Hai ngày sau khi Ban tổ chức Olympic Hóa học quốc tế 2021 công bố kết quả, Nguyễn Duy Anh, lớp 12 Hóa 1, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, vẫn liên tục nhận được cuộc gọi và tin nhắn chúc mừng. Mỗi lần được khen, chàng trai 18 tuổi lại cười tít mắt, gãi đầu.
Tại kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế 2021, Duy Anh đã giành huy chương vàng, đứng thứ 8 trong số hàng trăm thí sinh dự thi, cũng là học sinh có kết quả cao nhất của đoàn Việt Nam. "Nếu gặp em trước đây và nói cậu này sẽ giành huy chương vàng quốc tế, chắc chính em cũng không tin được", Duy Anh bộc bạch.
Suốt những năm tiểu học và đầu THCS, Duy Anh không bật hẳn lên ở bất cứ môn học hay hoạt động gì, không góp mặt trong kỳ thi học sinh giỏi nào. Đây là khoảng thời gian yên bình, nhiều kỷ niệm đẹp với em vì không áp lực điểm số.
Đến lớp 8, khi cùng được giáo viên Địa và Hóa động viên tham gia câu lạc bộ môn học yêu thích, Duy Anh chọn Hóa bởi muốn tìm hiểu môn học mới này. Nhiều lần giải được những bài tập khó, em bắt đầu thấy "hình như mình có khả năng ở môn này" và dành thêm thời gian học.
Vốn thích nấu ăn, làm bánh, nam sinh thấy hứng thú vì kiến thức từ Hóa giúp em hiểu tại sao bột, các chất phụ gia khi kết hợp với nhau có thể làm phồng, đặc bánh và tạo ra nhiều món. "Từ khi học Hóa, khả năng phán đoán tỷ lệ bột của em cũng được cải thiện, giúp món ăn ngon hơn. Nhờ vậy, em lại càng thích thú hơn", Duy Anh kể.
Đến năm lớp 9, nam sinh giành giải nhất học sinh giỏi Hóa TP Hà Nội, được tuyển thẳng vào trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội. Em thi thêm lớp chuyên Hóa của trường THPT chuyên Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và trúng tuyển cả hai. Chỉ đủ điểm vào lớp Hóa 2 của trường Ams, không phải lớp chọn cao nhất, Duy Anh hài lòng với kết quả đạt được và quyết đinh theo học tại đây.
Những ngày đầu cấp THPT, Duy Anh gặp nhiều khó khăn. Nhà ở Hà Nội, nhưng cách trường 15 km, mỗi sáng Duy Anh phải dậy từ 5h20, đón xe bus để kịp đến trường lúc 6h40. Sau đó khi đã nắm được lịch chạy của xe bus và căn thời gian tốt hơn, em được ngủ thêm khoảng 30 phút buổi sáng. Hóa học lớp 10 khác với bậc THCS, phải tiếp xúc với nhiều kiến thức mới, em gần như phải bắt đầu lại, xây dựng cách tiếp cận, góc nhìn mới cho mình.
Trong kỳ thi xếp lớp vào cuối năm lớp 10, Duy Anh bật lên, được chuyển sang Hóa 1, lớp mũi nhọn của trường. Ngay trong học kỳ đầu năm lớp 11, nam sinh giành giải nhì học sinh giỏi Hóa quốc gia, lọt top 32 học sinh có kết quả cao nhất cả nước, được tham gia vòng chọn học sinh dự thi Olympic quốc tế.
"Lúc đó, thực lòng mà nói đội Olympic khá xa vời với em. Cả nước chỉ chọn 4 bạn, việc là một trong số đó hơi khó tin", Duy Anh tâm sự. Vì đã xác định trước, nam sinh nhận kết quả trượt không mấy bất ngờ. Dù trượt, Duy Anh đã nhận ra điều quan trọng, em yếu Hóa hữu cơ và cần đầu tư cho nó nhiều hơn.
Duy Anh thường chọn những lúc thoải mái nhất để học, không "cày" khuya bao giờ. Nam sinh quan niệm, sức khỏe là quan trọng nhất, khi cơ thể mệt mỏi, việc tiếp nhận kiến thức sẽ rất khó khăn. Để cân bằng, Duy Anh cũng tham gia nhiều hoạt động ở trường. Trong mắt bạn bè, em thường đóng vai trò chủ chốt trong mỗi sự kiện, là sợi dây kết nối giúp các bộ phận làm việc trơn tru. Ngoài ra, nam sinh vẫn giải trí bằng cách chơi đàn piano, bơi và tìm hiểu về ẩm thực.
Lên lớp 12, Duy Anh tiếp tục tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, giành giải nhất và là học sinh có kết quả tốt thứ 5 toàn quốc. Đứng trước kỳ thi chọn đội tuyển Olympic một lần nữa, Duy Anh được thầy cô động viên rằng em có tố chất, đủ khả năng vào top 4.
Niềm tin của mọi người đã trở thành động lực, điểm tựa tinh thần giúp Duy Anh tin vào bản thân hơn. "Khi đã nằm trong top 5, việc cố gắng vượt qua một kỳ thi nữa để trở thành một trong bốn bạn thi Olympic không còn quá xa vời như một năm trước", Duy Anh nói. Kết quả em đã giành một suất đi thi quốc tế.
Trong hai tháng ôn luyện cùng cả đội để dự thi Olympic Hóa quốc tế, nam sinh cho rằng nhiệm vụ khó nhất là duy trì nhịp độ học tập, không xao nhãng. Với Duy Anh, việc mình không giải được một bài tập trong khi các bạn làm được là chuyện không lạ. Điều quan trọng là khi gặp lại dạng bài đó, em sẽ giải quyết được. Quan điểm này đã giúp Duy Anh không rơi vào trạng thái nghi ngờ khả năng của mình, luôn giữ được sự ổn định, vững vàng trong suốt quá trình ôn thi.
Trước kỳ thi, nam sinh không đặt mục tiêu cụ thể, chỉ tâm niệm làm hết khả năng có thể. Trước mỗi bài, em dành 1-3 phút giải nhanh, nếu cảm thấy làm được thì sẽ làm bài đó luôn để chắc chắn lấy điểm. Những câu lạ hoặc không tìm được hướng làm trong vài phút đầu, em sẽ để lại làm sau. "Chiến thuật của em là tốc độ, chính xác, xong bài nào chắc điểm bài đó", em kể.
Giữ được phong độ tốt từ lúc ôn tập đến khi hoàn thành 9 bài thi, Duy Anh nghĩ kết quả sẽ khả quan. Lúc biết mình giành huy chương vàng, đứng thứ 8 trong số vài trăm thí sinh dự Olympic Hóa học quốc tế, em không quá sửng sốt. Các hình ảnh xuất hiện trong đầu Duy Anh như một thước phim quay chậm, từ lúc lựa chọn vào Câu lạc bộ yêu thích Hóa học, trượt đội tuyển Olympic năm ngoái đến hình ảnh lá cờ Việt Nam xuất hiện trên màn hình trao giải của Ban tổ chức.
"Em đã đi một con đường rất dài mà khi bắt đầu chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm được như hôm nay", Duy Anh tâm sự.
Thầy Nguyễn Hồng Hải, giáo viên dạy Hóa đồng thời là chủ nhiệm của Duy Anh, chia sẻ khi mới vào THPT, học trò không được đánh giá cao như nhiều bạn khác. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, em đã chứng minh được khả năng.
Với thầy Hải, Duy Anh không phải học sinh lên thời gian biểu học bao nhiêu tiếng hàng ngày. Thay vào đó, em học ít nhưng tập trung và hiệu quả nên vẫn có đủ thời gian tham gia các hoạt động khác. "Có thể nói Duy Anh học được, chơi được, luôn nỗ lực hết khả năng của mình. Khi biết em đạt thành tích cao, tôi rất vui mừng và tự hào. Tấm gương của cậu học trò này sẽ còn được kể nhiều cho các học sinh khóa sau của Ams", thầy Hải nói.
Hiện Duy Anh chưa quyết định giữa việc học bác sĩ đa khoa, nghiên cứu hóa - sinh hay theo đuổi khoa học xã hội. Sau 5 năm học Hóa, nam sinh đã tin tưởng vào khả năng của bản thân. "Em không phải con nhà nòi Hóa học, cũng không phải thiên tài hay sớm bộc lộ khả năng nội trội. Em chỉ là từ một cậu bé bình thường, dần tin vào khả năng của bản thân và tiến về phía trước", Duy Anh nói.
(Theo VnExpress)