Là địa phương miền núi, đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, song những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, giáo dục Yên Bái có những bước phát triển mạnh mẽ, trong đó phải kể đến công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn mới, tỉnh hướng đến mục tiêu kép: kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) và đạt chuẩn quốc gia.
Việc tạo nên diện mạo trường học khang trang, hiện đại, thân thiện, xây dựng môi trường sư phạm năng động, hiệu quả là điều kiện tiên quyết, hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giúp cho mỗi đơn vị tự đánh giá đạt ở mức nào, cấp độ nào, từ đó sẽ có kế hoạch cải tiến chất lượng hàng năm một cách hiệu quả.
Trong những năm gần đây, ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) đã tập trung chỉ đạo các địa phương, các đơn vị cùng hoàn thiện cả hai mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia gắn với KĐCLGD. Với các trường đã đạt chuẩn, tích cực hoàn thiện công tác KĐCLGD, đăng ký đánh giá ngoài, tiếp tục triển khai hoàn thiện kế hoạch cải tiến chất lượng nhằm giữ vững chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia trong giai đoạn tiếp theo.
Còn với các trường chưa đạt chuẩn, việc hoàn thiện công tác KĐCLGD sẽ tạo điều kiện tốt nhất để nhà trường nhìn lại các công việc đã, đang và sẽ phải làm để từng bước đáp ứng được yêu cầu của trường chuẩn quốc gia.
Đồng thời, phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, các trường sẽ huy động được nhiều nguồn lực: từ ngân sách Nhà nước, từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ các nguồn xã hội hóa - ủng hộ của phụ huynh học sinh… giúp nhà trường từng bước khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng - mức độ KĐCLGD. Để làm được điều đó, ngành GD-ĐT Yên Bái đã tổ chức tốt công tác tuyên truyền, tập huấn trong toàn ngành nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và nhân viên.
Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ cốt cán, cộng tác viên KĐCLGD; kết hợp công tác đánh giá ngoài, kiểm tra thẩm định trường chuẩn quốc gia với công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục nhằm giảm áp lực với các đơn vị trường; chú trọng việc cải tiến chất lượng giáo dục theo báo cáo tự đánh giá của cơ sở giáo dục và góp ý của các thành viên đoàn đánh giá ngoài.
Từ năm 2019, Bộ GD-ĐT đã chính thức tích hợp 2 công tác KĐCLGD và kiểm tra công nhận trường đạt chuẩn quốc gia theo một bộ tiêu chuẩn: kết quả đánh giá ngoài được sử dụng để công nhận đạt KĐCLGD hoặc công nhận đạt chuẩn quốc gia hoặc đồng thời công nhận đạt KĐCLGD và công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Để triển khai hiệu quả, bên cạnh việc tham gia hiệu quả 3 lớp tập huấn do Bộ GD-ĐT tổ chức, Sở mời các chuyên gia của Cục Quản lý chất lượng tổ chức hội nghị tập huấn cho hơn 200 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành. Đến nay, toàn ngành có 238 cán bộ quản lý, giáo viên được tập huấn theo các thông tư mới và trở thành đội ngũ cốt cán trong công tác này.
Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các phòng GD-ĐT, các cơ sở giáo dục thực hiện hiệu quả hai nội dung, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ chính là thí điểm triển khai phần mềm KĐCLGD tại các huyện Mù Cang Chải, Lục Yên, Yên Bình....
Phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền và làm tốt công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn đội ngũ cán bộ cốt cán, chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự đánh giá, có biện pháp hiệu quả để giám sát báo cáo tự đánh giá, kế hoạch cải tiến chất lượng của các cơ sở giáo dục; các cơ sở giáo dục chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương; phổ biến tới phụ huynh học sinh về chủ trương tích hợp công tác KĐCLGD và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia…
Sau khi tự đánh giá hoặc sau khi được đánh giá ngoài, phải niêm yết công khai báo cáo tự đánh giá, danh mục các tiêu chí đã đạt, chưa đạt và kế hoạch cải tiến chất lượng để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Định kỳ rà soát, bổ sung, điều chỉnh và triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch cải tiến chất lượng của đơn vị.
Nhờ việc tích cực triển khai công tác KĐCLGD và công nhận đạt chuẩn quốc gia, đến nay, toàn tỉnh có 235 trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 53,0% số trường (trong đó có 89 trường mầm non đạt 50,6%, 29 trường tiểu học đạt 54,7%, 108 trường THCS đạt 57,4% và 9 trường THPT đạt 34,6%). So với năm học 2016 - 2017, tăng 95 trường chuẩn quốc gia.
Với kết quả này, ngành GD-ĐT Yên Bái đã vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020 cũng như hoàn thành vượt chỉ tiêu Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Chương trình hành động số 144 của Tỉnh ủy. Đồng thời, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Thanh Vy