Kết thúc bài kiểm tra 15 phút, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn lấy giá chấm bài thi trắc nghiệm làm từ ống nhựa và miếng gỗ. Sau khi đặt bài thi vào giá đỡ bên dưới, cô để điện thoại lên trên, mở sẵn phần mềm chấm trắc nghiệm, căn chỉnh chính xác rồi bấm máy.
Sau hơn một phút, 40 bài thi trắc nghiệm đã được chấm xong tại lớp. Cô giáo bày tỏ sự ngạc nhiên khi sản phẩm hoạt động trơn tru, khắc phục được toàn bộ lỗi khi phải cầm máy ấn chụp từng bài thi, tiết kiệm thời gian, công sức.
Nghe lời khen ngợi của cô, Nguyễn Mậu Đức, lớp 11A, rất hãnh diện. Sau nhiều ngày mày mò, làm hỏng nhiều lần, Đức và nhóm bạn đã chế tạo thành công giá chấm bài thi trắc nghiệm.
Vừa thao tác cho cô giáo và các bạn xem, Đức vừa giải thích nguyên lý hoạt động, cách làm và hướng dẫn sử dụng. Vài năm nay, trường THPT Lê Quý Đôn sử dụng phần mềm chấm điểm bài thi trắc nghiệm trên điện thoại. Giáo viên chỉ cần chụp bài thi của học sinh giống như chụp ảnh và phần mềm sẽ quét đáp án rồi chấm điểm. Kết quả bài thi sẽ được gửi cho học sinh dưới dạng file ảnh.
Tuy nhiên, phần mềm luôn trong tình trạng lỗi vì chỉ cần người chụp rung tay, máy sẽ không nhận ra mã đề, số báo danh và tên học sinh, cho kết quả không chính xác. "Biết được những nhược điểm đó, em nảy ra ý tưởng sáng tạo một sản phẩm giúp thầy cô đỡ vất vả và mất thời gian", Đức chia sẻ.
Ban đầu, Đức tự mày mò, nhưng sản phẩm làm ra không chắc chắn và không hoạt động. Sau đó, em rủ ba người bạn thân, góp tiền mua ống nước bằng nhựa và miếng gỗ, với chi phí khoảng 150.000 đồng rồi bắt tay làm. Cả nhóm liên tục gặp thất bại, mất ăn mất ngủ nghĩ cách cải tiến và nhiều lúc cãi nhau vì bế tắc.
Đức cho hay sản phẩm cần đảm bảo yếu tố chắc chắn để đỡ được điện thoại và dễ di chuyển. Ngoài ra, nhóm phải nghĩ cách để giá đỡ phù hợp với mọi loại điện thoại, đảm bảo camera chụp được nét nhất có thể. Mất 5 ngày tìm tòi, Đức và nhóm bạn cho ra sản phẩm hoàn chỉnh, với các khớp nối chắc chắn. Cả nhóm sau đó mang giá chấm bài tới nhờ cô giáo thử nghiệm và đánh giá.
"Cô hài lòng với sản phẩm của chúng em và giới thiệu với giáo viên trong trường cùng sử dụng. Thấy dùng tốt, giá thành hợp lý, thầy cô liên tục ủng hộ", Đức kể.
Nhóm của Đức bắt đầu làm giá chấm điểm từ khoảng cuối tháng 4 và hiện sản xuất được 5 chiếc theo đơn đặt hàng của thầy cô trong trường, với giá bán 200.000 đồng/chiếc. Nhiều đơn hàng phải tạm dừng vì các em bận ôn thi.
Được nhóm Đức nhờ thử nghiệm giá chấm điểm đầu tiên, cô Trần Thị Giang cho hay trước đây khi chưa có giá chấm bài, cô phải căn chỉnh khoảng cách và lặp lại nhiều lần với 40 bài thi của học sinh mỗi lớp. Nhiều lúc mỏi tay, cô chụp bị mờ, bỏ sót câu trả lời khiến học sinh thắc mắc.
"Với giá chấm điểm này, tôi không cần mang bài về nhà mà hoàn thành tại lớp, sau đó chữa đề ngay cho học sinh. Sản phẩm đơn giản nhưng cần thiết cho giáo viên", cô Giang nhận xét và cho hay thị trường cũng có sản phẩm hỗ trợ nhưng giá 10 triệu đồng, trong khi giá chấm bài của nhóm học sinh lớp 11 ưu việt hơn và giá thành rẻ hơn nhiều.
Thời gian tới, cô Giang sẽ cố vấn cho nhóm Đức thêm chíp và linh kiện điện tử để sản phẩm tự động hoàn toàn, không cần rút từng bài thi. "Học sinh là những người lên ý tưởng và thực hiện toàn bộ công đoạn. Các em có thể lập trình được nên chi phí sản xuất sẽ giảm xuống. Cô và trò dự kiến giá của sản phẩm tự động sau khi hoàn thiện 600.000-700.000 đồng/chiếc", cô Giang nói.
Nhắc đến Đức, cô Giang dành nhiều lời khen cậu học trò thông minh, đam mê sáng tạo. Trước đó, Đức thường xuyên làm các dụng cụ bổ trợ cho việc học tập của mình và các bạn trong lớp.
Thầy Lê Hồng Nhật, Hiệu phó trường THPT Lê Quý Đôn, đánh giá cao sản phẩm giá chấm điểm bài thi trắc nghiệm của học sinh lớp 11. "Sản phẩm này mang tính nhân văn nhiều hơn tính kỹ thuật. Thương thầy cô, các em đã tạo ra sản phẩm hữu ích, được ứng dụng trong toàn trường với chi phí rẻ", thầy Nhật nói.
Hồi đầu năm, nhóm học sinh lớp 11 của trường giành giải nhất cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, với sản phẩm robot phun thuốc khử khuẩn. Nhận thấy tình hình dịch bệnh phức tạp, các em muốn chế tạo sản phẩm góp phần giải phóng sức người, giảm nguy cơ lây nhiễm của các nhân viên y tế. Ý tưởng được hiện thực hóa và được lựa chọn đi thi.
Theo thầy Nhật, hàng năm trường THPT Lê Quý Đôn tổ chức nhiều cuộc thi nhằm khuyến khích tinh thần sáng tạo, khơi gợi đam mê và tình yêu khoa học của học sinh. Từ những cuộc thi này, trường sẽ chọn ra sản phẩm chất lượng để mang dự thi cấp tỉnh và quốc gia.
(Theo Vnexpress)