Yên Bái đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp vì sự phát triển bền vững - Bài 2:Hiệu quả nguồn lực - đẩy mạnh đổi mới giáo dục

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/8/2021 | 9:26:21 AM

YênBái - Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, nhiều năm qua, ngành giáo dục- đào tạo và chính quyền các địa phương cũng tích cực huy động các nguồn lực xã hội dưới nhiều hình thức để góp phần giải quyết khó khăn trong đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục đồng thời sử dụng hiệu quả các nguồn lực này.

Thầy cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải kiểm tra thiết bị tại phòng học thông minh.
Thầy cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải kiểm tra thiết bị tại phòng học thông minh.


Cơ sở vật chất (CSVC) trường, lớp học là một trong những yếu tố có tính quyết định sự thành công trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).

Những năm qua, hệ thống giáo dục của tỉnh Yên Bái đã được củng cố, sắp xếp hợp lý, đáp ứng yêu cầu học tập của người dân. Các chỉ số về giáo dục đã từng bước vươn lên ở mức độ khá so với khu vực và mức trung bình so với cả nước, vượt lên trên nhiều địa phương có điều kiện tương đồng. Đó là nhờ một phần không nhỏ của sự quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất trường học khang trang từng bước hiện đại.

Sử dụng hiệu quả các nguồn lực

Sử dụng hiệu quả các nguồn lực được xem là một trong những giải pháp tối ưu, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư cũng như sử dụng CSVC trong các nhà trường. Theo lãnh đạo phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD&ĐT, nguồn lực đầu tư CSVC trường, lớp học trên địa bàn tỉnh nhiều năm qua chủ yếu là từ ngân sách Nhà nước. 

Ngoài việc các địa phương tự cân đối ngân sách để đầu tư cho giáo dục, hằng năm, ngân sách tỉnh cũng có sự đầu tư đáng kể cho sự nghiệp giáo dục chi cho hoạt động xây dựng, nâng cấp, tu sửa hệ thống phòng học ở các đơn vị trường. 

Cùng với đó, Sở GD&ĐT đã tham mưu xây dựng nhiều chương trình, dự án đầu tư CSVC, với số tiền hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, như: Đề án "Sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020”; Đề án "Nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, trường mầm non thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020”, chương trình kiên cố hóa trường lớp học. 

Ngoài ra, nhiều địa phương còn lồng ghép có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với đầu tư CSVC cho các nhà trường... nhằm huy động và phát huy tối đa nguồn lực từ ngân sách Nhà nước cho sự nghiệp giáo dục.

Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, nhiều năm qua, ngành GD&ĐT và chính quyền các địa phương cũng tích cực huy động các nguồn lực xã hội dưới nhiều hình thức như hiến đất xây dựng, đầu tư xây dựng trực tiếp từ các đơn vị đỡ đầu, kết nghĩa, tài trợ của các doanh nghiệp, tập đoàn, … để góp phần giải quyết khó khăn trong đầu tư CSVC cho giáo dục. 

Trong giai đoạn hiện nay, xã hội hóa (XHH) giáo dục có vai trò hết sức quan trọng. Để phát huy tối đa nguồn lực này, ngành GD&ĐT cũng như các đơn vị trường học làm tốt công tác thông tin tuyên truyền vận động, đồng thời công khai minh bạch sử dụng các nguồn lực XHH. 

Quan điểm của ngành trong những năm qua cũng như trong thời gian tới đó là tham mưu với UBND tỉnh để chỉ đạo đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và ưu tiên các nguồn lực cho các Đề án, trường thuộc địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. 

Ngoài ra, Sở GD&ĐT sẽ tăng cường chỉ đạo các nhà trường sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư CSVC, mua sắm trang thiết bị phù hợp với chương trình học, cũng như nhu cầu của mỗi nhà trường, phát huy hiệu quản sử dụng thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý giáo dục và giảng dạy. 

Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 71/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 Hội đồng nhân tỉnh Yên Bái khóa XVIII kỳ họp thứ 20 về việc thông qua một số Đề án phát triển GD&ĐT tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025; Đề án phát triển giáo dục mầm non tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021- 2025, Đề án Triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, Đề án Phát triển Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Tất Thành tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025.



Thầy cô chuẩn bị phòng ở cho học sinh tại Trường PTDTBT TH&THCS Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải 

Nâng chất lượng, đẩy mạnh chiến lược đổi mới

Những năm gần đây, ngành GD&ĐT tỉnh đã có những bước chuyển mình tích cực. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt trên 97%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp thi đỗ đại học giáo dục nghề nghiệp đạt trên 70%. 

Đặc biệt, sau nhiều năm nỗ lực cố gắng, Yên Bái đã có những học sinh đạt giải các kỳ thi quốc tế, nhiều học sinh thủ khoa các trường đại học lớn trong nước. Công tác xòa mù chữ - phổ cập giáo dục được củng cố và nâng cao chất lượng theo hướng bền vững. 

Công tác giáo dục vùng đồng bào dân tộc, giáo dục vùng khó khăn được đặc biệt quan tâm phát triển; hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú đã góp phần giữ vững phổ cập giáo dục, ngăn chặn và khắc phục tình trạng học sinh bỏ học tràn lan, hướng tới phát triển giáo dục bền vững. 

Toàn tỉnh hiện có 443 trường mầm non, phổ thông với quy mô gần 6.800 lớp, trong đó, vùng đặc biệt khó khăn có 190 trường, tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số chiếm trên 63%. Toàn tỉnh có 9 trường phổ thông dân tộc nội trú và 51 trường phổ thông dân tộc bán trú, 47 trường phổ thông có học sinh bán trú, đáp ứng 98,9% số học sinh bán trú được ăn ở tại trường.

So với năm học 2015 - 2016, tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số được đi học tăng 2,2%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm 0,7%, thể thấp còi giảm 2,3%; tỷ lệ học sinh tiểu học xếp loại môn tiếng Việt, môn Toán có chuyển biến đáng kể, tỷ lệ học sinh THCS xếp loại học lực khá giỏi tăng 1,34%, THPT tăng 2,34%. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được đẩy mạnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 263 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, chiếm 59,4%. 

Thực tế đã minh chứng, việc hoàn thiện hệ thống CSVC và thiết bị dạy học sẽ tạo ra tiềm năng sư phạm to lớn cho hoạt động dạy và học. Điều này cũng đặt ra yêu cầu cho ngành chức năng, các cấp chính quyền đó là phải đề ra chiến lược phát triển đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. 

Với sự quan tâm đầu tư của các cấp, các trường học trên địa bàn tỉnh được đầu tư về trang thiết bị phù hợp với nhu cầu học tập, sinh hoạt của học sinh. Các em được chăm sóc đảm bảo sức khoẻ, được giao lưu học hỏi, sống trong môi trường giáo dục lành mạnh vui tươi, khả năng giao tiếp mạnh dạn, tự tin. Được giáo dục kỹ năng, sinh hoạt tập thể, vận dụng các kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn. 

Đồng thời các đơn vị được đầu tư về trang thiết bị dạy học đầy đủ làm cho các hoạt động dạy học thuyết phục, sôi nổi , hiệu quả, từ đó chất lượng giáo dục được nâng lên, bền vững. Học sinh được phát triển năng lực và phẩm chất là cơ sở để đảm bảo mục tiêu giáo dục của đơn vị. Đó chính là tinh thần đổi mới giáo dục theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. 

Thành quả giáo dục đạt được trong những năm qua là sự nỗ cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân. Với đặc thù là một tỉnh miền núi, đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư cho giáo dục lồng ghép từ nhiều nguồn vốn là những nội dung tất yếu trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục ở Yên Bái.

Thanh Ba

Tags Yên Bái cơ sở vật chất trường lớp đổi mới giáo dục nguồn lực giáo dục đào tạo

Các tin khác
Hội viên Câu lạc bộ Khuyến học tiếng nói, chữ viết dân tộc Dao giới thiệu sản phẩm sau khi tham gia lớp học dệt may, thêu thùa trang phục truyền thống.

Xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên là địa bàn có đông đồng bào Dao sinh sống với kho tàng văn hóa phong phú. Nhằm gìn giữ phát huy giá trị văn hóa quý báu ấy, Câu lạc bộ (CLB) Khuyến học tiếng nói, chữ viết dân tộc Dao đã được thành lập.

Trang tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trên Báo Lao Động.

Chiều 16.8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã công bố điểm thi tốt nghiệp THPT đợt 2 năm 2021.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy thăm cơ sở vật chất mới của Trường PTDTNT THPT tỉnh

"Sự thay đổi về cơ sở vật chất của giáo dục Mù Cang Chải như một thước phim chuyển màu từ màu nhạt với những phòng học tạm trong trường học, những phòng học nhờ tại các điểm lẻ đến gam màu tươi sáng...". Đã hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục, thầy giáo Lê Tiến Dũng – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Chế Cu Nha chưa bao giờ thấy sự đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở vật chất giáo dục như giai đoạn hiện nay.

Đến chiều 15/8, 29 tỉnh, thành đã ban hành khung kế hoạch năm học 2021-2022, đa số cho học sinh lớp 1 tựu trường vào cuối tháng 8, các lớp còn lại đầu tháng 9.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục