Học sinh đến trường phải đeo khẩu trang và khoảng cách tiếp xúc tối thiểu là 1,5 m. Trên cơ sở hướng dẫn hiện nay của ngành y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đã yêu cầu các nhà trường bố trí chỗ ngồi giữa 2 học sinh phù hợp với khoảng cách vừa nêu; theo dõi và thường xuyên nhắc nhở việc đảm bảo giãn cách cả bên ngoài lớp học; đeo khẩu trang đúng cách; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; không dùng chung các đồ dùng cá nhân và thời điểm này không tổ chức các hoạt động dịch bán trú trong trường học.
"Để đảm bảo khoảng cách tiếp xúc, giãn cách, các trường nên chia thành 2 ca học. Có thể không nhất thiết học sinh phải đi học 6 buổi trong 1 tuần, mà học 3 ngày thứ 2, 4, 6 và thứ 3, 5, 7. Như vậy, mật độ học sinh sẽ giảm đi và sẽ có những phòng học trống để tách ra, đảm bảo tổ chức cho các em ngồi học tập cho phù hợp, đảm bảo mỗi lớp khoảng không quá 20 học sinh”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết.
Hiện nay, thẩm quyền cho học sinh đi học trở lại do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định dựa trên thực tế tình hình dịch bệnh của địa phương nên thời điểm dạy và học ở mỗi tỉnh, thành phố đang có sự khác nhau và cũng không giống nhau giữa các khối lớp.
Sau Thái Bình và Cà Mau là 2 tỉnh đầu tiên tổ chức cho học sinh lớp 9 và lớp 12 tới trường vào ngày 20/4, mấy ngày qua, một số địa phương như Phú Thọ cũng đã thực hiện việc này với khối Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và Trung tâm Giáo dục thường xuyên.
Cô giáo Đinh Phương Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Hưng Hóa, Tam Nông (Phú Thọ) cho biết, nhà trường đã bố trí mỗi lớp không quá 20 học sinh, ngỗi giãn cách 1,5m: "Chúng tôi cũng đã chuẩn bị có biển trước khi vào trường là các em phải đeo khẩu trang, có bàn để các em đến đo thân nhiệt và diệt khuẩn trước khi vào lớp”.
Tuy nhiên, tại những trường có số học sinh đông mà số phòng học ít, việc bố trí cho các em ngồi giãn cách tối thiểu 1,5m và không quá 20 học sinh trong 1 lớp là điều không dễ dàng. Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, dù học sinh Thủ đô chưa đi học trở lại nhưng đang lúng túng nếu thực hiện đúng hướng dẫn về giãn cách.
"Đặc điểm của Hà Nội là các lớp đều là 45 học sinh và thậm chí còn nhiều hơn. Vì vậy, nếu 20 học sinh, chúng tôi cũng không chia đủ 3 ca cho các cháu đi học được. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cân nhắc nên hướng dẫn theo hướng các lớp sẽ tiến hành học 2 ca nhưng đảm bảo công tác phòng chống dịch, như đeo khẩu trang, khử khuẩn... để phù hợp chứ nếu không thành phố Hà Nội sẽ rất khó thực hiện theo hướng dẫn của Bộ”, ông Ngô Văn Quý kiến nghị.
Khi đi học trở lại, nhiều người cũng băn khoăn, các em nhỏ bậc mầm non, tiểu học khó có thể tự đảm bảo được các biện pháp vệ sinh phòng dịch. PGS. TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, nhà trường phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về vật chất, cũng như tập huấn lại cho giáo viên và hướng dẫn kỹ càng cho học sinh. Đặc biệt, phải cung cấp đầy đủ dung dịch sát khuẩn tay cũng như xà phòng, nước sạch để học sinh rửa tay thường xuyên.
"Học sinh phải đeo khẩu trang, ngồi giãn cách theo quy định. Học sinh nào bị sốt, nhà trường phải cho nghỉ học ngay. Việc khử khuẩn các đồ vật trong lớp là vô cùng cần thiết. Các bậc phụ huynh nên chủ động mua cho con em mình lọ dung dịch rửa tay sát khuẩn (dù nhà trường đã chuẩn bị) và nhắc nhở các con rửa tay sạch sẽ, hạn chế đưa tay lên mắt mũi miệng. Bên cạnh đó, phải chú trọng phòng dịch tại các khu ký túc xá phải đặt lên hàng đầu”, PGS.TS. Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc tổ chức chào cờ được thực hiện trong từng lớp học để tránh tập trung đông người. Giờ vào lớp, giải lao, tan học cũng được bố trí xen kẽ giữa các khối lớp để thực hiện được việc giãn cách. Các trường phải lau, dọn, khử khuẩn, vệ sinh các bề mặt tiếp xúc thường xuyên như khu vực rửa tay, nhà vệ sinh, cầu thang, phương tiện đưa đón học sinh. Kết thúc mỗi buổi học, nhà trường thực hiện nghiêm việc giãn cách khi ra khỏi cổng trường và đeo khẩu trang trên đường về nhà.
Tuy nhiên, việc này cần được Bộ Giáo dục và Đào tạo và chính quyền các địa phương kiểm tra, giám sát mới có thể tránh được tình trạng thực hiện nửa vời. Nếu không thực hiện đúng quy định phòng chống thì dịch bệnh Covid-19 có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào. Thực tế, tại nhiều nước trên thế giới trong đó có Singapore đã cho thấy điều đó.
(Theo VOV)