Dấu ấn vào nghề

  • Cập nhật: Thứ ba, 23/10/2012 | 9:00:01 AM

YBĐT - Đến hôm nay nhìn lại, tôi đã gắn bó với Báo Yên Bái được trên chục năm. Giờ tôi đã là một phóng viên được xếp vào hàng “tốp ten” của Báo. Nhưng những ngày đầu tiên ấy thì dường như vẫn thật mới mẻ, như vừa mới đây thôi.

Phóng viên Báo Yên Bái trao đổi kinh nghiệm làm báo.
Phóng viên Báo Yên Bái trao đổi kinh nghiệm làm báo.

Với những ai học báo chí ra làm báo thì là chuyện không có gì phải bàn. Còn với tôi - một sinh viên tốt nghiệp ngành văn học vào thử việc ở Báo Yên Bái với nhiệm vụ phóng viên thì lại khác. Đêm trước ngày vào cơ quan thử việc, tâm trạng tôi ngổn ngang trăm nỗi. Không biết mình sẽ phải bắt đầu như thế nào đây, khai thác tư liệu, chế biến ra sao để có được một tác phẩm báo chí…

Trong khi đó lại còn bao bỡ ngỡ về một môi trường công chức rất khác biệt với một sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường. Rồi những câu hỏi, những suy nghĩ, mường tượng về cơ quan Báo Yên Bái dần hé mở khi tôi chính thức đặt chân vào Báo. Đó là buổi sáng ngày 5/9/1999, một cái mốc rất dễ nhớ và rất quen thuộc - ngày khai giảng.

Sáng 5/9/1999 tôi đạp xe đến Báo Yên Bái. Ngày ấy Tổng biên tập là bác Nguyễn Thanh Vân cho tôi vào thử việc, tôi được bác giao về Phòng Phóng viên do đồng chí Nguyễn Trọng Tuệ làm Trưởng phòng (hồi ấy cả Báo Yên Bái chỉ có một Phòng Phóng viên chứ chưa chia ra làm các phòng như bây giờ). Tôi lên Phòng Phóng viên trên tầng ba, bỡ ngỡ, ngại ngùng và có phần ngơ ngác, "quê quê".

Lúc ấy cái cảm giác giao tiếp ban đầu với các nhà báo sao tôi thấy khó khăn đến thế. Lúc tôi đến thì phòng còn đông, sau cứ thấy các anh chị lần lượt khoác túi ra đi.

Sau này tôi mới hiểu là họ đi tác nghiệp, đi họp theo giấy mời được phân công, đi cơ sở lấy tư liệu, chụp ảnh… Khoảng gần 8h thì chú Tuệ - trưởng phòng bảo tôi đi dự khai giảng cùng chú ở Trường Dân tộc nội trú tỉnh. Tôi chỉ biết vâng và đi theo chú, chứ kỳ thực tôi không biết trường đó ở đâu. Trên đường đi chú dặn tôi nhớ ghi chép để về viết tin, còn chú chụp ảnh. Tôi bắt đầu thấy lo.

Ngồi dự khai giảng tôi tốc ký ghi vào cuốn sổ mang theo mọi thứ. Hết trang đến trang, tôi chỉ sợ về không đủ tư liệu để viết tin. Vì học văn nên tôi chưa biết kỹ năng làm báo và cũng không phải như bây giờ để mà tìm tòi học hỏi cách làm báo, viết báo trước khi vào cơ quan thử việc.

Đi khai giảng về cả buổi trưa hôm ấy tôi hí hoáy viết tin, ngày ấy đâu đã có máy tính như bây giờ. Tôi vừa viết, vừa đọc lại, rồi lại sửa, lại thay giấy chép lại. Chẳng biết mất bao nhiêu tờ giấy A4, rồi tôi cũng hoàn thành mang lên nộp cho chú Tuệ một cái tin khoảng 500 chữ.

Chú Tuệ đọc, rồi cười, rồi sửa và chỉ bảo tôi lần sau viết tin thì cần những dữ kiện gì, số liệu gì, viết theo bố cục như thế nào… Vì tôi học văn nên điều chú lưu ý tôi nhất là ngôn ngữ báo chí khác ngôn ngữ văn học, tác phẩm báo chí không thiên về tả, không thiên về cảm xúc mà là ngôn ngữ chính xác nhưng cô đọng xúc tích… Và tôi đã đi từ sự bỡ ngỡ, ngô nghê ấy để vào nghề phóng viên.

Vừa viết vừa học hỏi, vừa rút kinh nghiệm. Tôi học được nhiều từ những lời phê, những đoạn cắt, những lỗi câu chữ mà chú Tuệ Trưởng phòng và các anh chị trong phòng giúp tôi sửa đỏ lòe bản thảo. Những tác phẩm báo chí của tôi từ chỗ nộp rồi chưa đạt phải về viết lại, rồi phải sửa nhiều, cắt nhiều đến sửa ít và bây giờ thì tác phẩm của tôi hầu như không còn phải sửa. Tôi đã yên tâm khi được các biên tập viên đánh giá là một trong số những phóng viên của Báo luôn có bản thảo "sạch".

 Đến hôm nay nhìn lại, tôi đã gắn bó với Báo Yên Bái được trên chục năm. Giờ tôi đã là một phóng viên được xếp vào hàng “tốp ten” của Báo. Nhưng những ngày đầu tiên ấy thì dường như vẫn thật mới mẻ, như vừa mới đây thôi. Cảm xúc của ngày đầu ấy với tôi không chỉ là kỷ niệm cuộc đời, kỷ niệm vào nghề mà đó còn là kỷ niệm về một nhà báo mà các phóng viên, các đồng nghiệp ở Báo Yên Bái kính trọng và nể phục - nhà báo Nguyễn Trọng Tuệ. Chú Tuệ đã không còn nữa nhưng trong kỷ niệm đầu tiên của tôi với Báo Yên Bái với nghề báo, trong vai trò của một phóng viên, trong cái tin đầu tiên mà tôi viết thì vẫn luôn có hình ảnh của chú!

Ngọc Tú

Các tin khác
Đồng chí Tạ Văn Long - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái trao bằng công nhận trường trung học đạt chuẩn quốc gia cho nhà trường. Ảnh: văn tuấn

YBĐT - Trong 30 năm qua, nhà trường đã đào tạo được 2.822 học sinh, trong đó 2.465 học sinh đã tốt nghiệp và nay đang công tác, lao động, sản xuất trên khắp mọi miền của quê hương, đất nước.

“Chuyện thường ngày” - chuyên mục gần gũi với bạn đọc Báo Yên Bái.

YBĐT - Chuyên mục “Chuyện thường ngày” xuất hiện trên Báo Yên Bái trong giai đoạn tờ báo có nhiều đổi mới nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng, thỏa mãn hơn nhu cầu người đọc, đặc biệt là cải tiến nội dung làm “mềm” hoá tờ báo.

Phóng viên Báo Yên Bái và các báo bạn tác nghiệp tại hội thảo báo Đảng các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ do Báo Yên Bái đăng cai tổ chức.

YBĐT - Đối với mỗi tờ báo, phóng viên chuyên sâu có ý nghĩa hết sức quan trọng trong nâng cao chất lượng nội dung. Hòa chung vào công cuộc “Đổi mới báo chí vì sự nghiệp đổi mới đất nước”, từ chỗ chỉ có duy nhất một phòng phóng viên, Báo Yên Bái đã có các phòng chuyên sâu, làm cho nội dung của mỗi tác phẩm báo chí thêm sâu sắc.

Một tiết mục văn nghệ của nữ cán bộ viên chức Báo Yên Bái.
(Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Những năm qua, Ban Nữ công Báo Yên Bái đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, góp phần đáng kể vào những thành tích xuất sắc của Báo Yên Bái nói riêng và báo chí tỉnh nói chung.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục