Kết thúc một học kỳ triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở lớp 1, giáo viên và học sinh các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Yên Bái đã nhanh chóng bắt nhịp chương trình. Những khó khăn ban đầu trong quá trình triển khai của cả thầy và trò đã được tháo gỡ kịp thời tạo những chuyển biến tích cực trong chất lượng dạy và học.
Những hiệu quả bước đầu
Một giờ học của cô và trò lớp 1D, Trường Tiểu học Yên Thịnh, thành phố Yên Bái được bắt đầu bằng hoạt động khởi động tại chỗ vui nhộn tạo cho các em một tâm lý thoải mái để bước vào bài học. Cô giáo đã tận dụng tối đa các thiết bị dạy học, để mang tới cho các con cách nhìn trực quan nhất. Những con vật ngộ nghĩnh, màu sắc sặc sỡ được chiếu trên bảng thông minh khiến học sinh hào hứng, tích cực trả lời những câu hỏi của cô giáo.
Dưới sự hướng dẫn của cô giáo, học sinh từ từ khám phá ra những kiến thức mới. Là một giáo viên 7 năm dạy lớp 1, cô giáo Lương Thị Thu Hoài - Tổ trưởng Tổ 1 và cũng là giáo viên chủ nhiệm lớp 1D, Trường Tiểu học Yên Thịnh rất tâm đắc với chương trình GDPT 2018: "Qua một học kỳ, các con đã nắm bắt được và tiếp cận được các bài học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học, các học sinh đã đọc thông viết thạo, tiếp cận được tất cả các hoạt động. Học sinh được trải nghiệm nhiều hơn, có nhiều kỹ năng hơn. Chương trình mới này tạo hứng thú cho cả giáo viên và học sinh”.
Tại Trường Tiểu học & THCS Tân Thịnh - một trường học vùng ven thành phố, nơi đời sống người dân còn khó khăn, song chương trình GDPT mới đã có những hiệu quả bước đầu.
Cô giáo Ninh Thị Thành - giáo viên chủ nhiệm lớp 1B, người đã có 20 năm công tác, 12 năm giảng dạy lớp 1 chia sẻ: "Chương trình GDPT 2018 có rất nhiều ưu việt, đến thời điểm này, học sinh đọc, viết tốt, nhận thức tốt hơn; phương pháp có nhiều đổi mới, từ chỗ thụ động nghe cô giảng, nay được hoạt động nhóm nhiều, phát huy cá nhân cao nên các em nhận thức tiến bộ, 95% số học sinh đọc, viết rất tốt. Chương trình cũng yêu cầu giáo viên hoạt động tích cực hơn, nếu giáo viên thụ động thì không đạt được kết quả như mong muốn”.
Đặc biệt, chương trình này yêu cầu có sự phối hợp giữa phụ huynh và giáo viên, điều này thực sự khó với trường ở vùng nông thôn, vùng ven thành phố. Cô Thành chia sẻ thêm: "Chúng tôi đã tuyên truyền tới phụ huynh học sinh trong các buổi họp phụ huynh, hay tranh thủ đầu giờ, cuối giờ phụ huynh đưa đón con để trao đổi, vận động. Nhiều hoạt động, bài tập, chúng tôi yêu cầu sự phối hợp của phụ huynh… dần dần tạo được sự thay đổi trong tư duy của phụ huynh học sinh không còn phó mặc chuyện học của con cái cho thầy cô. Đây là điều mà rất nhiều năm qua, những giáo viên vùng ven luôn mong có được”.
Không có phản ánh tiêu cực về sách giáo khoa
Có lẽ, câu chuyện về những bộ sách giáo khoa tại các địa phương trong cả nước ở kỳ học vừa qua khiến dư luận lo lắng, nhiều phụ huynh giật mình xem lại sách của con, rồi an tâm hơn bởi những phản ánh đó không có trong bộ sách của con mình. Quá trình triển khai sách giáo khoa mới, các đơn vị trường và giáo viên đã được tham gia từ đầu việc nghiên cứu các mẫu sách, tổ chức chọn mẫu sách từ tháng 3/2020. Cụ thể, đã so sánh các sách khác nhau để lựa chọn ra đầu sách phù hợp nhất cho từng môn học và hoạt động giáo dục. Sau đó, tất cả các giáo viên đều được tập huấn đầy đủ, kỹ lưỡng, nắm vững nội dung, phương pháp giảng dạy trước khi bước vào năm học mới.
Ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố cho biết: "Sau khi lựa chọn, ngành chú trọng tập huấn bồi dưỡng, khai thác sử dụng hiệu quả bộ sách giáo khoa. Ban đầu, cả phụ huynh và giáo viên thấy có vẻ lượng kiến thức nhiều hơn, nhưng sau 3 tháng thực hiện với phương pháp tiếp cận phù hợp theo hướng phát triển năng lực của học sinh, các thầy cô đã làm chủ được sách giáo khoa, làm chủ được phương pháp, giúp học sinh lĩnh hội được kiến thức, có được những năng lực phẩm chất cần thiết qua các môn học và hoạt động giáo dục”.
