Nỗi lòng của bà
- Cập nhật: Thứ năm, 3/3/2011 | 10:21:15 AM
Nghe mấy bà trong xóm nói chuyện: vài bữa nay hay thấy con bé Hoa giao du với đám bạn trai tóc xanh tóc đỏ ở quán game gần nhà bà H, bà Nghiêm chợt chột dạ. Quả là con bé có đổi khác thật.
Ảnh internet
|
Nó tỏ ra ngắm vuốt hơn, chải chuốt và thích làm đỏm hơn. Việc học hành của con bé dường như cũng có phần sao lãng. Mấy tháng nay con bé không học một mình ở nhà như trước nữa mà xin bà đi học nhóm với đám bạn cùng khối. Nó bảo cuối cấp rồi phải học nhiều. Lúc về sớm, khi về muộn, cũng có đôi lần thấy có cả bạn trai đưa về, bà lo nhưng vẫn tin cháu. Chẳng biết chuyện mấy bà hàng xóm nói thực hư thế nào nhưng bà Nghiêm lo quá đứng ngồi không yên.
Bà nóng lòng chờ cháu gái về hỏi cho rõ chuyện. Chết thật, bố mẹ con bé thương nó nên gửi con ra thành phố ở ông bà để học. Nhỡ mà nó chơi bời, học hành chểnh mảng thì bà không biết phải ăn nói với bố mẹ nó thế nào nữa. Nghĩ đến đây bà Nghiêm thở dài thườn thượt…
Con bé Hoa vốn là đứa hiền lành, nó sao có thể đàn đúm với mấy đứa con trai tóc xanh tóc đỏ ở quán net được. Mà nó học hành cái gì ở trong đấy cơ chứ? Phải rồi, có lần nghe con bé nói chuyện với bạn là học nhảy âu hay AU gì gì đó, thích lắm, bà định hỏi nhưng rồi lại ngại nó trách là “xâm phạm đời tư” con trẻ... Nghe đài báo nói nhiều, lớp trẻ bây giờ nghiệm game nhiều lắm, không chỉ có con trai thích chơi game mà không ít học sinh nữ cũng bị cuốn vào trò chơi hấp dẫn này. Không thể ngồi đợi con bé về, bà Nghiêm quyết định sẽ tự mình đi kiểm tra việc học nhóm của con bé, chả là chiều nay nó có lịch học thêm ở nhà bạn. Bà Nghiêm lật đật dắt chiếc xe đạp cọc cạch xuống lòng đường…
Lòng bà nặng trĩu nỗi buồn lo. Trời se lạnh mà trán bà vã mồ hôi, chân tay mỏi rã rời như người vừa ốm dậy. Thế rồi linh tính mách bảo thế nào mà bà lại đạp xe thẳng đến quán game gần nhà bà H. Bà sững người khi nhìn thấy chiếc xe đạp điện giống hệt chiếc xe của đứa cháu gái mình. Bà nhớ và nhận ra xe đạp của con bé Hoa là bởi chiếc dây nơ màu đỏ bà đã tự tay buộc sau gác ba ga xe cho cháu gái thay dây chun mỗi khi cần chằng buộc cặp sách hay áo mưa. Dựng xe bên đường, bà vào quán vờ hỏi mua đồng nát, cốt là để xác minh cho đúng.
Quả là con Hoa, rồi cả con bé Bích học cùng lớp nó cũng đang chơi máy tính với mấy đứa bạn trai tóc xanh tóc đỏ thật. Bà Nghiêm chết lặng cả người, mãi rồi bà mới bật ra được thành tiếng:
-Hoa, Bích, học ở đây hả các cháu?
Hoa lặng người khi nhận ra tiếng người vừa hỏi lại chính là bà mình. Nó lí nhí chào lũ bạn rồi thưn thứn dắt xe rời khỏi quán theo bà về nhà. Dựng chiếc xe đạp vào góc nhà mà bà Nghiêm chỉ chực khóc. Bao công lao dạy dỗ, chăm chút cho cháu từng miếng cơm, giấc ngủ chẳng quản tuổi cao sức yếu của bà chẳng lẽ lại thành công cốc hay sao? Con bé cũng mới chỉ thay đổi độ vài tháng nay thôi, bà nhất định phải nói chuyện với nó để nó ngộ ra mới được. Nhẹ nhàng nhưng có lẽ phải thật nghiêm khắc.
Bà Nghiêm ngồi xuống bàn. Hoa dụt dè đứng nép sau lưng sụt sịt:
- Bà ơi, cháu biết lỗi rồi, xin bà tha thứ cho cháu… Xin bà đừng nói chuyện này với bố mẹ cháu… Cháu xin hứa từ nay sẽ học tốt, không đàn đúm chơi bời với các bạn ấy nữa… Cháu hứa với bà. Cháu cũng chỉ mới chơi cùng các bạn ấy… Cháu chưa nợ tiền ai cả…
Nghe con bé nói vậy, bà Nghiêm thấy tỉnh cả người. Bà quay lại ôm con bé vào lòng, ôn tồn bảo:
- Đời ông bà và bố mẹ con ít học nên suốt đời cực khổ, quanh năm “Bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, thương con, cho con cái chữ, hãy gắng mà học cho nên người nghe cháu! Cháu nên nhớ game rất cuốn hút nhưng đó chỉ là một trò chơi. Hãy biết giữ gìn những gì mình đang có cháu ạ. Bà không cấm đoán cháu nhưng khi trò chơi ấy ngốn hết thời gian học tập của các cháu thì nó trở thành mối nguy hại khôn lường.
Hoa nghe như nuốt lấy từng lời của bà. Nó cười toét miệng rồi chạy nhanh vào bàn học mang bảng điểm tổng kết học kỳ I ra khoe với bà:
- Cháu chưa hư hỏng đâu bà ạ! Bà xem này điểm tổng kết của cháu tuy chưa được bằng năm ngoái nhưng cũng rất cao đấy ạ. Cháu hứa với bà sẽ lấy lại thành tích học tập trong học kỳ II này.
Bà Nghiêm âu yếm nhìn cháu gái:
- Bà tin cháu! Cháu hãy nhớ đừng làm gì để người thân của mình mất lòng tin.
Đúng là “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Cũng may là còn có mấy bà hàng xóm trách nhiệm quan tâm nhắc nhở chứ để lâu chưa biết chừng con bé Hoa hư hỏng thật. Nghĩ vậy bà Nghiêm dặn cháu ở nhà rồi chạy qua cảm ơn mấy bà hàng xóm bữa trước. Từ ngày nuôi cháu ăn học đến giờ, chưa khi nào bà thấy lòng mình thanh thản đến vậy.
Thuỳ Nhi