Để xây dựng Cộng đồng học tập cấp xã, bám sát văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện Trấn Yên, Đảng ủy, UBND xã đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo thực hiện, đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập (XHHT) do các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của xã làm trưởng ban.
Ban Chỉ đạo đã xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách 15 tiêu chí và từng chi hội cơ sở; thường xuyên đôn đốc, giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện 15 tiêu chí cộng đồng học tập…
Thực hiện Nghị quyết số 89 ngày 9/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về "Xây dựng XHHT giai đoạn 2012 - 2020" và Quyết định số 181 phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020" cũng như chỉ đạo của Đảng ủy xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các hội, đoàn thể, Hội Khuyến học xã đã đẩy mạnh công tác phối hợp tổ chức triển khai, thực hiện xây dựng các mô hình học tập.
Làm tốt công tác tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên, nhân dân về công tác xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, thôn, cơ quan, đơn vị học tập, cộng đồng học tập cấp xã. Do đó tổ chức khuyến học đã phát triển sâu rộng đến 100% thôn, đơn vị; hàng năm có trên 98% gia đình đăng ký xây dựng Gia đình học tập.
Cùng với triển khai các biện pháp duy trì công tác dạy và học, giữ vững phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và trung học cơ sở, huy động 100% trẻ em 5 tuổi đến lớp, các trường trên địa bàn đã thường xuyên điều tra, khảo sát, rà soát chất lượng phổ cập giáo dục và chống mù chữ trên địa bàn để không có tái mù chữ trở lại.
Nhằm nâng cao kiến thức cho người dân, Trung tâm học tập cộng đồng của xã đã tích cực phối hợp tổ chức các lớp học tập nghị quyết, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe, kiến thức vệ sinh an toàn lao động, kiến thức pháp luật; mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn…
Có kiến thức, người dân trong xã đã đẩy mạnh phát triển kinh tế, gắn phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả kinh tế cao với phát triển thương mại dịch vụ.
Cụ thể, có 8 gia đình chăn nuôi lợn trên 100 con/lứa; 1 mô hình nuôi 2.000 con gà; 298 hộ trồng dâu nuôi tằm; 3 mô hình ứng dụng công nghệ tưới chè phun sương...
Điều này không chỉ đảm bảo cơ cấu kinh tế của xã chuyển dịch đúng hướng với nông - lâm nghiệp chiếm 34%; công nghiệp - xây dựng 28%; thương mại - dịch vụ 38% mà đã giúp đưa thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 35 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,6% (84 hộ).
Kiến thức không chỉ giúp kinh tế phát triển, nâng cao đời sống mà còn giúp môi trường sinh thái được cải thiện do các hộ sản xuất kinh doanh, công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn đều ký cam kết bảo vệ môi trường với UBND xã.
Đường làng ngõ xóm, khuôn viên các nhà trường, trụ sở UBND, điểm sinh hoạt cộng đồng được quy hoạch, được vệ sinh và trồng cây xanh đảm bảo xanh, sạch, đẹp.
Bên cạnh đó, cùng với hệ thống y tế cơ sở được đầu tư, do được học tập giáo dục cách sống, người dân đã quan tâm chăm lo sức khỏe, thực hiện tốt chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình nên sức khỏe càng cải thiện. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được phát động và được hưởng ứng, càng góp phần nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần người dân.
Từ kết quả đạt được, năm 2018, Báo Đáp đã được huyện Trấn Yên công nhận đạt chuẩn Cộng đồng học tập cấp xã. Với mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, Báo Đáp sẽ tiếp tục duy trì những kết quả đạt được, đồng thời củng cố các tiêu chí một cách vững chắc để xây dựng Báo Đáp thành xã nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Trấn Yên.
Nguyễn Đình