Hầu hết các giáo viên trên địa bàn thành phố đều có chung nhận định sách giáo khoa có kênh hình, kênh chữ phong phú, bắt mắt, đẹp, sinh động, sát với thực tế nên học sinh học bài rất nhanh. Đồng thời, cũng tạo cho giáo viên nhiều thuận lợi khi sử dụng giáo án điện tử lấy trên hành trang số nhà xuất bản, trợ giúp rất nhiều cho giáo viên, có nhiều hình ảnh sinh động, học sinh tiếp thu bài nhanh hơn.
Cô giáo Nông Thị Thanh Huyền - giáo viên lớp 1A, Trường Tiểu học Yên Thịnh chia sẻ: "Với bộ sách giáo khoa sinh động, phụ huynh cũng có thể dễ dàng phối hợp với giáo viên để dạy con tại nhà”.
Nhiều hoạt động hỗ trợ chuyên môn
Chiều thứ 6 của tuần học đầu tiên của học kỳ II, nhóm cán bộ chủ chốt của Phòng GD&ĐT thành phố có lịch sinh hoạt chuyên môn tại Trường Tiểu học & THCS Tuy Lộc. Đây là hoạt động chuyên môn thường xuyên của ngành GD&ĐT thành phố, nhất là từ khi triển khai chương trình GDPT 2018. Tại Trường Tiểu học & THCS Âu Lâu, ngay sau dự giờ tiết học tiếng Việt tại lớp 1A, các thầy cô đều có nhận xét: học sinh tham gia hăng hái, thực sự chủ động lĩnh hội qua các hoạt động như khởi động, quan sát tranh, luyện đọc, học sinh biết kết hợp, chia sẻ với nhau, một số em phát âm ngọng nhưng cô giáo đã chỉ ra và sửa cho các em, các em làm lại được. Cùng với đó, cũng chỉ ra một số điểm cần lưu ý như giúp các em tự tin hơn.
Hoạt động khởi động trước giờ học của cô và trò lớp 1A, Trường Tiểu học Tân Thịnh.
Thầy giáo Bùi Văn Hà - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Trong quá trình giảng dạy, nhất là chương trình mới, sẽ nảy sinh nhiều khó khăn vướng mắc, hoạt động sinh hoạt chuyên môn của cán bộ chủ chốt với các trường thường xuyên kịp thời tháo gỡ những khó khăn. Qua những buổi sinh hoạt chuyên môn này, giáo viên trực tiếp giảng dạy sẽ có cái nhìn tổng quát hơn về phương pháp giảng dạy, cách tổ chức dạy học. Một số môn có ít giáo viên giảng dạy Ngoại ngữ, Mỹ thuật, Thể dục, Tin học, mỗi trường chỉ có 1 giáo viên, nên khi sinh hoạt chuyên môn chỉ riêng trong trường thì sẽ khó, liên kết sinh hoạt theo cụm trường, các giáo viên sinh hoạt theo nhóm môn sẽ trao đổi trực tiếp trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau”.
Để thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018, ngành GD&ĐT thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các đơn vị trường học, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai.
Ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó trưởng Phòng GD&ĐT cho biết: "Ngành đã tham mưu đầu tư bổ sung cơ sở vật chất trong các nhà trường, tăng cường đội ngũ giáo viên từ trường thiếu ít sang trường thiếu nhiều để đảm bảo hoạt động dạy và học. Đồng thời, chỉ đạo các nhà trường làm tốt công tác tập huấn bồi dưỡng với nhiều modul mà Bộ đã triển khai, cả hình thức trực tiếp, trực tuyến. Phòng chia các trường học thành 3 cụm để tiến hành sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề, tăng cường sự giao lưu trao đổi giữa các trường”.
Theo ông, việc triển khai thực hiện có nhiều thuận lợi với sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự quan tâm của các nhà trường, công tác phối hợp rất tốt của cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, việc thiếu giáo viên đã ảnh hưởng lớn tới quá trình triển khai nhiệm vụ.
Công tác tập huấn bồi dưỡng rất cần thiết, nhưng trong điều kiện thiếu giáo viên như hiện nay thì tập huấn online với 9 modul cũng gặp trở ngại, vì giáo viên vừa phải hoàn thành chương trình tập huấn, bài kiểm tra sau tập huấn lại phải vừa hoàn thành nhiệm vụ nhà trường đã giao. Một số ít giáo viên cán bộ quản lý lớn tuổi, việc thích ứng với cái mới còn chậm, nhất là giai đoạn đầu thực hiện.
Cùng đó, điều kiện cơ sở vật chất của nhiều trường học chưa đáp ứng; nhiều giáo viên đã kiến nghị tăng cường tập huấn, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy; đề nghị ngành GD&ĐT nghiên cứu để điều chỉnh sách giáo khoa đồng bộ hơn…
Cho dù có những khó khăn, bất cập nhất định, song có thể đánh giá chương trình GDPT năm 2018 đã đạt được những kết quả bước đầu, đây là tiền đề cho việc triển khai chương trình ở học kỳ II và những năm học tiếp theo.
Thanh Ba