Nam sinh khởi nghiệp sửa điện thoại trúng học bổng toàn phần Harvard

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/5/2021 | 7:48:42 AM

Đầu tháng 4 vừa qua, Nguyễn Đức Anh Phú vui mừng khoe trên Facebook email từ ĐH Harvard chấp nhận nhập học và cấp học bổng cho cậu.

Nguyễn Đức Anh Phú - tân sinh viên của Đại học Harvard và Máy phân loại tiền xu từ các mảnh ghép lego do Phú lắp ráp.
Nguyễn Đức Anh Phú - tân sinh viên của Đại học Harvard và Máy phân loại tiền xu từ các mảnh ghép lego do Phú lắp ráp.

Năm nay có hơn 57.000 đơn dự tuyển vào Đại học Harvard, và trường chỉ nhận hơn 1.900 sinh viên.

Nguyễn Đức Anh Phú – nam sinh gốc Bảo Lộc (Lâm Đồng) hiện đang sống cùng gia đình tại thành phố Papillion, tiểu bang Nebraska, Hoa Kỳ - là một trong số ít được chọn đó. Phú còn được cấp học bổng toàn phần với 72.000 USD/năm, trong 4 năm học.

Ngoài ra, vì có điểm ACT cao nên các trường đại học tại Omaha như Creighton và UNO, UNL đã cấp học bổng toàn phần cho Phú.

Tuy nhiên, theo Phú, điểm ACT và kết quả học tập ở phổ thông chỉ chiếm khoảng 50% trong việc em được nhận vào Đại học Harvard. "Hồi học cấp 3 em cũng có một vài điểm B” – Phú cho biết.

50% còn lại là dành cho "bảng thành tích” hoạt động khác của Phú.

"Năng động” là điều mà những người biết về Phú nhìn nhận về cậu.

Ngoài thời gian đi học, Phú luôn tham gia các hoạt động cộng đồng của người Việt tại Omaha như múa lân, ca hát, lao động công ích tại nhà thờ, làm người mẫu.

Phú cũng có nhiều năng khiếu như chơi đàn piano, cắt tóc, sửa máy thổi kèn, tham gia các câu lạc bộ của thanh thiếu niên ở trường và địa phương…

Năm trước, Phú đã giành giải nhất trong một cuộc thi về kế hoạch kinh doanh của học sinh toàn bang Nebraska. 

Cậu thông thạo tiếng Anh, tiếng Việt và tiếng Mexico.

Khởi nghiệp với cửa hàng sửa chữa điện thoại

Tuy nhiên, tâm huyết của Phú từ hai năm nay là Phu's Phone Emporium - Ngoài việc học tập và tham gia các hoạt động cộng đồng, Phú đã khởi nghiệp với một cửa hàng mua bán và sửa chữa điện thoại di động.

"Em bắt đầu công việc này cũng tình cờ. Hồi cuối năm học lớp 10, em làm rơi chiếc điện thoại của mình và nó bị hỏng. Em lên mạng tìm các clip trên Youtube dạy sửa và lần mò học theo”.

Sau đó, Phú còn sử dụng điện thoại của mẹ để làm dụng cụ thực hành. Rồi không chỉ sửa điện thoại cho mình, Phú dần "học nghề” và có thể sửa được nhiều loại điện thoại khác nhau. Từ đó, cậu học trò quyết định khởi nghiệp với công việc này.



Phú khởi nghiệp với cửa hàng sửa điện thoại và đã thu về lợi nhuận 40.000 USD

Có duyên với nghề, Phú khá đông khách, tới nay đã là hơn 1.000 người. Lợi nhuận của Phu's Phone Emporium là khoảng 40.000 USD.

"Em nghĩ, đây là lý do lớn trong việc em được nhận vào Harvard” – Phú chia sẻ.

"Chúng tôi chưa từng nghĩ tới…”

Với sự tự hào không giấu nổi, bố của Phú - anh Nguyễn Đức Hải kể rằng trước đó, gia đình anh chưa từng nghĩ đến việc con mình sẽ vào Harvard.

"Gia đình chúng tôi trước đây ở Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), qua Mỹ cách đây 12 năm, khi Phú 6 tuổi. Chúng tôi biết vào Harvard khó như thế nào, vì vậy việc Phú vào học ở đó chưa từng xuất hiện trong suy nghĩ của hai vợ chồng tôi”.

Do đó, anh Hải cho biết những hoạt động Phú làm từ nhỏ đều xuất phát từ đam mê và tình cảm chân thành của cậu bé, chứ tuyệt nhiên không nhằm mục đích để làm đẹp hồ sơ.



Phú và bạn bên một tác phẩm Lego. 

"Tôi không thi đại học, nên giờ biết gì thì dạy con cái đấy. Trước đây tôi chơi Lego thì tôi dạy con tôi chơi lắp ráp Lego từ 3 tuổi cho vui. Sau đó thì Phú lắp Lego rất giỏi. Con từng sáng tạo ra một chiếc máy chia tiền xu từ lego.

Tôi cũng dạy con múa lân, cắt tóc.

Tới khi con bán điện thoại, khi nào phải đi gặp khách hàng, tôi vẫn đưa Phú tới nơi hẹn nhưng để con tự giao dịch. Tôi muốn Phú tự trải nghiệm, để thấy rằng ở đâu cũng có người tốt kẻ xấu…”.

Chị Ngô Thị Thùy Anh, mẹ của Phú thì cho biết đây là một cậu bé rất tự giác trong mọi việc.

"Chiều đi học về con thường phụ mẹ việc nhà rồi mới học hay làm những việc khác. Chiều thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, Phú phụ dạy Tiếng Việt cho khoảng 15 bé.

Con cũng có một số tài lẻ. Chẳng hạn như Phú có thể xoay rubik rất nhanh, chỉ mất 15 giây là hoàn thành xong 6 mặt…”.

Phú cũng nói rằng từ trước đến giờ em chỉ làm những việc em cảm thấy vui và tiết kiệm được tiền cho bố mẹ, hay kiếm ra tiền. Cậu cũng không nghĩ đến việc có thể vào học tại trường đại học top đầu của nước Mỹ.

Tuy nhiên, đến lúc làm hồ sơ nộp vào các trường đại học, được sự tư vấn của giáo viên ở trường phổ thông, Phú mới dám chuẩn bị hồ sơ vào Đại học Harvard.

Vào Harvard, Phú dự định học song song hai ngành kinh tế và lập trình. Với cửa hàng điện thoại của mình, Phú dự định sẽ phải thu nhỏ lại để tập trung cho việc học.

(Theo Vietnamnet)

Các tin khác
Em Đào Anh Thư, lớp 8A2, trường Trung học Cơ sở Nguyễn Huy Tưởng, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Em Đào Anh Thư, lớp 8A2, trường Trung học Cơ sở Nguyễn Huy Tưởng, huyện Đông Anh, Hà Nội đã đoạt giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 50 (2021) tại Việt Nam.

Ninh Hải Nam (Lớp 12 chuyên Toán, Trường THPT Chuyên Lam Sơn, tỉnh Thanh Hoá) đã chinh phục thành công học bổng toàn phần trị giá 298.000 USD/4 năm của Colorado College (top 25 LAC – Liberal Arts Colleges theo US News).

Dương Tiểu Đồng đang là học sinh lớp 10 tại Hà Nội.

Từ cậu bé bị phạt vì trò nghịch DDoS, Dương Tiểu Đồng vừa được Microsoft vinh danh sau khi giúp hãng cải thiện bảo mật cho dịch vụ trực tuyến.

Cô học trò người dân tộc Dao Bàn Ngọc Quỳnh Anh - học sinh lớp 10, Trường THPT Cảm Nhân, huyện Yên Bình vừa giành giải 3 Cuộc thi sáng tạo video “Em cùng hành động xanh” do Tỉnh đoàn tổ chức. Mong muốn của em khi đến với cuộc thi là bằng những hành động nhỏ bé của mình lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần làm đẹp cuộc sống xanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục