Mỗi bài tập được đưa đến cho các em học sinh là cả một chặng đường gian nan, vất vả của các thầy, cô giáo nơi đây khi việc học trực tuyến, học online không thể triển khai đối với huyện vùng cao như Mù Cang Chải, nhất là tại các thôn, bản xa xôi.
Chúng tôi có mặt tại Trưởng Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS La Pán Tẩn đúng vào lúc các thầy, cô giáo đang chuẩn bị bài ôn tập để giao trực tiếp tại nhà cho các em học sinh.
Theo cô giáo Trịnh Thị Vi – Chủ nhiệm lớp 9B, hôm nay có mấy em ở nhà nên tranh thủ đi giao bài luôn chứ bình thường thì phải đi vào sáng sớm hoặc chiều tối, vì các em hay đi làm nương cùng gia đình.
Sau hơn 20 phút chạy xe, ngược dốc trên con đường bê tông liên thôn, cô giáo Vi mới đến nhà của một học sinh tên Hảng A Nhà, bản La Pán Tẩn. Trong ngôi nhà gỗ 3 gian chỉ có ánh sáng hắt ra từ bóng điện treo giữa nhà, cô giáo Vi vừa đưa bài tập cho Nhà, vừa tranh thủ gợi ý, hướng dẫn em cách làm bài một cách tỷ mỉ đồng thời thu bài của lần giao trước.
Cô vi cho biết: "Nhiều trường hợp phải đi mấy lần mới gặp để giao bài cho các em được, khó khăn nhất là nhiều em ở cách trường gần 10 km nên đi lại rất vất vả, lắm khi phải đi bộ hàng giờ mới đến nơi”.
Còn cô giáo Trần Thị Vân - Chủ nhiệm lớp 4A thì cho biết: "Cả lớp có 38 học sinh nằm rải rác ở các bản, trong đó xa nhất là 5 km nhưng nhiều nơi thì phải đi bộ, những hôm mưa, đường trơn trượt, rất nguy hiểm nhưng với quyết tâm giữ được kiến thức cho các em sau kỳ nghỉ dài do dịch Covid-19 nên chúng tôi dành thêm thời gian để hướng dẫn thêm các em”.
Được biết, năm học 2020 – 2021, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS La Pán Tẩn có 56 cán bộ, giáo viên và 1.068 học sinh, trong đó khối tiểu học có 19 lớp với 648 học sinh, khối THCS có 11 lớp với 420 học sinh.
Do đặc thù vùng cao, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, không thể triển khai việc dạy học trực tuyến nên thực hiện theo sự hướng dẫn của cấp trên, nhà trường đã phân công giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn xây dựng kế hoạch, tổ chức giao bài trực tiếp tại nhà cho học sinh.
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS La Pán Tẩn cho biết: "Trong thời gian nghỉ học phòng dịch, nhà trường phân công giáo viên luân phiên túc trực tại trường để giao bài hướng dẫn ôn tập, phụ đạo tại nhà cho các em. Cụ thể, đối với khối lớp 1, 2, 3 nhà trường giao phiếu nhiệm vụ; khối lớp 4, 5 tổ chức ôn tập 2 môn toán, tiếng việt; khối lớp 6 đến 9 giao bài các môn toán, văn, anh. Trong đó khối lớp 5, 9, nhà trường phấn đấu giao bài đến 100% học sinh, các khối còn lại giao từ 50 – 60%. Thời gian tới, nhà trường triển khai phương án chuyển sách giáo khoa, vở viết để học sinh trực tiếp làm tại nhà”.
Nhiều thầy, cô giáo ở huyện vùng cao Mù Cang Chải tranh thủ hướng dẫn học sinh làm bài tập ngay tại hiên nhà.
Rời xã La Pán Tẩn, chúng tôi sang Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Dế Xu Phình. Toàn trường có 39 cán bộ, giáo viên với 549 học sinh, trong đó khối tiểu học 329 em, khối THCS 220 em.
Việc giao bài trực tiếp tại nhà cũng được nhà trường triển khai từ nhiều ngày nay nhưng do lực lượng giáo viên mỏng, địa bản rộng, trong đó thôn xa nhất cách trường khoảng 11 km, trong khi đa phần các em đi làm cùng bố mẹ nên các thầy, cô thường tranh thủ đi vào chiều tối hoặc sáng sớm đồng thời phối hợp với tổ tự quan, đoàn thanh niên xã để chuyển bài cũng như thu bài của học sinh.
Cô giáo Nguyễn Thuỳ Nhung – Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Dế Xu Phình cho biết: "Sau khoảng thời gian dài không được đến trường nên khi thấy thầy cô lên, các em học sinh rất vui mừng. Có em học sinh còn hỏi cô sao nghỉ học lâu vậy? Chúng em nhớ trường, nhớ lớp lắm! Tuy đi lại cách trở, vất vả nhưng khi nghe được những lời đó của học trò, các thầy cô cũng ấm lòng".
"Cứ như vậy, đôi ba ngày, các thầy cô lại đến từng nhà giao bài tập cho các em làm và kiểm tra, chữa bài làm của các em hôm trước. Việc này giúp các em vẫn giữ được thói quen ôn bài hằng ngày, Đến nay, tỷ lệ giao bài trực tiếp đạt trên 90%, còn tỷ lệ thu bài đạt trên 80%” - cô Nhung nói.
Theo thống kê, năm học 2020 - 2021 trên địa bàn huyện Mù Cang Chải có 36 trường học từ bậc mầm non đến THCS với tổng số 1.250 cán bộ, giáo viên và 20.179 học sinh, trong đó khối mầm non 5.566 học sinh, khối tiểu học 8.718 học sinh, khối THCS 5.895 học sinh.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành giáo dục và đào tạo, UBND huyện Mù Cang Chải với phương châm "Tạm dừng đến trường, không dừng việc học” Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các đơn vị nhà trường triển khai giao bài, ôn luyện cho học sinh theo 2 phương thức trực tuyến và giao bài qua mạng xã hội, giao bài trực tiếp tại nhà cho học sinh.
Tuy nhiên, do đặc thù huyện vùng cao, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, điều kiện người dân còn khó khăn nên việc giao bài trực tiếp trên giấy cho học sinh được phần lớn các nhà trường lựa chọn triển khai. Trên cơ sở đó, từ đầu tháng 3/2020, các nhà trường đã chỉ đạo cán bộ, giáo viên biên tập, xây dựng hệ thống đề cương ôn tập để chuyển đến học sinh các cấp học (trừ mầm non).
Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đến giữa tháng 4/2020 các nhà trường tiếp tục thực hiện việc giao bài tại nhà cho học sinh từ khối lớp 4 đến lớp 9, trong đó tập trung vào 2 lớp cuối cấp là lớp 5 và lớp 9, phấn đấu tối thiểu giao bài 1 tuần/ lần.
Thầy giáo Nguyễn Văn Tuấn - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải cho biết: Mù Cang Chải là huyện vùng cao nhiều khó khăn, địa bàn rộng nhưng với quyết tâm không để học sinh quên kiến thức, Phòng chỉ đạo các nhà trường phân công giáo viên đến từng bản để giao và chữa bài tập cho các em. Các giáo viên nắm bắt tình hình học sinh và giúp các em củng cố kiến thức đã học, tránh bị quên do nghỉ học quá lâu.
"Bên cạnh đó, Phòng yêu cầu thầy cô phải tuân thủ các quy định về phòng chống dịch Covid-19 khi đi giao bài tại các thôn, bản như: phải đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và hạn chế đi đông người...” - thầy Tuấn cho hay.
Đến thời điểm này, đa phần học sinh trên địa bàn tỉnh đã nhận được bài tập ở nhà từ giáo viên với nhiều hình thức khác nhau. Nhưng với đại đa phần học sinh ở vùng cao Mù Cang Chải, những bài tập đó gắn liền với những bước chân leo đồi, vượt núi của các thầy, cô giáo nơi đây.
Hùng Cường