Yên Bái: Một dự án thiết thực và nhân văn

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/12/2020 | 7:38:12 AM

YênBái - Giải quyết phần nhiều về rào cản ngôn ngữ; học sinh tự tin mạnh dạn hơn, sẵn sàng tham gia vào các hoạt động học tập, vui chơi, biết giao tiếp, chào hỏi, biết chia sẻ, biết thể hiện qua lời nói, cảm xúc, hành động với thầy cô, bạn bè, khách đến thăm.... Đó là kết quả từ một dự án dành cho trẻ em dân tộc thiểu số trên địa bàn Yên Bái.

Mô hình một tiết dạy của cô và trò Trường Mầm non Suối Giàng, huyện Văn Chấn tại diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Dự án.
Mô hình một tiết dạy của cô và trò Trường Mầm non Suối Giàng, huyện Văn Chấn tại diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Dự án.

Yên Bái cũng như nhiều địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống nên việc bất đồng ngôn ngữ, khoảng cách địa lý, cùng phong tục lạc hậu, mức độ mong muốn tiếp cận tri thức của người dân thấp được cho là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến chất lượng học tập của học sinh chưa cao, tình trạng bỏ học xảy ra.

Trong những năm qua, ngành giáo dục Yên Bái đã có nhiều giải pháp trong đó có nhiều dự án, đề án dành riêng, nhiều chính sách khuyến khích được thực hiện đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS. Trong đó, dự án "Nâng cao khả năng sẵn sàng đi học và kết quả học tập cho trẻ em DTTS” do tổ chức SCI và KOICA được triển khai trên địa bàn 2 huyện Văn Chấn và Mù Cang Chải đã mang lại nhiều kết quả khả quan.

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Sùng Đô, huyện Văn Chấn là một trong 14  trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái tham gia Dự án "Nâng cao khả năng sẵn sàng đi học và kết quả học tập cho trẻ DTTS tại Việt Nam”. 

Sau 3 năm triển khai nhà trường đã có sự thay đổi khả quan trong kết quả giáo dục. Học sinh trong trường đã có được sự tự tin, mạnh dạn, biết giao tiếp, biết hợp tác; phụ huynh có sự quan tâm hơn đối với việc học của con. 

Với cô giáo Hoàng Thị Thuận - Phó Hiệu trưởng Trường TH&THCS Sùng Đô thì sự thay đổi này chính là nền tảng vững chắc để nâng cao chất lượng giáo dục. Dự án đã đưa ra mục tiêu đặc biệt quan trọng là hỗ trợ trẻ em DTTS hình thành một nền tảng kiến thức vững chắc bằng tiếng mẹ đẻ - "cầu nối” để hỗ trợ việc học tốt tiếng Việt và để trẻ có thể sử dụng cả hai ngôn ngữ đó trong quá trình học tập trong suốt các bậc học sau này. Đồng thời duy trì và bảo tồn những bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc và của địa phương. 

Các hoạt động nhà trường thực hiện đã đem lại kết quả đó là: các lớp 1, 2 đều có trợ giảng; áp dụng thành thạo 32 hoạt động hỗ trợ học sinh trong giảng dạy để tăng cường kỹ năng đọc, viết cho trẻ; tổ Câu lạc bộ Cha mẹ học sinh, Câu lạc bộ Trại đọc; tập huấn cấp trường về Tăng cường kỹ năng đọc viết, song ngữ cho giáo viên; tổ chức các góc đọc với lượng truyện nhiều, phong phú, sinh động… 

Cô Hoàng Thị Thuận chia sẻ: "Qua các hoạt động, Dự án đã hoàn toàn giải quyết bất đồng ngôn ngữ, e dè, nhút nhát của trẻ mới vào lớp 1 như nhớ nhà, không hiểu lời cô, không biết hợp tác, sợ nói, sợ giao tiếp. Từ đó, rất thích nghe cô trợ giảng kể chuyện bằng tiếng mẹ đẻ sau đó kể sang tiếng Việt. Từ các tiết học khô khan, nhiều kiến thức, tạo áp lực, mệt mỏi cho học sinh, các thầy cô đã áp dụng nhịp nhàng, phù hợp môn học với các hoạt động mà dự án đưa ra. 

Đến nay, chúng tôi có thể tự tin khẳng định rằng đã giải quyết phần nhiều về rào cản ngôn ngữ. Học sinh tự tin mạnh dạn hơn, sẵn sàng tham gia vào các hoạt động học tập, vui chơi, biết giao tiếp, chào hỏi, biết chia sẻ, biết thể hiện qua lời nói, cảm xúc, hành động với thầy cô, bạn bè, khách đến thăm trường; biết làm đồ dùng, đồ chơi liên quan đến củng cố âm, vần, từ vựng và phép tính; biết tự tổ chức các hoạt động, trò chơi học tập một cách tích cực. 

Phụ huynh của chúng tôi phần nhiều qua câu lạc bộ đã tự tin trong việc dạy con, giúp con học. Sẵn sàng chia sẻ với mọi người về cách chăm con, dạy con học, hợp tác tích cực với thầy cô. Trợ giảng cũng có thêm nhiều kỹ năng trong việc giải quyết bất đồng ngôn ngữ, cùng chia sẻ với giáo viên để hoàn thành việc dạy và học”.

Dự án "Nâng cao khả năng sẵn sàng đi học và kết quả học tập cho trẻ DTTS tại Việt Nam” được triển khai tại huyện Mù Cang Chải và Văn Chấn của tỉnh với 14 trường được hưởng lợi. 

Với mục tiêu nâng cao khả năng sẵn sàng đi học và kết quả học tập của trẻ em DTTS tại các trường mầm non, tiểu học tham gia Dự án, Dự án đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, nhiều phương pháp giáo dục mới, hiện đại và phù hợp với thực tế tại địa phương như bộ công cụ cho trẻ làm quen với Toán và đọc viết (ELM) và áp dụng ELM trong giảng dạy tại trường cho giáo viên và tại nhà cho phụ huynh ở bậc học mầm non; hoạt động giáo dục song ngữ; tăng cường kỹ năng đọc viết cho bậc tiểu học; tổ chức các câu lạc bộ để tăng cường tiếng Việt cho học sinh như Tổ chức Câu lạc bộ Trại đọc cho học sinh; sinh hoạt câu lạc bộ cha mẹ học sinh... 

Cùng với đó, triển khai các hoạt động góc đọc và góc thư viện với số lượng lớn các tài liệu đọc, đa dạng về chủng loại, hấp dẫn về kênh hình và kênh chữ, giúp học sinh thích đọc sách hơn và Dự án cung cấp đầy đủ các thiết bị để thiết lập các góc đọc mọi lúc, mọi nơi, xây dựng thư viện ngoài trời, từ đó học sinh có nhiều điều kiện để đọc sách; tổ chức các diễn đàn ”Ngày hội Đọc sách”, Hội thi Gia đình học tập, phát triển tài liệu đọc, sáng tác truyện tranh, làm sổ tay hướng dẫn cha mẹ cùng học và chơi với con ở nhà... 

Sau 3 năm thực hiện Dự án cùng nỗ lực của ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) địa phương đã góp phần nâng tỷ lệ học sinh mầm non ra lớp theo đúng độ tuổi đạt gần 100%, học sinh tiểu học DTTS đã mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, nâng cao sự quan tâm của cộng đồng (đặc biệt là phụ huynh học sinh) đối với việc học của trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. 



Một tiết dạy có trợ giảng là người địa phương. 

Bà Tô Thị Ánh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: "Đây là dự án ý nghĩa có tác dụng toàn diện đến trẻ em, giáo viên và cộng đồng. Cho đến nay, các em được đảm bảo các điều kiện tới trường, tự tin, biết đọc, biết viết, phụ huynh biết cách chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con em mình tại gia đình. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của tỉnh, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS”. 

Dự án đã đạt được các mục tiêu đề ra: khả năng sẵn sàng đi học của học sinh mầm non tại 6 trường Dự án tăng từ 36% ở khảo sát đầu kỳ lên 63% ở khảo sát cuối kỳ của Dự án. Bên cạnh đó, kỹ năng đọc hiểu của học sinh tiểu học cũng đạt  từ 14% lên 51% theo khảo sát đầu ra của Dự án. Đến nay, mặc dù Dự án "Nâng cao khả năng đi học và kết quả học tập cho trẻ em DTTS” đã kết thúc xong hoạt động và những kết quả mà Dự án đã đem lại sẽ là tiền đề góp phần thúc đẩy sự phát triển của giáo dục vùng DTTS tại Yên Bái. 

Ông Kim Jinoh - Giám đốc quốc gia, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam chia sẻ: "Chúng tôi rất vui và hạnh phúc khi những mục tiêu của Dự án đặt ra ban đầu đều được hoàn thành rất tốt. Nhìn thấy năng lực học tập cũng như nhiệt huyết tham gia các chương trình mà giáo viên đề ra chúng tôi rất ấn tượng và đánh giá cao việc triển khai dự án của ngành giáo dục Yên Bái. Trong thời gian tới Koica sẽ tiếp tục có những tài trợ và nghiên cứu đề xuất những dự án phù hợp với các địa phương ở Việt Nam trong đó có Yên Bái”.

Cùng với những nỗ lực của thầy cô giáo và ngành giáo dục địa phương thì sự đầu tư của các dự án, tổ chức trong nước và quốc tế là đòn bẩy quan trọng giúp các em học sinh vùng DTTS có cơ hội được học tập trong môi trường tốt hơn và có khởi đầu tốt đẹp hơn trong cuộc sống. 

Thanh Vy

Tags Yên Bái Dự án nâng cao kết quả học tập trẻ DTTS

Các tin khác
Dự án “Sản xuất và kinh doanh ống hút từ hạt bơ” của nhóm học sinh đến từ Đắk Lắk đã giành giải Nhất cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2020 cùng tiền thưởng 30 triệu đồng.

Chiều 22/12, Bộ GD-ĐT đã tổ chức trao giải cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp (SV- STARTUP) 2020.

Chương trình sôi động với nhiều câu hỏi, trò chơi vận động hấp dẫn.

Hưởng ứng chương trình “Thiếu nhi Việt Nam rèn luyện thể thao – nâng cao trí lực” đang được phát động trên toàn quốc, sáng 23/12, Hội Thể thao học sinh Việt Nam phối hợp với Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng, Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái cùng sự đồng hành của Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế (IDP) – thương hiệu sữa KUN tổ chức chương trình “Thiếu nhi Việt Nam rèn luyện thể thao – nâng cao trí lực” tại Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, thành phố Yên Bái.

Học sinh Trường PTDTBT TH & THCS Xà Hồ mặc đủ áo ấm trong giờ lên lớp.

Những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kèm theo mưa nhỏ nên nền nhiệt độ trung bình ở huyện Trạm Tấu chỉ từ 11-14 độ C, ở nhiều nơi, nhiệt độ có lúc chỉ dưới 10 độ C. Các trường nội trú, bán trú đã tăng cường các biện pháp giữ ấm cho học sinh.

Các em học sinh mầm non điểm trường lẻ bản Tà Dông, xã Chế Tạo trong giờ ngủ trưa.

Những ngày này, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải có nơi nền nhiệt chỉ 2 độ C, trời băng giá và sương muối. Để đảm bảo giữ ấm tốt nhất cho học sinh trong những ngày giá rét, ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) huyện Mù Cang Chải đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể, đảm bảo việc học tập, duy trì sĩ số cũng như sinh hoạt của các em.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục