Để các mô hình học tập phát triển sâu rộng, Hội Khuyến học (HKH) thành phố Yên Bái đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phong trào khuyến học, khuyến tài (KH-KT) trong các cơ quan, nhà trường, trong cộng đồng dân cư.
100% các xã, phường, chi hội, ban, tổ khuyến học trực thuộc; hội viên và tổ chức xã hội nghề nghiệp đều được triển khai tuyên truyền nội dung bộ tiêu chí đánh giá gia đình, dòng họ, cơ quan, đơn vị, xã hội học tập của Trung ương HKH và những định hướng của phong trào.
Việc tuyên truyền nhấn mạnh vào ý nghĩa, sự cần thiết, tầm quan trọng của việc học tập nói chung đối với mỗi cá nhân, gia đình, cơ quan, đơn vị, dòng họ trong nhu cầu của cuộc sống xã hội hiện nay.
Ngoài ra, HKH thành phố còn phối hợp với Hội Người cao tuổi thực hiện Đề án học tập suốt đời qua các phong trào KH-KT như "Nuôi lợn nhựa khuyến học”, "Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”. Những gia đình "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, chăm ngoan, ham học” chính là những nhân tố tiêu biểu, là những bông hoa đẹp thể hiện cho giá trị tốt đẹp, chân chính cần được tôn vinh, nhân rộng, góp phần làm tươi đẹp thêm cuộc sống.
Với vai trò là lãnh đạo HKH, gắn bó, tâm huyết, trách nhiệm cao đối với việc triển khai các mô hình học tập trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Vĩnh Truyền - Phó Chủ tịch Thường trực HKH thành phố cho biết: "Một trong những hoạt động thiết thực nhằm lan tỏa sâu rộng các phong trào học tập, nhất là Phong trào xây dựng "Gia đình học tập” chính là việc chỉ đạo để gắn kết và phấn đấu xây dựng "Gia đình học tập” với Phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa”. Kết quả bình xét gia đình văn hóa luôn xem xét đến cả các yếu tố quan tâm đến việc học tập của các thành viên trong gia đình.
Nhờ đó mà tạo nên những hiệu quả tích cực, trước tiên là tinh thần cầu tiến, vượt khó của mỗi thành viên gia đình trong việc động viên con cháu đi học "ra trường, hết lớp, hết cấp”, là tạo nên thói quen, nét đẹp truyền thống học tập từ ông bà, cha mẹ đến con cháu trong mỗi gia đình. Kết quả, toàn thành phố có 98% số hộ gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa”, "Gia đình học tập”.
Đặc biệt, thời gian qua HKH thành phố Yên Bái đã triển khai thí điểm xây dưng mô hình "Công dân học tập” tại 3 xã, phường trên địa bàn và "Đơn vị học tập” tại 5 cơ quan, đơn vị, trường học. Thực tế, để có được các gia đình, dòng họ, đơn vị, xã hội học tập, trước hết phải có những công dân học tập. Trong một gia đình, các thành viên không là công dân học tập thì gia đình đó không đạt được tiêu chí "Gia đình học tập”.
Cũng như vậy, trong một cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học… người lao động không tham gia học tập thì không thể có "Đơn vị học tập”. Vì vậy, công dân học tập là yếu tố cơ bản để xây dựng các mô hình học tập khác.
Với 3 tiêu chí lớn năng lực tự học, học tập suốt đời; năng lực sử dụng những công cụ tương tác; năng lực xây dựng và thực hiện các mối quan hệ xã hội, 300 công dân tham gia thí điểm không chỉ nâng cao hiệu quả việc tự học mà còn tăng cường thêm ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng.
Tham gia mô hình "Công dân học tập”, chị Nguyễn Thị Bích Thủy ở thôn Thanh Sơn, xã Tuy Lộc cho biết: "Học tập kỹ năng, văn hóa giao tiếp bán hàng giúp tôi áp dụng vào việc buôn bán, kinh doanh, tạo được sự tin tưởng, hài lòng của người dân về thái độ phục vụ, từ đó tăng doanh thu, thu nhập cho gia đình”. Việc thực hiện thí điểm "Đơn vị học tập” của HKH cũng đã đạt được kết quả tốt đẹp.
Đó là kinh nghiệm, tiền đề để thành phố Yên Bái đăng ký phấn đấu xây dựng "Thành phố học tập” theo kế hoạch trong dịp tới.
Các mô hình học tập trên địa bàn thành phố đã và đang liên tục phát triển, phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng phong trào mạnh mẽ. Sự hưởng ứng tích cực của các tập thể, cá nhân, đặc biệt là sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân, góp phần xây dựng một xã hội học tập ngày càng vững mạnh.
Lê Thương