Giai đoạn 5 năm vừa qua (từ 2015 - 2020) được đánh giá là quãng thời gian khởi sắc của ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Yên Bái khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Với những thành tựu trong nhiệm kỳ vừa qua, ngành GD&ĐT tỉnh đang hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc, thiết thực góp phần xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Trong 5 năm qua, với sự quan tâm, vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, sự ủng hộ của toàn xã hội và sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành GD&ĐT, sự nghiệp GD&ĐT tỉnh Yên Bái đã có những bước đi vững chắc. Quy mô, mạng lưới trường, lớp học từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp được sắp xếp phù hợp, tinh gọn và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trong tỉnh.
Chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên, khẳng định vị thế trong khu vực; giáo dục mũi nhọn được nâng cao về số lượng và chất lượng, Yên Bái đã vào nhóm các tỉnh có học sinh đạt giải trong kỳ thi quốc tế.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVIII, tỉnh Yên Bái quan tâm ưu tiên phát triển giáo dục mũi nhọn và giáo dục dân tộc và đạt được kết quả nổi bật. Toàn tỉnh có 2.859 lượt học sinh đoạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hóa THCS, THPT cấp tỉnh, cấp quốc gia; trong đó, có 117 lượt học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia.
Số lượng giải và chất lượng giải học sinh giỏi hàng năm đều tăng; đặc biệt, năm 2015 có học sinh đoạt giải Khuyến khích kỳ thi Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương, năm 2019 có học sinh đoạt Huy chương Bạc kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế.
Quy mô, mạng lưới trường, lớp tiếp tục được sắp xếp tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học tập của con em dân tộc thiểu số; chất lượng giáo dục dân tộc có những chuyển biến rõ rệt, được tổ chức tốt các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe học sinh, hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, giáo dục kỹ năng sống.
Học sinh người dân tộc thiểu số được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) đạt 7,3%; gần 40% học sinh dân tộc thiểu số được hưởng chính sách nội trú, bán trú. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã đạt được kết quả tích cực.
Đến nay, toàn tỉnh có 240 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 54,3% (tăng 16,2% so với năm học 2015 - 2016), góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Công tác xóa mù chữ - phổ cập giáo dục được giữ vững và nâng cao chất lượng, góp phần nâng cao dân trí. Công tác phân luồng học sinh được triển khai thực hiện có hiệu quả; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp, học nghề trên 20%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT vào học cao đẳng, trung cấp, học nghề đạt trên 40%.
Hệ thống các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng được quan tâm chỉ đạo và hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao dân trí và xây dựng xã hội học tập. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được tăng cường, từng bước đảm bảo yêu cầu đổi mới giáo dục. Cơ sở vật chất trường, thiết bị tiếp tục được chú trọng đầu tư theo hướng kiên cố hoá, hiện đại hóa và chuẩn hóa, đáp ứng công tác dạy và học, đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố chiếm 81%.
Công tác quản lý giáo dục được tăng cường, đổi mới về mọi mặt; kỷ cương, nề nếp trường, lớp học được giữ vững. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và dạy học được triển khai mạnh mẽ. Công tác xã hội hóa giáo dục đạt kết quả khả quan đối với giáo dục mầm non, góp phần tăng tỷ lệ huy động trẻ ra lớp và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; giai đoạn 2016 - 2020 đã huy động vốn xã hội hóa gần 115 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị.
Để có được những thành tựu đó, ngành GD&ĐT đã triển khai có hiệu quả nhiều giải pháp, tổ chức, xây dựng nhiều phong trào, trong đó nổi bật toàn diện đó là Phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.
Từ khi phát động, Phong trào đã được toàn ngành hưởng ứng tích cực, nhiều tập thể xây dựng mô hình cụ thể, thiết thực, sát với thực hiện nhiệm vụ được giao và phù hợp với đặc thù của từng nhà trường. Từ năm 2017 đến nay, ngành đã xây dựng và tuyên truyền 194 mô hình, 367 điển hình tiên tiến cấp cơ sở; 97 mô hình, 125 điển hình tiên tiến cấp tỉnh.
Có thể kể đến những điển hình tiêu biểu như: Phong trào "Đổi mới dạy và học Tiếng Anh, tạo hứng thú, động lực cuốn hút học sinh yêu thích môn học và phát triển môi trường dạy học, sử dụng Tiếng Anh” của Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, thành phố Yên Bái; mô hình "Ứng dụng các thiết bị công nghệ cao vào đổi mới phương pháp dạy và học” của Trường THPT Chu Văn An, huyện Văn Yên, "Phòng ở vệ sinh, văn minh” của Trường PTDTNT THCS Mù Cang Chải, "Thư viện xanh” của Trường PTDTNT THCS huyện Văn Chấn…
Đằng sau những thành tích đó là những tấm gương giáo viên tiêu biểu như: Phạm Thị Hải Linh, Lục Thị Thu Hoài - giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành; Hoàng Thị Mận - giáo viên Trường Tiểu học & THCS xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình; Đoàn Thị Thúy - Hiệu trưởng Trường THCS Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn; Bùi Hoàng Hà - giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ; Nguyễn Hùng Tân - giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Khao Mang, huyện Mù Cang Chải; Phùng Thị Nhâm, giáo viên Trường Mầm non Mỏ Vàng, huyện Văn Yên...
Năm học 2020 - 2021 bắt đầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực và là năm học sẽ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh. Rất nhiều thay đổi đang chờ ở phía trước, do đó, ngành GD&ĐT tỉnh Yên Bái xác định tập trung đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ về nội dung, hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học; thực hiện cam kết chất lượng giáo dục; phân tích đánh giá kết quả kiểm tra, khảo sát của học sinh để có biện pháp cụ thể, phù hợp với mỗi học sinh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, kỹ năng sống. Đặc biệt, xây dựng "Trường học hạnh phúc” là một trong những hoạt động trọng tâm.
"Trường học hạnh phúc” là nơi thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học. Đó là nơi tình yêu thương giữa các nhà giáo với nhau, giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau được trân trọng và bồi đắp hàng ngày, là nơi an toàn cho các hoạt động dạy và học của thầy trò, không tồn tại cách hành xử bạo lực, không diễn ra các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những sự việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm, tính mạng nhà giáo và học sinh.
Bên cạnh việc lưu tâm truyền thụ kiến thức, kỹ năng, thái độ cho học sinh, còn chú trọng giáo dục cảm xúc cho các em. Mọi xúc cảm riêng biệt, cá tính sáng tạo của thầy và trò được tôn trọng, chứ không bị áp đặt một cách máy móc, rập khuôn.
Với những thành tựu đã đạt được trong giai đoạn 2015 - 2020 vừa qua, tin tưởng rằng, những trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đều là những ngôi trường hạnh phúc.
Thanh Ba