Thầy cô hạnh phúc

  • Cập nhật: Thứ năm, 4/2/2021 | 7:52:24 AM

YênBái - Trong một phát biểu, bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng: “Mỗi người trong cuộc sống có thể lựa chọn cho mình quan điểm về hạnh phúc khác nhau. Đối với người thầy, hạnh phúc chính là nâng đỡ các em trong từng bước đi để trưởng thành, góp phần thực hiện lý tưởng cao cả ươm trồng thế hệ tương lai”.

Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng Trường THPT Nguyễn Lương Bằng (huyện Văn Yên) bức Cờ thêu với dòng chữ “Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện” tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập. (Ảnh: Hồng Vân)
Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng Trường THPT Nguyễn Lương Bằng (huyện Văn Yên) bức Cờ thêu với dòng chữ “Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện” tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập. (Ảnh: Hồng Vân)

Đúng vậy! Dù ở thành phố hay nông thôn, vùng thấp hay vùng cao đều có hình ảnh của các thầy, cô tận tụy phục vụ cho lý tưởng cao cả đó, mang lại niềm tin để các thế hệ nối tiếp nhau vững bước cho sự nghiệp phát triển của quê hương, đất nước.

Sự học ở vùng cao Yên Bái hôm nay đã đổi thay nhiều lắm! Được sự quan tâm của Nhà nước, sự nỗ lực của những người làm giáo dục ở Yên Bái, những ngôi trường khang trang thay thế cho những lớp học tạm. Toàn tỉnh không còn lớp học ghép. Chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục vùng cao nâng lên. Tuy học sinh đã biết đi tìm cái chữ nhưng thật khó có thể ghi hết được những khó khăn, vất vả của các thầy, cô giáo vùng cao và cũng khó có từ ngữ nào có thể diễn tả hết niềm vui, hạnh phúc của những người đang gieo chữ, trồng người nơi đây. 

Cô giáo Nguyễn Thị Hường ở Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) Tiểu học & THCS Khao Mang, huyện Mù Cang Chải có 10 năm công tác trong ngành giáo dục và cũng ngần ấy năm cô gắn bó với các em học sinh ở huyện vùng cao khó khăn này. Quê ở Trấn Yên, sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, cô luôn mong muốn được đứng trên bục giảng. 

Nhận tin cô được phân công dạy tại huyện Mù Cang Chải, gia đình không khỏi lo lắng. Lúc đó, cô Hường chỉ nghĩ, tuổi trẻ là xông pha cống hiến và cô tin các em học sinh nơi đó đang cần mình - thế là đủ hành trang cho cô gái mới ngoài 20 tuổi từ vùng thấp lên vùng cao dạy học. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã 10 năm, xác định gắn bó với vùng cao này, cô lập gia đình và lần lượt sinh hai con nhỏ. 

Cô Hường chia sẻ: "Hai vợ chồng mình tiết kiệm cũng mới mua được mảnh đất nhỏ nhưng hiện tại cũng không đủ điều kiện làm nhà, chờ thêm vài năm nữa vậy. Hiện tại đang thuê nhà, nhưng chỗ thuê cũng xập xệ, mưa dột phải hứng chậu, che chắn”. 

Thầy cô vùng cao vất vả lắm! Nếu ai không tin hãy thử một ngày đồng hành cùng các thầy, cô. Nhất là vào đầu năm học mới, cũng như tất cả các thầy, cô trong trường, gần như ngày nào cô Hường cũng ở trường từ 6-7 giờ sáng đến 8 giờ tối thậm chí 9-10 giờ đêm mới về tới nhà để sắp xếp chỗ ăn, chỗ ở, quán xuyến nhắc nhở học sinh. 

Cô Hường tâm sự: "Khi vào nề nếp rồi thì phải trực đêm, giáo viên chia theo kế hoạch nhưng khi các con trong lớp ốm thì dù không có lịch trực thì cũng phải ở lại trường, chăm học sinh như chăm con của mình vậy. Giao mùa, các con sụt sịt, vất vả lắm! Ở nhà mình có 2 đứa con nếu chúng ốm thì hai vợ chồng đã quay cuồng rồi nhưng ở lớp có khi 5 - 7 em ốm cùng một lúc thì mình cũng chăm như con của mình vậy. Ngày nào cũng vậy, giờ ăn thì phải trông các con ăn, giờ học thì theo sát”. 

Cô Hường có lẽ vất vả hơn các thầy cô trong trường, bởi đứa con nhỏ của cô sức khỏe yếu, thường xuyên cần mẹ ở bên, gia đình nội ngoại lại xa, không trợ giúp được, cứ thế cô phải gồng mình lên để cáng đáng cả việc nhà và việc trường. 

Ở những trường bán trú như Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Khao Mang thì mỗi thầy cô được thêm 300.000 đồng một tháng cho công tác bán trú, nhưng sao có thể so với những gì các thầy cô đã làm cho những học trò nơi đây. 

Cô bày tỏ: "Bạn hãy thử một lần đứng trên bục giảng nhìn xuống lớp. Hãy một lần nghe học sinh ở đây gọi tiếng thầy cô! Hãy yêu mến những ánh mắt tròn xoe, ngây thơ và những nụ cười vô tư của học trò! Hãy mở lòng với những người dân thật thà, chất phác và cảnh sắc núi rừng nơi đây! Chắc chắn, bạn sẽ tin lời tôi nói là sự thật: tôi chẳng nhớ nổi kỷ niệm buồn nào cả”. Giờ thì tôi tin, cô Hường đã rất hạnh phúc trong sự lựa chọn gieo chữ nơi vùng cao này. 

Đến vùng cao của Yên Bái sẽ hiểu hơn câu hát "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai” bởi nơi đây có những thầy cô mang tất cả nhiệt huyết tặng cho sự nghiệp giáo dục. Ở Trường PTDTBT Tiểu học Tà Ghênh, xã Nậm Có, cô giáo Nguyễn Thị Hồi sống xa gia đình hàng trăm ki-lô-mét. Nhưng 20 năm qua, cô vẫn gắn bó và tiếp tục công việc dạy chữ cho các em học sinh nơi đây. 

Cô Hồi vốn là cô gái miền xuôi, tốt nghiệp sư phạm được sự giới thiệu lên Mù Cang Chải để dạy học. Lúc đầu, cô chỉ nghĩ đơn giản là về việc thực hiện ước mơ đứng trên bục giảng. Lâu dần, Mù Cang Chải lại gắn bó khiến cô không thể rời xa dù cô lấy chồng ở Hưng Yên, bố mẹ đẻ cũng ở Hưng Yên. 



Cô giáo Nguyễn Thị Hồi trò chuyện với các em học sinh.  

"Không có gia đình bên cạnh, nhưng ở đây, tôi không phải sống một mình bởi có rất nhiều thầy cô khác, học sinh - đó cũng là gia đình của tôi” - cô Hồi chia sẻ. Dù điều kiện vật chất còn khó khăn như ngay chỗ ở chỉ mấy mét vuông cho cả cô Hồi và cô Trương Nữ Thu Hằng - Hiệu trưởng nhà trường nhưng các cô vẫn lựa chọn ở lại với trường, với lớp, với học trò. Đó là sự lựa chọn, là cách sống rất đáng trân trọng của những cô giáo nơi đây. Tôi tin đây là sự lựa chọn của con tim. 

Cô Hồi tâm sự: "Vợ chồng ở xa nhưng rất tin tưởng nhau. Thường 2-3 tuần có khi cả tháng, mình mới về nhà 1 lần. Thời gian con nhỏ, mình mang con theo lên trường, ở tập thể, được đồng nghiệp đùm bọc. Đến sinh cháu thứ 2, ông xã nghỉ việc lên đây chăm con cho. Mình rất may mắn vì có chồng hiểu, thông cảm, hy sinh và tạo mọi điều kiện để mình yên tâm công tác. Về quê, tôi có thể làm các công việc khác cũng cho thu nhập, gần gia đình nhưng tôi rất yêu quý học sinh và tôi cũng cảm nhận được chúng cũng rất yêu quý mình và cần tôi. Tôi hạnh phúc vì điều đó!”. 

Những năm qua, các chế độ chính sách ưu việt của Nhà nước, cũng như của địa phương cho giáo viên và học sinh vùng cao được thực hiện kịp thời và đầy đủ cũng là một sự tác động không nhỏ tới tâm lý, yên tâm công tác tại vùng khó của giáo viên. Song, nếu không có lòng yêu nghề và cả lý tưởng cao đẹp được bồi đắp qua nhiều thế hệ thì khó có thể làm lên những kỳ tích thay đổi diện mạo giáo dục vùng cao như vậy. Cô Hồi, cô Hường chỉ là đại diện cho hàng nghìn các thầy cô đã lựa chọn nơi vùng cao để cống hiến. Họ đã và đang rất hạnh phúc với sự lựa chọn của mình. 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong một chủ đề pháp thoại dành cho những người làm giáo dục đã nói: "Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới”. Đúng vậy! Thế giới nhỏ nơi núi rừng của Yên Bái đang được thay đổi lớn lao, bức tranh giáo dục vùng cao Yên Bái ngày càng tươi sáng hơn, nhờ sự đóng góp không nhỏ của các thầy cô nơi đây.
Thanh Ba

Tags Yên Bái chỉ số hạnh phúc phát triển xanh hài hòa bản sắc giáo viên giỏi

Các tin khác
Nhân viên Trường Đại học Thủ Dầu Một hỗ trợ Trung tâm kiểm soát bệnh tật lấy thông tin của các sinh viên tiếp xúc gần với bệnh nhân. Ước tính có hàng trăm người từng tiếp xúc gần với nữ sinh viên này.

Bộ Giáo dục và đào tạo vừa ra công văn yêu cầu các cơ sở đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) tăng cường truyền thông, quán triệt tới toàn thể cán bộ và sinh viên. Công văn này cũng yêu cầu sinh viên hạn chế tối đa ra khỏi nơi cư trú.

Ngày 3/2, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã ký công văn hỏa tốc gửi ngành GD&ĐT và các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh cho phép học sinh toàn tỉnh nghỉ Tết sớm để phòng chống dịch Covid-19.

Thầy giáo Nguyễn Quang Hợp - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành chia sẻ phương pháp giải toán cho học sinh.

Trường Trung học phổ thông (THPT) Chuyên Nguyễn Tất Thành - cơ sở giáo dục mũi nhọn, ươm mầm, bồi đắp tài năng của tỉnh với số lượng và chất lượng học sinh giỏi các cấp đứng đầu toàn tỉnh và tăng lên qua từng năm học; nơi chắp cánh ước mơ cho nhiều thế hệ học trò bay cao bay xa. Phía sau thành công của các em học sinh nhà trường là những đóng góp thầm lặng, cống hiến không ngừng nghỉ của thầy cô, luôn tận tụy vì sự nghiệp “trồng người”.

Trong thời kỳ hội nhập, dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh được xem như bước đột phá để đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh tiến trình hội nhập quốc tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục