1. Tiêu chí số 1: Sách giáo khoa phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương
1.1. Nội dung sách giáo khoa đảm bảo phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa, lịch sử, địa lý của địa phương và cộng đồng dân cư. Kênh chữ và kênh hình minh họa được thiết kế phù hợp vùng miền.
1.2. Nội dung sách giáo khoa phù hợp với khả năng đáp ứng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện dạy học khác tại cơ sở giáo dục, giúp giáo viên giảng dạy tích hợp, gắn kết nội dung bài học với thực tiễn của địa phương.
1.3. Hệ thống câu hỏi, bài tập và ngữ liệu trong sách giáo khoa được thiết kế linh hoạt, có khả năng ứng dụng vào điều kiện thực tiễn của địa phương, giúp học sinh ôn tập, củng cố và phát triển phẩm chất, năng lực.
1.4. Sách giáo khoa tích hợp nội dung giáo dục nghề nghiệp; giáo dục địa phương; bảo vệ môi trường; giáo dục giới tính; phòng, chống xâm hại trẻ em, bạo lực học đường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; an toàn giao thông; giáo dục cách tiếp cận liên môn; rèn luyện ý thức tự học và học tập suốt đời.
1.5. Sách giáo khoa có giá hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế của cộng đồng dân cư địa phương.
2. Tiêu chí số 2: Sách giáo khoa phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh
2.1. Cấu trúc sách, bài học rõ ràng, cụ thể, dễ phân biệt các phần bằng logo của phần mở đầu, kiến thức mới, luyện tập, vận dụng, củng cố, đánh giá. Thể hiện rõ các mạch nội dung, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục phổ thông xây dựng kế hoạch giáo dục và bố trí thời khóa biểu trong nhà trường phù hợp với cơ sở vật chất và năng lực học sinh.
2.2. Sách giáo khoa được trình bày cân đối, hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình, đảm bảo tính thẩm mỹ, hấp dẫn đối với học sinh tiểu học.
2.3. Nội dung sách giáo khoa phân chia theo các mạch chủ đề, bài học; thể hiện đầy đủ phẩm chất, năng lực chung và năng lực đặc thù của môn học theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phù hợp với khả năng nhận thức và tâm lý học sinh, phù hợp với năng lực chung của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tại địa phương.
2.4. Cấu trúc, nội dung bài học trong sách giáo khoa có tính mở tạo cơ hội để nhà trường, tổ, nhóm chuyên môn và giáo viên chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục để bổ sung những nội dung và hoạt động đặc thù thích hợp, sát với thực tế của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên lựa chọn phương án, hình thức tổ chức các hoạt động dạy học tích cực.
2.5. Nội dung sách giáo khoa tạo điều kiện để nhà trường, các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục, hoạt động giáo dục của nhà trường theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
2.6. Nội dung các bài học thúc đẩy học sinh học tập tích cực, rèn luyện các kỹ năng, kích thích tư duy sáng tạo, độc lập; hệ thống bài tập gắn lý thuyết với thực hành nhằm giúp học sinh ôn tập, củng cố và phát triển năng lực, phẩm chất, vận dụng kiến thức thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong mỗi bài học.
2.7. Các hoạt động học tập trong sách có hướng dẫn, gợi ý học sinh chuẩn bị và đánh giá kết quả. Có các hoạt động phân hóa học sinh theo năng lực đảm bảo tính dân chủ trong tiếp cận các bài học. Tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả các học sinh có thể phát triển và tư duy sáng tạo.
2.8. Đồng bộ với sách giáo khoa là các sách bổ trợ, hệ thống học liệu điện tử hỗ trợ trực tuyến để giáo viên, cán bộ quản lý sử dụng các thiết bị, tài nguyên, tranh ảnh phù hợp với danh mục thiết bị dạy học tối thiểu; có các video bài dạy minh họa, hình ảnh trình chiếu để giáo viên, phụ huynh, học sinh tham khảo.
(Theo Cổng TTĐT tỉnh Yên Bái)