Bởi đây là một nội dung mới khi thực hiện Luật Viên chức, tác động đến giáo viên ở tất cả cấp học. Tuy nhiên, khi hiểu không đúng, không đủ vấn đề thăng hạng giáo viên dẫn đến việc mất quyền lợi, cũng như gây tâm lý lo ngại trong đội ngũ. Vậy cần hiểu thế nào cho đúng và đủ về thăng hạng giáo viên?
Điều đầu tiên cần khẳng định đó là thăng hạng giáo viên không bắt buộc. Nếu một giáo viên từ lúc vào nghề cho đến khi nhận quyết định nghỉ chế độ không tham gia thăng hạng và vẫn chỉ ở hạng thấp nhất cũng không sao, miễn là giáo viên đó đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn của hạng hiện giữ và hoàn thành các nhiệm vụ được giao, không vi phạm các quy định của ngành, thì họ vẫn được hưởng lương và các phụ cấp, trợ cấp (nếu có) theo quy định.
Còn trong trường hợp, giáo viên có nhu cầu thăng lên hạng cao hơn thì bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của hạng mong muốn được bổ nhiệm vào. Để được thăng hạng, mỗi cá nhân cần có kế hoạch và lộ trình cho việc tích lũy các điều kiện, minh chứng, đồng thời sẵn sàng chuẩn bị hồ sơ cần thiết cho kỳ thi hoặc xét thăng hạng do cấp có thẩm quyền quy định.
Trong thiết kế về kết cấu hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, hạng càng cao thì ngoài lợi ích được hưởng, sẽ phải cống hiến nhiều hơn, làm những việc khó hơn mà người ở hạng thấp không làm được hoặc không có cơ hội để làm.
Mặt khác, bản chất của hạng chức danh nghề nghiệp không phải sự cào bằng, bình quân chủ nghĩa. Thăng hạng cũng không phải thuần túy là việc thực hiện chế độ, chính sách, mà trong hệ thống hạng chức danh nghề nghiệp, để được bổ nhiệm vào hạng cao nhất, giáo viên phải có một quá trình phấn đấu, tích lũy qua thời gian dài, khi đó, họ đã đáp ứng vị trí của một cán bộ cốt cán, một chuyên gia đủ có năng lực, kinh nghiệm ở chuyên môn giảng dạy…
Mới đây UBND tỉnh Yên Bái ban hành Công văn số 710/UBND-NCPC, giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các sở, ngành, các địa phương tham mưu việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, nhân viên trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập năm 2020.
Theo đó, giáo viên dự thăng hạng áp dụng theo Thông tư liên tịch số 20 ngày 14/09/2015 đối với giáo viên học mầm non, Thông tư liên tịch số 21 ngày 16/09/2015 đối với giáo viên tiểu học, Thông tư liên tịch số 22 ngày 16/09/2015 đối với giáo viên THCS và Thông tư liên tịch số 23 ngày 16/9/2015 đối với giáo viên THPT.
Đối với nhân viên văn thư, áp dụng theo Thông tư số 14 ngày 31/10/2014 của Bộ Nội vụ; nhân viên thư viện, áp dụng theo Thông tư liên tịch số 02 ngày 19/5/2015 của liên bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Bộ Nội vụ; đối với nhân viên kế toán, áp dụng theo Thông tư số 77 ngày 11/11/2019 của Bộ Tài chính.
Nếu không có nhu cầu thăng hạng thì viên chức không phải tham gia học các lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, Tin học, Ngoại ngữ ở hạng cao hơn hạng đang giữ. Trường hợp chứng chỉ hạng chức danh nghề nghiệp, trình độ Tin học, Ngoại ngữ chưa đáp ứng theo yêu cầu của hạng đang giữ thì phải học bổ sung để đảm bảo theo quy định. Khi được thăng lên hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn, viên chức được áp dụng theo bảng lương có hệ số cao hơn hạng đang giữ.
Ví dụ: giáo viên mầm non, tiểu học thăng từ hạng IV lên hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 (từ 2,10 đến 4,89); giáo viên mầm non, tiểu học, THCS thăng từ hạng III lên hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 (từ 2,34 đến 4,98)...
Để việc xét thăng hạng giáo viên thực chất và không chạy theo số lượng thì mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên cần phải thực sự cố gắng để tự nâng cao trình độ, để nâng hạng là thực chất và xứng đáng.
Minh Tư