Dịch bệnh Covid-19 gây hậu quả nặng nề cho đời sống xã hội của cả thế giới. Trong đó, giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) có sự ảnh hưởng không nhỏ khi nhiều học sinh, sinh viên trên thế giới trong đó có Việt Nam phải nghỉ học kéo dài và chưa biết khi nào kết thúc.
Mặc dù Yên Bái chưa xuất hiện ca nhiễm bệnh Covid-19, song học sinh, sinh viên Yên Bái không nằm ngoài ảnh hưởng đó. Vì vậy, thời gian qua, ngành GD-ĐT Yên Bái đã có những giải pháp cụ thể, phù hợp, nhằm ứng phó linh hoạt trước thách thức của đại dịch toàn cầu.
Cho học sinh, sinh viên nghỉ học là một giải pháp được Yên Bái đưa ra ngay khi những ca nhiễm đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Đó là giải pháp ưu tiên hàng đầu đảm bảo cho sức khỏe học sinh. Xác định việc phải nghỉ học kéo dài, ngành GD-ĐT đã linh hoạt hướng dẫn công tác bồi dưỡng thường xuyên và các cơ sở giáo dục duy trì các hoạt động giáo dục với phương châm "Học sinh không đến trường nhưng không dừng học tập”.
Với các cơ sở giáo dục mầm non đã thực hiện bồi dưỡng thường xuyên, rà soát hồ sơ nhà trường, thực hiện công tác phổ cập, công tác tự đánh giá, xây dựng môi trường, làm đồ dùng, đồ chơi... và khai báo y tế theo quy định. Đến nay, 177/177 trường mầm non đã triển khai công tác bồi dưỡng thường xuyên theo hướng dẫn của Sở với 92,7% cán bộ quản lý, giáo viên đã thực hiện.
Đồng thời, hướng dẫn phụ huynh tổ chức các hoạt động cho trẻ tại nhà với 89% phụ huynh được hướng dẫn. Với giáo dục tiểu học, 100% các đơn vị trường học tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên tham gia nghiên cứu về Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và thực hiện lựa chọn sách giáo khoa lớp 1.
Những địa phương đáp ứng điều kiện về công nghệ thông tin đã tổ chức dạy trực tuyến cho học sinh. Đến nay, đã có 127 giáo viên tổ chức dạy học cho hơn 2.800 học sinh tiểu học. Đồng thời 182 giáo viên hướng dẫn cho hơn 5.000 học sinh lớp 4, 5 học qua truyền hình.
Các địa phương, đơn vị trường học vận dụng nhiều phương tiện, cách làm hay và huy động được nhiều tổ chức, đoàn thể địa phương để tổ chức giao bài ôn tập cho học sinh với tỷ lệ giao bài cao. Song trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh và thực hiện giãn cách xã hội, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo không giao bài trực tiếp mà chỉ thực hiện giao bài qua các phương tiện, ứng dụng trên Internet.
Với học sinh THCS và THPT, ngành đã hướng dẫn các địa phương, các đơn vị trường học tổ chức dạy học trực tuyến cho những học sinh có đủ điều kiện. Đã có 16,5% học sinh THCS (trong đó 21,3% học sinh lớp 9) tham gia học trực tuyến. Thành phố Yên Bái là địa phương có số học sinh tham gia đông nhất với trên 77% toàn cấp và 88,8% học sinh lớp 9.
Với những nỗ lực của các thầy cô và học sinh, 26/26 trường THPT trên địa bàn tỉnh tổ chức dạy học trực tuyến, trong đó có 12/26 trường tổ chức dạy chương trình học kỳ II đối với khối lớp 12 và 10/26 đơn vị tổ chức dạy cho cả 3 khối lớp, tỷ lệ học sinh toàn cấp học tham gia là 66,9%, riêng khối lớp 12 đạt tỷ lệ 76,8%.
Bên cạnh đó, trong dịp này, ngoài dạy trực tuyến, các thầy cô hướng dẫn học sinh học qua truyền hình, giao bài tập qua các phương tiện công nghệ... với mong muốn duy trì nhiệm vụ giáo dục, duy trì việc học cho học sinh, đảm bảo "không ai bị bỏ lại phía sau”.
Mới đây, Yên Bái là một trong 5 địa phương thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm quy trình đồng bộ dạy học trực tuyến. Ngành đã chọn thực hiện thí điểm tại 3 trường: Tiểu học Nguyễn Trãi, THCS Quang Trung, THPT Nguyễn Huệ tại thành phố Yên Bái. Trong lúc chờ đánh giá, rút kinh nghiệm mô hình thí điểm để nhân rộng tại địa phương, các thầy cô giáo đang vận dụng tối đa những ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng học liệu của ngành GD-ĐT đã xây dựng để duy trì việc học tập cho học sinh.
Với những nỗ lực ứng phó linh hoạt trước thách thức của dịch bệnh Covid-19, ngành GD-ĐT tỉnh đã góp phần không nhỏ vào công cuộc phòng chống dịch bệnh Covid-19, củng cố niềm tin trong nhân dân.
Thanh Ba