Lần đầu tiên phẫu thuật động kinh thành công bằng kỹ thuật mới

  • Cập nhật: Thứ năm, 11/1/2018 | 2:40:38 PM

Một tuần sau ca mổ kéo dài 5 tiếng của các bác sĩ Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương và các chuyên gia thần kinh của Mỹ, đến ngày 11-1, cháu Nguyễn K.H (11 tuổi, Hà Nội) đang có dấu hiệu phục hồi tốt. Điều này đồng nghĩa với việc kết thúc 9 năm sống thấp thỏm với những cơn co giật của bé.

Ca phẫu thuật động kinh kết hợp đặt điện cực bề mặt vỏ não ở BV Nhi Trung ương .
Ca phẫu thuật động kinh kết hợp đặt điện cực bề mặt vỏ não ở BV Nhi Trung ương .

Đây là kết quả của ca phẫu thuật động kinh kết hợp đặt điện cực bề mặt vỏ não lần đầu tiên tại BV Nhi Trung ương.

Khi sinh ra, cháu H. hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy nhiên, đến 9 tháng tuổi thì cháu bị sốt, có cơn co giật và phải điều trị tại BV. Khi ấy gia đình chỉ nghĩ bé co giật là do sốt. Thời gian sau, cháu bị co giật cả chân tay với tần suất tăng dần dù cháu không sốt.

Lúc này gia đình mới nghĩ đến khả năng con mắc bệnh lý về thần kinh nên đưa đến BV. Các bác sĩ của BV Nhi Trung ương chẩn đoán cháu mắc động kinh và bé H. được điều trị theo phác đồ của BV.

Suốt 9 năm qua, các bác sĩ đã thay đổi rất nhiều loại thuốc chống động kinh cho cháu nhưng bệnh không giảm. Cuối cùng, sau khi làm lại các xét nghiệm, hội chẩn nhiều lần, các bác sĩ Khoa Thần kinh của BV Nhi Trung ương đã kết luận cháu mắc chứng động kinh kháng thuốc và phải phẫu thuật.

Đây là một ca bệnh khó với nhiều nguy cơ nên BV đã mời các chuyên gia thần kinh đến từ Alabama (Hoa Kỳ) hỗ trợ để phẫu thuật cho cháu. Các bác sĩ xác định được nguyên nhân sinh động kinh là do loạn sản vỏ não.

TS. Cao Vũ Hùng-Trưởng Khoa Thần kinh (BV Nhi Trung ương) cho biết, khó khăn nhất của phẫu thuật động kinh là phải định được vùng sinh động kinh, mới tiến hành phẫu thuật cắt được.

Ths. Lê Nam Thắng -Phó trưởng Khoa Thần Kinh, là Trưởng kíp phẫu thuật cháu H. cho biết: Ca phẫu thuật này có thuận lợi là chúng tôi được các chuyên gia Mỹ hỗ trợ chuyển giao công nghệ.

Trên cơ sở đó chúng tôi áp dụng kỹ thuật phẫu thuật kết hợp đặt điện cực bề mặt vỏ não trong quá trình phẫu thuật. Điều này cho phép các bác sĩ xác định một cách chính xác, chi tiết hơn vị trí của vùng sinh động kinh, tránh phẫu thuật diện tích mô não lớn nhằm tiết kiệm cho bệnh nhi những vùng não thực sự còn lành lặn.

"Phẫu thuật động kinh kết hợp đặt điện cực bề mặt vỏ não là một kỹ thuật rất phức tạp. Thành công của ca phẫu thuật đòi hỏi sự phối hợp chuẩn xác của cả ekip. Quá trình bóc tách và đặt điện cực trên bề mặt não đòi hỏi phẫu thuật viên có kinh nghiệm để tránh  nguy cơ chảy máu trong mổ, vị trí đặt điện cực cần chuẩn xác để đánh giá được đúng nhất vị trí vùng sinh động kinh cần loại bỏ.

Nhiệm vụ của các bác sĩ nội thần kinh là đọc bản ghi điện não ngay tại phòng mổ, chẩn đoán nhanh nhất và chính xác nhất vùng tổn thương. Trong khi đó, bác sĩ gây mê có vai trò đưa ra liều gây mê phù hợp nhằm bắt được sóng điện não chính xác nhất”- Ths. Thắng chia sẻ.

Theo Ths. Lê Nam Thắng, phẫu thuật động kinh kết hợp điện não đồ bề mặt vỏ não là phương pháp phẫu thuật đặt các tấm có chứa điện cực trên bề mặt vỏ não, nhằm tiếp cận gần nhất với ổ phát sóng động kinh để ghi lại các sóng điện não, tránh được nhược điểm của điện não đồ da đầu chỉ xác định là có sóng bất thường của cả 1 vùng.

Khi phát hiện bất thường về sóng điện não (sóng động kinh), các bác sĩ có thể xác định vùng nào cần phẫu thuật cắt bỏ hoặc các vùng chưa cắt liệu còn bất thường hay không.

Ca phẫu thuật kéo dài 5 giờ đã thành công tốt đẹp. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của ekip mổ, trình độ tay nghề và nhất là sự nhiệt tình, tận tụy của các thầy thuốc, ca mổ đã tránh được những tai biến nguy hiểm dễ gặp như chảy máu trong mổ, nhiễm trùng sau mổ.

Kết thúc ca phẫu thuật, cháu bé hồi tỉnh nhanh và chỉ lên cơn giật vào ngày đầu tiên sau mổ, từ ngày thứ 2 đã không còn xuất hiện cơn co giật nữa.

Theo các bác sĩ chuyên khoa thần kinh, bệnh động kinh nếu không kiểm soát được cơn co giật sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển, chất lượng sống của người bệnh. Người bệnh có thể gặp các tai nạn sinh hoạt, chấn thương do cơn giật gây nên.

Cơn động kinh kéo dài có thể dẫn đến tổn thương não, thậm chí gây tử vong. Do vậy, bệnh nhân mắc động kinh kháng thuốc cần được áp dụng các phương pháp điều trị như phẫu thuật, chế độ ăn kiêng…. trong đó, phẫu thuật là lựa chọn tốt với nhóm động kinh kháng thuốc.
 
(Theo CAND)

Các tin khác
Hình ảnh gia đình voọc đầu trắng xuất hiện trên đảo Cát Bà. Ảnh MXH

Những hình ảnh về gia đình voọc đầu trắng quý hiếm xuất hiện trên đảo Cát Bà (Hải Phòng) được đăng tải trên mạng xã hội đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Lãnh đạo Sở KH&CN và Tỉnh đoàn Yên Bái trao giải Hội thi Tin học trẻ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, năm 2024.

Hướng tới kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5/2024) và kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Sở KH&CN tỉnh Yên Bái sẽ tổ chức nhiều hoạt động, hội thảo thiết thực, ý nghĩa trong tháng 5.

Bên trái là hạt nhựa Polyurethane, bên phải là bột bào tử.

Các nhà khoa học đã phát triển một loại "nhựa tự phân hủy", được kỳ vọng giúp giảm thiểu ô nhiễm nhựa.

Brokewell là phần mềm độc hại nguy hiểm nhắm vào người dùng Chrome

Trước khi nhấp vào liên kết xác nhận cài đặt bản cập nhật cho trình duyệt Chrome, người dùng Android hãy đảm bảo rằng liên kết đó không phải là giả mạo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục