Hai cô gái nhỏ mang trái tim “rực lửa hồng” chống dịch khắp mọi miền Tổ quốc

  • Cập nhật: Thứ tư, 10/11/2021 | 7:44:25 AM

YênBái - Vũ Huyền Trang, sinh viên năm 2 trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai và Nguyễn Thúy An, sinh viên năm 4 của trường Đại học Y tế Công cộng đều đã tham gia chống dịch trong lần bùng dịch tại Bắc Ninh và Bắc Giang và khi thành phố Hồ Chí Minh trở thành tâm dịch lớn nhất Việt Nam, hai cô gái nhỏ lại xách va li lên đường, tạm biệt gia đình và hòa mình với công tác y tế.

Trang (bên phải, đeo kính) tham gia lấy mẫu xét nghiệm (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Trang (bên phải, đeo kính) tham gia lấy mẫu xét nghiệm (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nếu ví dịch bệnh COVID-19 như một cuộc chiến dài kỳ và dai dẳng, thì những người y sĩ của chúng ta chính là những người chiến sĩ - luôn sẵn tinh thần, vững lòng dũng cảm để lao ra chiến trường bảo vệ người dân khỏi sự tấn công của dịch bệnh. Và cũng giống như những ngày trường kỳ kháng chiến ấy, chỉ cần Tổ quốc lên tiếng kêu gọi thì sức trẻ từ các bạn thanh thiếu niên luôn sẵn sàng lắng nghe, luôn sẵn sàng xung phong được cống hiến hết mình vì tương lai của đất nước. Và đó cũng chính là câu chuyện của hai cô gái sinh viên ngành y, dẫu nhỏ tuổi nhưng đã cùng mang ngọn lửa y đức đã hừng hực cháy trong lồng ngực của mình đi chống dịch khắp mọi miền Tổ quốc.

Nơi nào có dịch, nơi ấy có bóng dáng hai cô gái nhỏ

Vũ Huyền Trang, sinh viên năm 2 Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai và Nguyễn Thúy An, sinh viên năm 4 của Trường Đại học Y tế Công cộng đều đã tham gia chống dịch trong lần bùng dịch tại Bắc Ninh và Bắc Giang và khi thành phố Hồ Chí Minh trở thành tâm dịch lớn nhất Việt Nam, hai cô gái nhỏ lại xách va li lên đường, tạm biệt gia đình và hòa mình với công tác y tế. 

Với công việc chính là tham gia chống dịch theo diện sinh viên tình nguyện, làm công tác truy vết, sau đó tại địa phương cần người nhập liệu thì các bạn cũng sẽ tham gia nhập liệu. Công việc chủ yếu cần những kỹ năng về dịch tễ và thống kê, ngoài ra cũng đòi hỏi rất nhiều những kỹ năng mềm ví dụ như giao tiếp để có thể hỏi được càng nhiều thông tin như các lần xét nghiệm, tình trạng sức khỏe, các bệnh nền hoặc dấu hiệu, vì hỏi về vấn đề sức khỏe và tiếp cận rất nhiều thông tin cá nhân nên phải kiên nhẫn và nhẹ nhàng để người được hỏi có cảm giác an tâm, được lắng nghe và được giải đáp những thắc mắc. 



 Huyền Trang, Thúy An và những tình nguyện viên

Gia đình là hậu phương, nếu cần đi hãy cứ đi!

"Cứ đi đi con!” - chính là điều mà bố của Thúy An động viên con gái lên đường. Và đó cũng chính là tinh thần của cả hai gia đình của Huyền Trang và Thúy An khi được hỏi liệu gia đình có cản trở hay ngăn cấm bạn lên đường vào Nam chống dịch không. Vì dẫu biết, con mình đi làm việc tốt cho xã hội, cho cộng đồng, nhưng đứng dưới góc nhìn của một bậc cha mẹ thì chắc chắn trong lòng không khỏi dậy sóng.

"Khó khăn thì nhiều, nhưng khó khăn nhất chắc là phải nghe tin ai đó mất đi, mà mình chẳng làm gì được…”

Đối với cả hai cô gái nhỏ, dù là lần thứ hai chống dịch tại tâm dịch, nhưng so với Bắc Ninh hay Bắc Giang, thì tâm dịch tại Hồ Chí Minh vẫn là một tâm dịch rất lớn và vô cùng phức tạp - đi kèm với đó tất nhiên là muôn vàn khó khăn về mặt thể chất, cũng như tinh thần.

Công việc chính của Thúy An là gọi điện, truy vết F0 và giúp họ liên lạc với cơ sở y tế nhanh hơn. Nhiều trường hợp do bị sai số điện thoại, sai địa chỉ nên việc truy vết và cách ly sẽ dẫn đến mất thời gian hơn. Tiếp đến là do thời điểm ấy tại Hồ Chí Minh các khu cách ly tập trung đều bị quá tải nên không thể đưa người dân tới khu cách ly ngay, hay thậm chí là buổi tối nhận được điện thoại, tin nhắn zalo từ người dân hỏi khi nào được đi cách ly, hay như SP02 của họ thấp mà gọi trạm y tế hoặc các bệnh viện đều không được,…tất cả đều làm Thúy An khá căng thẳng trong công việc.

Tuy nhiên, khó khăn nhất và bất lực nhất, là khi phải lắng nghe câu: "Em ơi đó là ba chị, ba chị vừa mất hôm qua”, "Vợ anh vừa mất hiện tại anh không có tâm trí gì cả, trưa anh sẽ điện tại cho em.” - từ đầu dây bên kia của người dân. Đối với Thúy An, khoảnh khắc ấy chính là khoảnh khắc "bất lực và khó mở lời” nhất trong suốt thời gian làm việc của cô.

Biết tìm sự tích cực, từ những điều dù là nhỏ bé nhất

Trải qua quãng thời gian ấy, nhưng cả Thúy An và Huyền Trang đều nhận định đây là một quãng thời gian rất quý giá và vui vẻ, rất đáng trân trọng. Đặc biệt là đối với cô gái nhỏ bé nhí nhảnh Huyền Trang, cô bé còn nhỏ tuổi nên được trải nghiệm nhiều hơn, được gặp nhiều người hơn và cũng học được nhiều bài học quý giá hơn cho tương lai.

Huyền Trang kể cùng đoàn đi thậm chí còn có cả những em tình nguyện viên mới 16 tuổi, nhưng vẫn rất nhiệt huyết và luôn nhí nhảnh, làm năng lượng vui vẻ cho cả đoàn. Ngoài những giờ làm việc căng thẳng các em đều nô đùa đàn hát vui vẻ, thậm chí còn rủ nhau quay TikTok! 
 


Huyền Trang, Thúy An và những tình nguyện viên

Còn với Thúy An, có lẽ niềm vui của cô gái ấy là khi cảm nhận được tình người. Ở thành phố Hồ Chí Minh, khi Thúy An xuống địa phương để nhập liệu thì đã làm xét nghiệm và thông báo cho một gia đình nhóm 3 người rằng họ đã có kết quả dương tính. Sau khi nghe kết quả thì có một chị đã nói với Thúy An là: "Em ơi xét nghiệm cho bé nhà chị với tại nhà chị có 4 người mà 3 người lớn nhiễm mất rồi”.

Mặc dù lúc ấy địa phương không phát phiếu xét nghiệm cho bé, nhưng Thúy An và các bạn bè của mình đã chẳng ngần ngại mà làm xét nghiệm ngay cho bé. Thúy An kể, lúc ấy đoàn mình đứng gần một cái miếu, chúng mình thì làm xét nghiệm còn chị ấy thì quay ra miếu chắp tay vào cầu nguyện. Lúc ấy mình tự dưng thấy rưng rưng, và càng muốn cố gắng nhiều hơn nữa. May mắn thay kết quả xét nghiệm bé gái đó âm tính.

Hoàn thành xuất sắc những công việc chống dịch được giao phó và lên đường trở về Thủ đô vào mùa thu năm 2021, cả hai cô gái nhỏ của chúng ta có lẽ đều mang trong lòng biết bao xuyến xao và bồi hồi. Tôi tin hai cô gái ấy sẽ luôn trân trọng và biết ơn quãng thời gian qua thật nhiều, vì đã tôi luyện và giúp chính họ học được những bài học mà chắc chắn chẳng trường lớp nào có thể dạy được cho họ. 

Để chiến thắng được dịch bệnh - tất nhiên phải bền bỉ, nhưng chúng tôi vẫn luôn biết ơn sâu sắc tới những người như Thúy An và Huyền Trang, những người vẫn đang ngày đêm chẳng ngừng cống hiến hết mình để chúng tôi có một cuộc sống "bình thường mới”.

 Hưng Đặng

Các tin khác
Hà Mai Ngọc thủ khoa Học viện Tài chính năm 2021.

Không chỉ tốt nghiệp loại xuất sắc, Hà Mai Ngọc - thủ khoa Học viện Tài Chính năm 2021 còn thành thạo 2 ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Đức.

Giáo viên hướng dẫn Đinh Thị Hồng Vân cùng hai học trò Minh Đức, Bình An.

2 nam sinh Trường THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh) đã sáng tạo thành công thiết bị thông minh sử dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ người khiếm thị. Sản phẩm này đã giúp các em ghi danh vào “Sách vàng sáng tạo Việt Nam”.

Em Nguyễn Thị Hồng Ngọc luôn lấy gia đình làm động lực để phấn đấu vươn lên trong học tập.

Sinh ra trong gia đình nông thôn, anh trai tai nạn giao thông, bố làm làm thợ sơn, thợ xây, thức học tới 3 giờ sáng vì ngày phải phụ mẹ bán rau... Đó là những nỗ lực vượt lên hoàn cảnh để trở thành tân thủ khoa khối D chuyên ngành Ngôn ngữ Anh, Học viện Ngân hàng của nữ sinh Nguyễn Thị Hồng Ngọc, thôn Hợp Thành, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái.

Sản phẩm mì dinh dưỡng của hai em Ngọc Diệp và Thu Thủy.

Làm thế nào để tạo ra món ăn cân đối dinh dưỡng, hấp dẫn với màu sắc, mùi vị đặc trưng, giá cả cạnh tranh, tiện dụng hơn so với mì gạo thông thường? Câu hỏi đó đã thôi thúc 2 cô học trò Hoàng Ngọc Diệp, lớp 12A1 và Nguyễn Thị Thu Thủy, lớp 12A5, Trường THPT Chu Văn An, huyện Văn Yên, Yên Bái mày mò nghiên cứu, sản xuất ra sản phẩm mì dinh dưỡng đáp ứng được các tiêu chí nổi bật trên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục