Tôi là học sinh bán trú

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/11/2012 | 9:44:49 AM

Cách đây hơn 30 năm, tôi là học sinh của Trường cấp ba Văn Chấn. Khóa học của chúng tôi là khóa đầu tiên học ở trường mới, sau khi trường chuyển từ khu sơ tán trở về.

Một giờ học môn Tin học của học sinh Trường THPT Văn Chấn.
Một giờ học môn Tin học của học sinh Trường THPT Văn Chấn.

Các bạn trong lớp tôi chủ yếu ở  các xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn, xa trường từ 9 đến 18 km nên phải trọ học ở nhà các gia đình quanh trường. Sau một thời gian ngắn, khu ký túc xá của Trường được hình thành. Dù đó chỉ là những mái nhà được cất lên bằng tranh tre, nứa lá nhưng chúng tôi nhanh chóng trở thành chủ nhân của những căn phòng như ngôi nhà thứ hai của mình.

Thầy cô giáo của chúng tôi cũng hầu hết ở tập thể, cạnh khu ký túc. Ngoài giờ lên lớp, các thầy cô dạy chúng tôi trồng rau, trồng ngô, khoai, sắn, dạy chúng tôi lên rừng lấy củi đóm, măng rau như cha mẹ ở nhà; dạy chúng tôi biết sống ngăn nắp, biết phân chia thời gian hợp lý cho việc học, việc chơi. Khó khăn thật nhiều nhưng nghe lời khuyên của các thầy cô giáo, chúng tôi không ai bỏ học.

Ba năm học cấp ba cứ chiều thứ bảy chúng tôi đi bộ về nhà, chiều chủ nhật lại đi bộ đến trường. Bạn bè tôi gánh trên đôi vai mình tất cả những thứ gì ăn được để sống và học hành một tuần. Bếp nấu ăn của chúng tôi bắc bằng đá, gạch trải dài theo hiên nhà. Mỗi khi trưa đến, chiều tà là khói bếp mịt mù và lao xao những câu chuyện học trò râm ran cả một vùng.

Một năm sau, khu ký túc được xây dựng, chúng tôi được ở trong những căn phòng xây cấp IV thơm nồng vôi mới. Rồi bếp ăn ký túc xá ra đời. Chúng tôi nộp gạo, sắn và rau quả, tự quản lý các kho lương thực và thực phẩm của mình nộp vào; nhà trường hợp đồng bác Huấn nấu cơm. Những bữa cơm tập thể đạm bạc, chỉ có rau, lạc, đậu phụ, thi thoảng có vài miếng thịt và tóp mỡ nhưng tất cả đều là những bữa tiệc của chúng tôi ngày ấy.

Bây giờ nghĩ lại tôi mới biết chính mình và bạn bè mình thủa ấy là học sinh bán trú. Nhờ có ký túc xá các bạn tôi không ai nói đến bỏ học như trước nữa. Nhờ có ký túc xá, những học sinh dân tộc thiểu số như tôi biết tự quản khi phải sống xa nhà, tự tin khi bước vào các trường đại học và học được nếp sống hài hòa trong một cộng đồng.

Kỷ niệm 40 năm thành lập Trường, như bao thế hệ học trò, tôi muốn nói lời cảm ơn sâu nặng với thầy cô, những người đã chắp cánh cho chúng tôi biết mơ ước đến được những chân trời xa, những người đã cấy trồng những khát khao trong chúng tôi dù ở đâu cũng phải luôn hoàn thiện chính mình; đồng thời tôi cũng ước ao nhà trường lại có một ký túc xá như ngày xưa.

Hoàng Thị Hạnh - Ủy viên chuyên trách, Vụ trưởng Vụ Dân tộc – Tôn giáo, Ban Chỉ đạo Tây Bắc

Các tin khác
Một tiết mục văn nghệ của học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái.

Cha mẹ thương yêu của con!

Cúc mùa thu.

Lời con muốn lúc này/ Con yêu gia đình nhất

Học trò vùng cao. (Ảnh Phí Đức Long)

Bước một mình dưới cơn mưa chiều mà thấy lòng mình nặng trĩu những nỗi niềm suy tư. Đã qua nhiều năm tháng để biết mình không còn nhỏ bé nữa, thuở dại khờ cũng đã lui xa về miền ký ức tuổi thơ. Tôi bước ra giữa dòng đời vạn vỡ tránh sao được những lần hụt bước và vấp ngã…

Ảnh minh họa.

Cổ tích thời lên 3 cho em bao điều mơ mộng. Lưng cha là máy bay, lòng mẹ là biển cả. Nhắm mắt vào thì cô con gái nhỏ sẽ biến thành công chúa, mở đôi mắt ra thì cả thế giới phía trước là màu hồng…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục