Năm nay, do số lượng thí sinh tăng (hơn 100.000 em), nên số lượng cán bộ, giảng viên dự kiến cần huy động là hơn 8.000 người đến từ 200 cơ sở giáo dục đại học.
Rút kinh nghiệm từ năm trước, khi Đà Nẵng phải tổ chức thi đợt 2, các trường đại học trong thành phố không thể tham gia công tác kiểm tra đợt 1, Bộ phải huy động nhân lực từ các trường không bị phong tỏa để bổ sung. Năm nay, Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị đầy đủ các phương án.
Về phương án sử dụng lực lượng thanh tra, Bộ GD&ĐT sẽ kế thừa và sử dụng tối đa đội ngũ cán bộ công chức, giảng viên, cộng tác viên thanh tra giáo dục có kinh nghiệm từng tham gia tập huấn, đạt yêu cầu và tham gia thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT vào năm 2020. Đặc biệt là huy động các trường khối ngành sức khỏe, các trường công an, quân đội vào vùng/điểm thi có dịch, nguy cơ cao, có thí sinh diện F1 hoặc F2.
Theo ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, điểm mới năm nay là Bộ sẽ thành lập 10 đoàn kiểm tra ngẫu nhiên tại 20 Sở GD&ĐT (không trùng lặp với các đoàn của Ban chỉ đạo thi cấp quốc gia), cùng 5 đoàn lãnh đạo Bộ trực tiếp đi kiểm tra tại địa phương trong suốt quá trình chuẩn bị và tổ chức thi.
Tương tự, tại 63 tỉnh thành, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu thành lập 63 đoàn kiểm tra. Trong đó, trưởng đoàn và thành viên là lãnh đạo, cán bộ, giảng viên các cơ sở giáo dục đại học (mỗi đoàn có ít nhất 2 cơ sở giáo dục đại học cùng tham gia).
Bộ GD&ĐT dự kiến tập huấn trực tuyến cho tất cả những người tham gia tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2021 theo 3 cấp.
Thứ nhất, tập huấn cho lãnh đạo Sở và cốt cán của Thanh tra Sở GD&ĐT. Thứ hai, tập huấn cho cốt cán là thanh tra nội bộ và lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học (khoảng 200 cơ sở) về nội dung kiểm tra công tác coi thi. Thứ 3, tập huấn cho cán bộ, công chức của Bộ và giảng viên cơ sở giáo dục đại học được điều động tham gia các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi, chấm thi và phúc khảo của Bộ GD&ĐT (khoảng 250 người).
Bộ GD&ĐT và địa phương sẽ xử lý, không để xảy ra khoảng trống, điểm mờ trong kiểm tra, thanh tra thi. Tất cả hội đồng thi tại các địa phương cần phân công làm rõ trách nhiệm ngay từ đầu.
Về công tác chuẩn bị ở địa phương, bà Vũ Thị Kim Chung, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Sở dự kiến huy động 90 cộng tác viên thanh tra (cả dự phòng) từ các trường THPT làm công tác thanh tra thi tại 29 điểm thi trên toàn tỉnh.
Hiện, dịch bệnh ở Hà Giang không phức tạp như các tỉnh khác song công tác chuẩn bị lực lượng tham gia kiểm tra/thanh tra thi được xây dựng theo nhiều tình huống dự phòng. Ngành xác định đặt phòng, chống dịch lên hàng đầu. Lực lượng dự phòng công tác thanh tra thi tại tỉnh Hà Giang năm nay tăng khoảng 15% để đảm bảo mức độ chặt chẽ, tránh gian lận thi cử.
Tương tự, tại Lào Cai, ông Nguyễn Văn Đông, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh này cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tỉnh có 20 điểm thi, do đó sẽ huy động gần 50 cộng tác viên thanh tra (cả dự phòng) làm nhiệm vụ.
40 cán bộ thanh tra sẽ làm nhiệm vụ thanh tra cắm chốt tại 20 điểm thi, mỗi điểm thi 2 cán bộ; 2 cán bộ làm nhiệm vụ tại 2 điểm thi dự phòng, còn lại 6 cán bộ dự phòng tham gia kiểm tra/thanh tra công tác ở các khâu của kỳ thi.
Sở GD&ĐT Lào Cai đã lên danh sách 50 cán bộ làm công tác thanh để thực hiện tiêm vaccine COVID-19 trước khi làm nhiệm vụ. Đồng thời, Sở cũng chuẩn bị sẵn phương án ứng phó với tình huống có thể xảy ra (xuất hiện F0, F1, F2 là giáo viên, cán bộ coi thi, học sinh…) ở tất cả điểm thi, kể cả điểm dự phòng.
(Theo VTC News)