam (Discovering Vietnam). Đây là lần thứ 2 Bkav tổ chức WhiteHat Grand Prix quy mô toàn cầu. Cuộc thi sẽ diễn ra vào ngày 17-12-2016, với giải Nhất trị giá 225 triệu đồng.
Nga vừa chế tạo thành công robot mang tên "Flight" có thể phát hiện và hạ gục mục tiêu từ khoảng cách khoảng 7 km.
Siêu trăng lớn nhất trong 68 năm qua là hiện tượng thiên văn kỳ thú mà nhiều người sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng vào tối và đêm nay (14/11).