"Học không bao giờ cùng, học suốt đời, ai cũng phải học"
GS. TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, Đại hội biểu dương gần 300 tấm gương học tập tiêu biểu ở các mô học học tập trên toàn quốc là kết quả của quá trình dài 7 năm thực hiện đề án "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020".
Qua 7 năm thực hiện Đề án, với quyết tâm cao độ, với tinh thần làm việc tích cực, không quản ngại khó khăn của cả hệ thống Hội, đến nay Đề án đã kết thúc với những kết quả rất đáng trân trọng, rất nhiều gương mặt đại biểu là tấm gương đầy cảm hứng cho tinh thần học tập suốt đời.
Cụ thể, thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, ngày 09/01/2013 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 89/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020 gồm 7 đề án thành phần.
Ngày 20/02/2014 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt đề án 281 (là 1 trong 7 Đề án thành phần) về "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020", giao cho Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì Đề án này. Trong quyết định nêu rõ: "Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Đại hội biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu toàn quốc vào năm 2020".
Thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị và Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2014, đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chỉ đạo toàn hệ thống Hội thực hiện Đề án theo 2 giai đoạn: Thí điểm và đại trà (giai đoạn thí điểm 2 năm và từ 2016 đến 2020 là giai đoạn triển khai đại trà).
Từ năm 2016 Hội chuyển hướng hoạt động thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg: không chỉ nhằm vào đối tượng học sinh mà tập trung mạnh vào học tập của người lớn theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Học không bao giờ cùng, học suốt đời, ai cũng phải học".
Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam chỉ đạo hệ thống Hội triển khai Đề án một cách khoa học: Hội thảo, Xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá 4 mô hình học tập: "gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập cấp xã", thí điểm triển khai, tập huấn, tuyên truyền…, sau 2 năm thí điểm; năm 2015: tổng kết, hoàn thiện Bộ tiêu chí trình Thủ tướng phê duyệt và triển khai đại trà.
Qua 7 năm thực hiện Đề án đã kết thúc với những kết quả rất đáng trân trọng.
Tổ chức Hội đã phủ kín các thôn bản, xã, phường, huyện, tỉnh, thành phố với hơn 21 triệu hội viên. Đây là lực lượng nòng cốt triển khai các mô hình học tập thành công. Hội và Chi Hội Khuyến học, Ban Khuyến học đã được thành lập ở các trường phổ thông và nhiều trường Đại học, Cao đẳng; ở các doanh nghiệp…
Đáng chú ý, phong trào học tập đã lan rộng và phát triển trong các gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị. Mặc dù dịch Covid-19 đe dọa nhưng không dừng bước tiến của phong trào học tập.
Nhiều phương thức thực hiện Đề án được Chủ tịch các Hội Khuyến học địa phương sáng tạo: Tiếng kẻng học tập, luống rau khuyến học, con gà khuyến học, nuôi heo đất… vừa có quỹ động viên phong trào học tập, vừa đưa việc học tập vào nề nếp.
Quỹ Khuyến học không ngừng phát triển qua các năm bao gồm từ Quỹ khuyến học gia đình, dòng họ, thôn, bản, xã, phường, thị trấn đến các tỉnh. Hàng năm Trung ương Hội và các hội địa phương tiến hành trao học bổng cho hàng nghìn tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập, trong việc nâng cao năng suất lao động do chịu khó học tập, nghiên cứu mà có. Hội tổ chức nhiều đợt trao học bổng cho người lớn học tập tốt: Cụ già nhất được nhận học bổng của Trung ương Hội đã 93 tuổi.
Phong trào thi đua phấn đấu đạt mô hình học tập tiêu biểu ngày càng phát triển. Công tác tuyên truyền cho phong trào này được các tỉnh và báo điện tử Dân trí quan tâm đưa tin, động viên… bằng nhiều hình thức phong phú.
Các chỉ tiêu đều vượt so với kế hoạch Chính phủ giao
Kết quả của việc thực hiện Đề án 281 về xây dựng các mô hình học tập tiêu biểu là các chỉ tiêu đều vượt so với kế hoạch do Chính phủ giao: Gia đình học tập: vượt 2,77%; Dòng họ học tập: vượt 16,51%; Cộng đồng học tập: vượt 5,38% (thôn, bản); Đơn vị học tập: 35,73% (ở xã, phường).
PGS. TS Nguyễn Thị Doan cho hay: "294 đại biểu tiêu biểu cho 4 mô hình học tập về dự Đại hội lần này là những tấm gương sáng đại diện cho gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị về tình thần ham học, tự học, vượt khó vươn lên để có kết quả học tập tốt, nghiên cứu, vận dụng kiến thức khoa học vào sản xuất, kinh doanh, vào công tác ở các cơ quan hoặc vào đổi mới phương pháp giảng dạy, chăm lo học sinh… cơ cấu cửa các gia đình học tập tiêu biểu gồm cả gia đình nông dân và công nhân, người buôn bán nhỏ…".
Điển hình là gia đình bà Lê Thị Ngọc Chi (An Giang): Từ người buôn bán nhỏ, mới học xong trung học phổ thông, bà theo học lớp tiếng Anh buổi tối rồi trở thành người dạy tiếng Anh cho học sinh và người lớn, bà còn theo học khóa "kỹ thuật viên vi tính" rồi mở phòng dạy vi tính tại nhà. Bà còn học thêm nghề sửa chữa điện thoại để nuôi 5 em tốt nghiệp đại học, các em còn lại đều học xong phổ thông trung học và có việc làm ổn định. Rồi gia đình ông Mà A Khai và Vương Thị Xay (Lào Cai), ông Trần Đại Nghĩa (Thái Bình) tự học thành tài….
Không những vậy, thành công của Đề án là đã xây dựng được các cộng đồng ở hầu hết các thôn, tổ dân phố và có 35 tỉnh đạt tỷ lệ cộng đồng học tập trên 80%.
Nhận thức được tầm quan trọng của sự học nên trong 7 năm qua trên địa bàn hành chính cấp xã của cả nước đã xây dựng được gần 48.000 đơn vị học tập. Tuy chưa phải tất cả các xã có đơn vị hành chính đạt tiêu chuẩn "Đơn vị học tập" nhưng sự học của càn bộ, công chức xã đã có chuyển biến tích cực. Có 43 địa phương đạt tỷ lệ "Đơn vị học tập" trên 80% so với tổng số đơn vị trên địa bàn. Có nhiều đơn vị tiêu biểu là các trường học, các đơn vị lực lượng vũ trang, công đoàn, cơ quan hành chính cấp xã…
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh: "Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhờ sự đồng thuận của nhân dân, sự ủng hộ của các doanh nghiệp, sự phối kết hợp với tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các Bộ, ngành (Hội Khuyến học đã ký kết với 9 tổ chức chính trị - xã hội và Bộ, Ngành để thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, thực hiện Đề án) đặc biệt sự tận tâm, tận lực của đội ngũ cán bộ khuyến học các cấp nên Hội Khuyến học đã hoàn thành vượt mức mục tiêu của đề án, được nhân dân hài lòng, đánh giá cao thông qua kết quả khảo sát xã hội trước khi kết thúc Đề án.
Cụ thể, số người được hỏi cho biết nhờ có phong trào học tập thông qua 4 mô hình như sau: Kinh tế gia đình phát triển: 98,1%; số người được hỏi; Đoàn kết trong cộng đồng tốt lên: 100%; Kinh tế địa phương phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, môi trường đều đảm bảo tốt: 99,9%; 100% gia đình và dòng họ cho biết nhờ học tập mà con em họ không vướng vào vụ việc tiêu cực, đều chăm lo học hành.
"Qua tổ chức phong trào, lời dạy của Bác: "Học không bao giờ cùng, ai cũng phải học, học suốt đời vì "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu" ngày càng soi sáng cho sự học ngày nay, đặc biệt trong thời gian tới Việt Nam phải tích cực tham gia Cách mạng 4.0.
Hội Khuyến học Việt Nam, các gia đình, dòng họ, cộng đồng đơn vị sẽ tích cực hơn nữa trong thúc đẩy thực hiện Luật Giáo dục về học tập thường xuyên; các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về tiếp tục xây dựng 4 mô hình học tập nêu trên và triển khai mới mô hình "Công dân học tập" đáp ứng yêu cầu Cách mạng 4.0 theo Quyết định 489/QĐ-TTg ngày 8/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nhân lực tại chỗ trong thời gian tới. Phấn đấu Việt Nam sẽ phát triển bằng tri thức, bằng trí tuệ chứ không phải bằng lao động giản đơn", PGS. TS Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh.
(Theo Dân Trí)