Tết tuổi thơ tôi
- Cập nhật: Thứ năm, 11/2/2010 | 9:00:22 AM
YBĐT - Tết Đó là một tuổi thơ nghèo lớn lên cùng sự chuyển mình của đất nước vượt qua thời kỳ bao cấp đầy khó khăn. Ngày ấy sự thiếu thốn về lương thực thực phẩm, vải vóc, quần áo chính là lý do để những đứa trẻ chúng tôi luôn mong chờ Tết đến.
|
Với quan niệm rất thơ ngây rằng: tết để có quần áo mới, để có thịt lợn, có bánh chưng - món ăn thật sự hấp hẫn mà hồi ấy, nếu không có tết chị em tôi sẽ chẳng có cơ hội để được thưởng thức thứ bánh đặc biệt ấy...!
Với đồng lương nhà giáo còm cõi vào cuối những năm 80 bố mẹ tôi phải lo cho cả thảy 4 cái “tàu há mồm” quả không hề đơn giản.
Cuộc sống thiếu thốn đủ thứ, chị em chúng tôi ngày ngày đi học với những chiếc quần cộc tếu, mông và đầu gối sờn rách được mẹ tôi tích kê lại bằng những miếng vá to đùng bên trong. Có lẽ từ “tích kê” ấy bây giờ chỉ còn gặp trong tiềm thức, nhưng với ngày đó thì kể cả với thầy hiệu trưởng. Đó còn là những chiếc áo phin hoa, mặc lâu ngày trở nên bạc phếch, nhạt cả màu hoa mà chị em chúng tôi vẫn thường diện ngày ngày đến trường.
Với đàn con đang tuổi ăn tuổi lớn, bố mẹ tôi luôn luôn lo lắng không đủ gạo ăn trong tháng... Chính sự thiếu thốn về vật chất ấy mà tết thật có ý nghĩa với đám trẻ chúng tôi. Tết như một giấc mơ có thật, dù thật xa xôi nhưng lại hiện hữu trong phép đếm mỗi ngày.
Còn nhớ ngày đó chị em chúng tôi đứa cấp I, đứa cấp II nhưng để chuẩn bị đón tết, chúng tôi không thể ngồi yên, từ việc chuẩn bị củi đun, rau chuối cho lợn ăn, rồi dọn dẹp nhà cửa... Cuộc sống và hoàn cảnh lúc bấy giờ đã khiến những đứa trẻ chúng tôi phải sớm lo toan và đảm đang hơn để giúp gia đình.
Cứ buổi sáng đi học, buổi chiều chúng tôi lại dành cho “chiến dịch” lấy củi. Nếu như hàng ngày lũ chúng tôi chỉ nhặt nhạnh những cành củi khô nho nhỏ, những đám nứa nòm ngay bìa rừng, thì khi lấy củi đun tết, chúng tôi rủ nhau đi xa hơn, chọn những khúc củi chắc, những bó đóm giang đanh về để dành đun tết, để luộc bánh chưng. Và những buổi đi rừng kiếm củi ấy mấy đứa cũng không quên bảo nhau chọn những bó lá dong thật đẹp, những cây lạt giang gióng dài, bánh tẻ về chuẩn bị cho việc gói bánh...
Mỗi ngày qua đi, tết đến gần hơn và tâm trạng của lũ trẻ chúng tôi càng háo hức hơn, vội vàng hơn với những dự định trong công việc còn dang dở để kịp đón tết. Phấn khởi nhất là khi bố tôi thông báo sẽ mổ lợn hoặc đụng lợn ăn tết, mỗi chị em chúng tôi lại càng rộn ràng, háo hức hơn.
Những ngày cận kề với tết điều bất cứ đứa trẻ nào cũng mong ngóng là chờ đợi bộ quần áo mới để được diện đón năm mới. Nhưng rồi niềm vui của chúng tôi cũng không thể trọn vẹn khi đồng lương ít ỏi của mẹ phải trang trải, lo toan bao thứ. Rồi mỗi đứa chúng tôi chỉ được 1 thứ, áo mới hoặc quần mới. Dù rằng có phụng phịu, có tủi thân khi tụi bạn khoe quần này, áo nọ, song rồi mọi chuyện cũng qua đi bởi cuộc sống bấy giờ là thế, hoàn cảnh là thế... Và những chiếc quần áo tươm nhất trong số mặc thường ngày được chị em tôi giặt sạch sẽ, gấp phẳng phiu ép dưới gối nằm để dành diện tết.
29 tết, là mọi thứ chuẩn bị đã hoàn tất, lợn đã mổ, bánh chưng đã gói mỗi đứa chúng tôi lại háo hức chờ đợi thời khắc vớt bánh chưng để được ngắm nghía chiếc bánh tét xinh xinh tập gói lần đầu...
30 tết, nhà cửa đã được trang hoàng đẹp đẽ, cành đào chúm chím với những chùm bóng bay xanh, đỏ, vàng... khiến cho căn nhà thường ngày đơn sơ là thế bỗng trở nên tươm tất hơn, đàng hoàng hơn...
Sáng mùng một tết, chị em tôi đứa nào cũng háo hức dậy thật sớm để được mẹ “mừng tuổi”, một đồng tiền lộc chứa đựng bao cảm xúc, mong ước của tuổi thơ. Những năm chưa cấm đốt pháo, cùng với đồng tiền lì xì, mẹ tôi còn cho mỗi đứa vài quả pháo để đốt lấy hên, pháo nổ giòn giã cùng với những điều ước tốt lành cho một năm mới, tuổi mới hứa hẹn nhiều đổi thay...
Hôm nay, khi mỗi đứa chúng tôi đã có một tổ ấm, cuộc sống đã khác xưa nhưng ký ức về tuổi thơ xa xôi, về những cái tết thiếu thốn nhưng thật ấm áp ấy là niềm tự hào, kiêu hãnh cho ngày hôm nay. “Hạnh phúc của ngày hôm nay sẽ được nhân đôi khi nhớ về một thời vất vả cực nhọc đã qua...” và tuổi thơ ấy, những cái tết ấy gắn liền với những mùa xuân của đất nước từng ngày đổi thay.
Hải Anh