Thi THPT 2020: 4 môn thi trong 1,5 ngày bằng đề chung của Bộ GD-ĐT

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/4/2020 | 1:56:17 PM

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 dự kiến sẽ gồm 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài thi tổng hợp khoa học tự nhiên (KHTN) và bài thi tổng hợp khoa học xã hội (KHXH).

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ

Ngày 21-4, Bộ GD-ĐT có cuộc họp báo cáo, xin ý kiến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về phương án tổ chức kỳ thi THPT trong điều kiện ứng phó với dịch bệnh Covid-19.

Sau khi phân tích tình hình diễn biến dịch bệnh, các quy định của pháp luật và các yếu tố liên quan đến công tác tổ chức thi, các ý kiến tại cuộc họp thống nhất sẽ tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 nhằm mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT; đồng thời làm căn cứ để đánh giá chất lượng giáo dục cả nước, từ đó điều chỉnh nội dung, chương trình, phương pháp dạy học trong các trường phổ thông.

Công tác tuyển sinh ĐH,CĐ sẽ do các cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo tinh thần tự chủ. Kỳ thi được tổ chức phù hợp với 2 luật: Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học, đảm bảo được yếu tố đổi mới giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, gắn với phương án tự chủ đại học, kiểm định chất lượng đại học. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, sớm báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 22-4, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đã thông tin rõ thêm về phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Theo đó, kỳ thi THPT sẽ được tổ chức muộn hơn mọi năm, dự kiến vào tháng 8-2020; thời điểm này cả Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học đã có hiệu lực thi hành (Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 1-7-2019 và Luật Giáo dục có hiệu lực từ 1-7-2020). Do vậy, sẽ không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như mọi năm mà tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Mục đích của Kỳ thi tốt nghiệp THPT là: tổ chức an toàn, nghiêm túc lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông - từ đó điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học trong các nhà trường. Kết quả của kỳ thi cũng có thể được các trường ĐH-CĐ sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 dự kiến sẽ gồm 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài thi tổng hợp khoa học tự nhiên (KHTN) và bài thi tổng hợp khoa học xã hội (KHXH). Trong đó: Bài thi KHTN gồm tổ hợp của 3 môn Vật lí, Hóa học và Sinh học; Bài thi KHXH đối với thí sinh THPT gồm tổ hợp của 3 môn Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân; đối với thí sinh GDTX gồm tổ hợp của 2 môn Lịch sử, Địa lí.

Thí sinh THPT phải thi 3 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn KHTN hoặc KHXH; thí sinh GDTX phải thi 2 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn KHTN hoặc KHXH.

Kỳ thi diễn ra trong 1,5 ngày với 3 buổi thi.

Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, KHTN và KHXH thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng; thí sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm (Phiếu TLTN); kết quả làm bài của thí sinh trên Phiếu TLTN được chấm bằng phần mềm máy tính do Bộ GD-ĐT cung cấp; bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.

Đáng chú ý, mỗi bài thi tổng hợp được chấm chỉ với 1 đầu điểm (không có điểm các môn thành phần như đối với bài thi tổ hợp trong kỳ thi THPT quốc gia những năm trước đây).

Kỳ thi sẽ do UBND tỉnh, thành chủ trì tổ chức. Bộ GD-ĐT chỉ đạo, UBND tỉnh, thành chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi của địa phương mình, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, công bằng và đúng quy chế. Các tỉnh, thành sẽ thành lập Hội đồng thi để tổ chức thi cho tất cả thí sinh. 

Hội đồng thi của tỉnh, thành sẽ chịu trách nhiệm tổ chức tất cả các khâu của kỳ thi như: in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, công bố kết quả thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT. Mỗi Hội đồng thi có các điểm thi được bố trí đảm bảo tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh. 

Cán bộ coi thi là giáo viên của tỉnh, thành và có sự đổi chéo giáo viên coi thi giữa các trường với nhau, bảo đảm giáo viên không coi thi học sinh của trường mình.

Vẫn theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, công tác thanh tra, giám sát sẽ được tăng cường để hướng tới kỳ thi được tổ chức an toàn, nghiêm túc, trung thực, khách quan. Theo đó, dự kiến ngoài lực lượng thanh tra của bộ, thanh tra của sở GD-ĐT, công tác thanh tra sẽ có thêm lực lượng thanh tra của tỉnh, thành để thanh tra, giám sát tất cả các khâu của kỳ thi; nhất là các khâu in sao, vận chuyển, bảo mật đề thi, công tác coi thi và chấm thi.

Để đảm bảo tính khách quan, công bằng và mặt bằng chung trong đánh giá, xét công nhận tốt nghiệp, Bộ GD-ĐT xây dựng và cung cấp đề thi cho các địa phương để tổ chức thi tốt nghiệp cùng một thời điểm trong cả nước. Với bài thi trắc nghiệm, mỗi thí sinh trong mỗi phòng thi sẽ có một mã đề thi riêng. Đề thi sẽ dùng chung cho cả học sinh giáo dục THPT và học viên GDTX.

Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; phù hợp với nội dung tinh giản chương trình học kỳ 2 đã được Bộ GD-ĐT công bố; nội dung đề thi sẽ dễ hơn, độ phân hóa của đề thi cũng sẽ giảm đi so với các năm trước để phù hợp với mục đích của Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như điều kiện dạy học do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

(Theo SGGP)

Các tin khác

Ngay sau khi UBND tỉnh Yên Bái có Công văn hỏa tốc số 1083 về việc cho học sinh trở lại trường học sau thời gian tạm nghỉ học để phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này, các địa phương trong toàn tỉnh đã bắt tay vào việc vệ sinh trường, lớp chuẩn bị cho việc đến lớp của học sinh, đặc biệt với học sinh khối 9 và khối 12 chính thức đi học trở lại từ ngày 23/4.

Học sinh khối lớp 9, lớp 12 của tỉnh Yên Bái trở lại trường học từ ngày 23/4.

Học sinh khối lớp 9, lớp 12 của các trường THCS, THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) tỉnh, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp- GDTX, các trường trung cấp trên địa bàn tỉnh Yên Bái trở lại trường học từ ngày 23/4.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia.

Kỳ thi THPT quốc gia 2020 tập trung mục tiêu chính là xét tốt nghiệp. Bộ Giáo dục- Đào tạo dự kiến ngày thi từ 8-11/8.

Từ tích cực học tập, người dân xã Báo Đáp đã đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất, nâng cao thu nhập.

Là xã vùng thấp của huyện Trấn Yên, Báo Đáp có 1.490 hộ, 5.414 nhân khẩu. Năm 2018, Báo Đáp đã được huyện công nhận đạt chuẩn Cộng đồng học tập cấp xã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục