Cựu học sinh chuyên Lý trường Ams một năm đoạt 3 Huy chương Vàng

  • Cập nhật: Thứ năm, 17/3/2022 | 2:36:19 PM

Trần Quang Vinh (2003) đã có một năm thành công, khi đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi quốc tế. Mới đây, em cũng được Vinh danh là Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2021.

Trần Quang Vinh (19 tuổi) là một trong những Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2021.
Trần Quang Vinh (19 tuổi) là một trong những Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2021.

`Định hướng rõ ràng từ sớm

Để có được những thành công như hôm nay, Quang Vinh đã nhận được sự chăm sóc và giáo dục tận tình đến từ bố mẹ. Em chia sẻ rằng ngày bé, bố mẹ thường định hướng cho em học cân bằng các môn học, vui chơi, rèn luyện sức khỏe theo cách tự nhiên. Bên cạnh đó, họ cũng chính là người dạy Quang Vinh tư tưởng sống mạnh mẽ, kiên cường, có trách nhiệm, suy nghĩ lương thiện và làm việc tốt khi có thể.

Câu chuyện đến với môn Vật lý của em bắt đầu từ cuối cấp THCS. Vào thời điểm đó, nam sinh sinh năm 2003 đã bắt đầu định hướng nghề nghiệp, chọn môn học chuyên sâu để sau này có thể làm việc trong lĩnh vực đó. Nam sinh chia sẻ: "Em cùng bố mẹ phân tích kỹ càng các môn học, tiêu chí cần phải có đối với môn học đó đồng thời tham khảo ý kiến của các thầy cô.


Quang Vinh đã sớm được định hướng theo đuổi môn Vật lý.

Em bắt đầu tham gia học tập trung hơn vào môn Vật lý và trải nghiệm thấy mình phù hợp. Chính vì thế em quyết định thi và lựa chọn học Chuyên Lý ở trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam". Tới nay, Quang Vinh vẫn thấy đây là một quyết định đúng đắn và luôn tự hào vì mình được làm một Amser.

Đối với Quang Vinh, cơ hội được tham gia 3 kỳ thi Olympic Quốc tế trong năm qua là một vinh dự lớn khi được đại diện cho học sinh Việt Nam và Hà Nội thi đấu với các bạn giỏi nhất ở các nước trên thế giới. Tự ý thức được trách nhiệm lớn lao của mình, nam sinh luôn nỗ lực hết mình, vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ và không phụ lòng tin của mọi người.

Do ảnh hưởng của đại dịch, việc học tập và thi cử của Quang Vinh cũng gặp nhiều khó khăn. Việc ôn luyện đa phần theo hình thức trực tuyến với cường độ cao với 3 ca 3 tiếng mỗi ngày cùng khối lượng bài tập lớn. Dẫu vậy, em cảm thấy biết ơn các thầy cô trên trường cũng như Sở GD&ĐT Hà Nội đã luôn sát cánh, đồng hành và tiếp lửa cho đội tuyển.


Thầy Lê Mạnh Cường (giữa) luôn đồng hành và tiếp lửa cho Quang Vinh (trái) và Mạnh Quân - người bạn thân của em (phải).

Thành tích của Quang Vinh trong năm học 2020-2021:

- Huy chương Vàng Kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế (IPhO);

- Huy chương Vàng Kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á (APhO);

- Huy chương Vàng Kỳ thi Olympic Quốc tế các Thành phố lớn (IOM);

- Giải Nhất Kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia môn Vật lý;

- Huân chương Lao động hạng Nhì do Chủ tịch nước tặng thưởng;

- Nhiều Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, TW Đoàn và các Cơ quan ngang bộ khác 

Đam mê với lĩnh vực Thiên văn học

Trong thời gian tại trường, Quang Vinh cũng là người sáng lập Câu lạc bộ Thiên văn học Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam (Amstronomy). Em cho biết, quyết định này xuất phát từ phía nhà trường và mình là người được thầy cô tin tưởng giao phó trọng trách.

Chia sẻ về câu chuyện tạo nên Amstronomy, Quang Vinh cho biết vào năm lớp 10, Việt Nam có cử Đội tuyển tham dự Kỳ thi Olympic Thiên văn học và Vật lý thiên văn Quốc tế (IOAA). Tại thời điểm đó, em trở thành Đội trưởng Đội tuyển Olympic Việt Nam và đã đem lại vinh quang về cho đất nước với tấm huy chương Bạc.

Tiếp nối thành công này, thầy cô cùng các bạn học sinh trường Ams đã thảo luận về phương án phát triển và lan tỏa kiến thức Khoa học Thiên văn và Vật lý Thiên văn cho học sinh, sinh viên Việt Nam. Từ đó, Câu lạc bộ Amstronomy được ra đời và Quang Vinh trở thành chủ tịch nhiệm kỳ đầu tiên.

Gánh vác vị trí Chủ tịch Câu lạc bộ, Quang Vinh thú nhận đã gặp nhiều khó khăn khi mới thành lập vì mọi thứ đầu phải bắt đầu từ con số không. Em tâm sự: "Bọn em còn là học sinh THPT, chưa qua đào tạo và có kinh nghiệm tổ chức, quản lý, điều hành…, nên mọi thứ phải tự học, suy ngẫm, trải nghiệm và điều chỉnh để hoàn thiện".


Quang Vinh cùng các bạn miệt mài nghiên cứu.

Là chủ tịch nhiệm kỳ đầu, Quang Vinh hy vọng câu lạc bộ của mình sẽ phát triển ngày càng rộng rãi, lan tỏa niềm đam mê, lan tỏa kiến thức về Thiên văn học góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành này tại Việt Nam. Dù không còn hoạt động tại Amstronomy, Quang Vinh chia sẻ mình vẫn sẽ luôn hướng tới sự phát triển của câu lạc bộ, dù có ở nơi nào.

Quang Vinh tâm niệm rằng mỗi người nên tìm cho mình những đam mê, đặc biệt là cố gắng sống và làm việc với đam mê đó. Ở Thiên văn học, em tìm thấy đó là ngành khoa học mà mình có thể phấn đấu, phát triển và cống hiến tốt nhất cho nhân loại.

"Em không chỉ nhìn nhận nó như một lĩnh vực khoa học đơn thuần, mà đó còn là một vẻ đẹp khó miêu tả bằng lời, ngắn gọn thì đó là tình yêu lĩnh vực Thiên văn học. Cơ duyên này em may mắn học được từ đam mê của các người thầy của mình", Quang Vinh bộc bạch.

Quyết định nghỉ học một năm để khẳng định đam mê

Hiện tại, thay vì học đại học như các bạn đồng trang lứa, Quang Vinh lại lựa chọn tham gia nghiên cứu tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Giải thích về quyết định của mình, em cho biết, việc lựa chọn nghỉ học một thời gian là để có thời gian khẳng định chắc chắn đam mê, cũng như giúp đỡ các em khóa sau phát triển kiến thức và thi cử thời kỳ dịch bệnh - một điều mà bản thân đã từng có kinh nghiệm.

Quang Vinh cho rằng, khi lựa chọn ngành học ở đại học có nghĩa mình đã lựa chọn nghề nghiệp của mình. Có lựa chọn thấu đáo thì mình mới có sự kiên cường nuôi dưỡng và theo đuổi đam mê. Từ đó, em mong rằng đây sẽ là tiền đề để mình có thể cống hiến hết mình cho khoa học của thế giới.


Chàng trai trẻ mong muốn được cống hiến cho ngành Vật lý Thiên văn nước nhà.

Việc tham gia nghiên cứu cùng các nhà khoa học hàng đầu trong thời gian này là một "đặc ân" đối với Quang Vinh: "Em có thời gian học kiến thức, kinh nghiệm, ý thức cống hiến từ các nhà khoa học đó, từ đó sẽ giúp em có phương pháp học tập nghiên cứu tốt nhất ở bậc đại học và sau này".

Trong tương lai, Quang Vinh dự định sẽ theo học ở đại học đào tạo về Vật lý Thiên văn tốt nhất. Sau đó, em cũng có kế hoạch tiếp tục nghiên cứu để trở thành tiến sĩ giỏi về Vật lý Thiên văn. Cuối cùng, nam sinh vẫn mong muốn được trở về để góp phần phát triển cho ngành Vật lý Thiên văn của nước nhà.

(Theo Dân trí)

Các tin khác
Ke Xianye chơi đàn tại nhà ở Bắc Kinh hồi đầu tháng này.

Chật vật vượt qua những năm tháng tiểu học đến trung học, Ke cuối cùng tốt nghiệp học viện nghệ thuật, trở thành biên tập viên âm nhạc và dự định học lên thạc sĩ.

Tân giáo sư trẻ nhất 2021 - Phùng Văn Đồng, Đại học Phenikaa.

Trong số 405 ứng viên đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2021, ông Phùng Văn Đồng, ngành Vật lý, Đại học Phenikaa (SN 1981) là giáo sư trẻ tuổi nhất.

Nguyễn Lê Thảo Anh.

Đam mê nghiên cứu khoa học, giành nhiều thành tích cao và được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, Nguyễn Lê Thảo Anh vinh dự là 1 trong 10 "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu” năm 2021. Điều đặc biệt ở Thảo Anh không chỉ là những thành tích đã đạt được mà còn là ý chí, nguồn năng lượng em dành cho học hỏi và truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ.

Nguyễn Trí Hải (1993) là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại ĐH Khoa học và Công nghệ Quốc gia Seoul.

Từng nghĩ chỉ cần tìm giáo sư giỏi, phòng lab tốt là sẽ có tương lai, nhưng sau 2 năm, Hải hoang mang vì chưa có công trình công bố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục