Cô gái kể chuyện lái xe bán tải tình nguyện chống dịch

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/7/2021 | 9:37:42 AM

Tô Cẩm Linh, 29 tuổi, làm nghề marketing tình nguyện lái xe bán tải chở nhân viên y tế và nhu yếu phẩm trong mùa dịch. Và sau đây là câu chuyện cô kể lại!

Linh (bên trái) trong một lần lái xe tình nguyện cùng đồng đội ở Sài Gòn.
Linh (bên trái) trong một lần lái xe tình nguyện cùng đồng đội ở Sài Gòn.

Tôi từng là F1, từng có xe cứu thương chở đến trại cách ly tập trung.

Hôm đó là 1/6, tôi và 6 người khác cùng ngồi trên chuyến xe, một tay ôm vali, một tay vịn vào thành xe trong khoang xe cứu thương chật chội. Tôi nhận ra một chị đồng nghiệp cũng ở trên chuyến xe đó. "Mẹ đi công tác 2 tuần rồi sẽ về, con ngoan, nghe lời bố", giọng chị nói qua màn hình điện thoại. Nhìn con bé ngây ngô không biết gì, hai mắt chị đỏ hoe.

Những ngày ngột ngạt ở khu cách ly tập trung, sinh hoạt gói gọn trong căn phòng hơn 40 m2, 3 người, 3 chiếc giường khác nhau, rồi cũng qua đi. Tôi được trở về nhà. Một tuần sau, tôi tham gia nhóm Phản ứng nhanh – Pick Up & Friends tại Sài Gòn, quy tụ các anh em với tinh thần thiện nguyện, cùng đóng góp sức mình chống dịch.

Những ngày cuối tháng 6, khi dịch bùng phát mạnh ở Sài Gòn. Các ca bệnh tăng liên tục làm đội ngũ xe cứu thương quá tải, để rồi sau đó chỉ ưu tiên chở các F0, F1. Tôi nhận lệnh chở các nhân viên tế, bác sĩ ở quận Bình Tân đến các khu lấy mẫu rồi về nơi ở cách ly tập trung.

Để tránh lây nhiễm chéo, tất cả anh, chị y tế phải ngồi trên thùng xe bán tải. Còn mình thì cửa xe không dám mở, kính cũng không dám hạ, chỉ có gọi điện liên lạc ra phía bên ngoài nghe mọi người điều động đi đâu, quẹo chỗ nào (vì ko có bộ đàm). Chúng tôi biết nhau qua giọng nói, dáng đi, dáng ngồi còn khuôn mặt thì luôn che phía sau lớp khẩu trang, đồ bảo hộ kín mít. Kết thúc những chuyến xe muộn, tôi về căn chung cư của mình, không giao tiếp với bất kỳ ai.

Có lần đội chúng tôi nhận lệnh chở một F0 đi điều trị. Người đàn ông bước lên thùng xe bán tải, vừa khóc vừa nói rất to "mẹ ơi, con xin lỗi, vợ ơi, con ơi, bố xin lỗi". Cảm giác áy náy và làm liên lụy đến người thân chỉ vì "lén" tụ tập, uống vài li với bạn bè và trở thành F0, khiến anh đau buồn. Đồng đội của tôi từ hôm đó, cũng xuống nhà kho ngủ, không tiếp xúc, nói chuyện với ai trong nhà vì cũng lo mình sẽ rơi vào hoàn cảnh như anh F0 mà mình vừa chở.

Khi không chở bệnh nhân, nhân viên y tế, chúng tôi bắt đầu những chuyến xe chở hàng cứu trợ của các mạnh thường quân đến các khu cách ly, những nơi có người lao động nghèo, thất nghiệp do dịch bệnh. Chỉ cần là phát tâm, từ thiện của bất cứ ai thì cái gì chúng tôi cũng chở.

Người dân ở một xóm nghèo nhận lương thực từ xe bán tải của Linh do các mạnh thường quân tài trợ.

Người dân ở một xóm nghèo ở quận Bình Tân nhận lương thực từ xe bán tải của Linh do các mạnh thường quân tài trợ.

Mỗi ngày có hơn 30-40 chuyến xe với đủ loại hàng hóa. Khi thì thiết bị y tế như khẩu trang, nước rửa tay, chăn, nệm, màn cho các bệnh viện, khi thì gạo, mì, trứng rau... Nhiều anh hay đùa nhau bảo "bữa trước mình chở củ hành, bữa sau mình nhận kèo rau muống, mai mình nhận chở cá, vậy là trong xe thơm mùi canh chua luôn".

Hình ảnh anh em lưng trần chạy dưới mưa mở bạt che chắn cho mấy bao gạo sau xe (do xe có thùng bận đi nhiệm vụ khác rồi), cả nhóm xếp thành một hàng dài để tải hàng hóa lên xe hay những bữa cơm vội ở chùa là những hình ảnh mà tôi khó có thể nào quên được.

Cả đội chúng tôi đâu đó hơn 60 con người, toàn vô bệnh viện, khu cách ly, ổ dịch mà số lượng thành viên đã chích vaccine thì... đếm trên đầu ngón tay. Thiết bị y tế lúc đầu cũng không có gì ngoài khẩu trang, ai thấy cần gì thì tự mua thêm. Về sau hình ảnh lan truyền rộng rãi, các mạnh thường quân gửi tặng đội khẩu trang, găng tay, đồ bảo hộ, kính chống giọt bắn... góp thêm tinh thần cho anh em an tâm tham gia công tác tình nguyện. Anh em ai cũng thấy ấm lòng vì được "để mắt" tới một chút.

Lo lắng thì anh em nào cũng có. Nhưng cứ nghĩ nếu mình không làm thì lấy ai giúp đỡ lực lượng tuyến đầu chống dịch. Nhìn tin nhắn của bà con, mạnh thường quân cảm ơn vì đã giúp đỡ họ khâu vận chuyển, hình ảnh người bán vé số, ve chai khóc, vui mừng khi cầm được mấy phần quà cứu trợ, anh quân dân, bác sĩ, y tá no cái bụng nhờ suất cơm, phần cháo do mình chở tới thì tự nhiên là cứ nổ máy, đạp ga bon bon đến nơi cần đến.

Tôi và những anh em tình nguyện khác mong đại dịch sớm qua đi, Sài Gòn mau khỏe lại. Từng bị cách ly, tôi thấm thía những cực nhọc của những người đang căng mình chống dịch ngoài kia.

Có những đêm từ ban công khu cách ly nhìn xuống, tôi thấy đội ngũ y tế, quân dân nằm ngủ la liệt trên hành lang, trên người còn nguyên bộ đồ bảo hộ, khẩu trang. Họ mệt.

Tôi nghĩ cho đi là còn mãi. Đâu phải ai có cánh mới gọi là thiên thần!

(Theo VnExpress)

Các tin khác

Những ngày qua, cộng đồng mạng đã “dậy sóng” với những bức tranh vẽ của hoạ sĩ Thăng Fly về chủ đề chống dịch. Anh tên thật là Bùi Đình Thăng, hiện đang sinh sống và làm việc tại TP. HCM, cũng là chủ nhân của trang “Thăng Fly Comics” trên nền tảng mạng xã hội Facebook với nhiều lượt theo dõi.

Nguyễn Thu Hoài (SN 1998) được coi là một trong những hoa khôi của làng bóng chuyền Việt Nam. Sở hữu chiều cao ấn tượng 1m74, Thu Hoài được mệnh danh là "Hoa khôi bóng chuyền"với gương mặt khả ái cùng nụ cười tươi, đôi mắt to tròn. Cô nàng bắt đầu bén duyên với bóng chuyền từ năm 2013 tại đội năng khiếu Vĩnh Phúc. Sau đó, cô trở thành vận động viên thi đấu ở vị trí chuyền hai.

Chàng trai Vàng IMO từng khiến thầy giáo giật mình vì làm toán quá hoàn hảo. Ảnh: NVCC

Giành được Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế năm 2021, Đỗ Bách Khoa đã ghi tên mình vào lịch sử khi là học sinh đầu tiên của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam làm được điều này trong suốt 36 năm kể từ ngày thành lập trường.

Hội nghị Ban thư ký Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ 6, khóa X (Ảnh: Dương Triều).

Chị Phan Thị Thanh Phương, Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên TPHCM đề xuất, mỗi năm chọn một lĩnh vực để sinh viên gặp gỡ, hiến kế cho bộ, ngành hoặc ngược lại bộ, ngành đặt hàng cho sinh viên tìm giải pháp giải quyết những vấn đề đặt ra tại đơn vị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục