Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 phê duyệt Danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2025 (QĐ 861) và Quyết định số 433/QĐ-UBDT ngày 18/6/2021 của Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn của vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 (QĐ 433) được ví như một "phép thử” ý chí tự lực tự cường của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các thầy cô và người dân. Kết quả bước đầu của "phép thử” ấy tại huyện Văn Yên là minh chứng rõ ràng nhất cho việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Thầy cô cùng tính bài toán kinh tế với phụ huynh
Năm học 2021-2022, em Bàn Hữu Tuấn, lớp 5, Trường TH&THCS Xuân Tầm, huyện Văn Yên sẽ không còn được hưởng chế độ trợ cấp học bán trú như những năm học trước. Trước ngày khai giảng, chúng tôi cùng các thầy cô giáo tới nhà Tuấn. Vượt qua quãng đường hơn 13 ki-lô-mét gồm cả đường bê tông, đường đất lổn nhổn đá cuội và lội suối, nhà Tuấn cheo veo ở một mỏm đồi cuối thôn Khe Lép.
Trong căn nhà tuềnh toàng, Tuấn lật đật đi lấy ghế cho thầy cô ngồi. Cậu bé bị bệnh u não nên gặp khó khăn trong sinh hoạt. Dưới Tuấn còn có em gái năm tới học lớp 2.
Việc không còn được hưởng các chế độ học bán trú là một gánh nặng đối với gia đình em. Song, mẹ em - chị Bàn Thị Vạng - người phụ nữ dân tộc Dao lại có nhận thức tiến bộ về việc học, chị chia sẻ: "Gia đình cũng chưa biết trông vào đâu nhưng dù khó khăn đến mấy cũng phải cho con đi học. Mình không biết chữ đã khổ lắm rồi nên không muốn con khổ như mình nữa”.
Không chỉ dừng lại ở việc vận động và tờ giấy cam kết tới trường, các thầy cô còn ngồi lại cùng tính bài toán kinh tế với gia đình Tuấn.
Cô Nguyễn Thị Uyên - một trong những giáo viên phụ trách vận động học sinh nhánh trong của thôn Khe Lép đã đưa ra 2 phương án cho chị Vạng: "Thứ nhất, con có thể ở bán trú, phụ huynh đóng tiền mua thức ăn và gạo, còn chỗ ở là miễn phí. Với phương án này các con được ăn ở tại trường, bố mẹ có thời gian tập trung lao động sản xuất. Thứ hai là đưa đón về trong ngày, đóng tiền ăn trưa hoặc mang cặp lồng cơm, chi phí đóng góp thấp, song lại mất thời gian đưa đón con. Nếu Tuấn cần được mẹ chăm sóc do bệnh thì đi về trong ngày, còn em gái ở bán trú tại trường, bố mẹ có thời gian lao động sản xuất”.
Sau khi nghe các thầy cô phân tích, chị Vạng lựa chọn phương án đưa đón Tuấn về trong ngày còn em gái sẽ ở lại trường. Thầy cô cũng đề xuất với mẹ Tuấn nên cùng với một gia đình khác gần nhà thay phiên nhau đưa đón sẽ bớt được thời gian. Nghe đến đây chị Vạng mỉm cười: "Các thầy cô tính cùng, chứ mình tôi không nghĩ ra được”.
Cùng với Xuân Tầm, Lâm Giang cũng là địa phương chịu nhiều tác động của QĐ 861 và QĐ 433. Theo đoàn cán bộ xã và các thầy cô giáo Trường Tiểu học Lâm Giang và Trường THCS Lâm Giang tới từng nhà học sinh tuyên truyền về những tác động của những thay đổi chính sách, chúng tôi không khỏi khâm phục sự kiên nhẫn, cùng những tính toán khoa học của các thầy cô vốn chỉ là những người dạy chữ. Gia đình anh Triệu Quang Minh ở thôn Khay Dạo có 4 con học từ lớp 2 đến lớp 9.
Giáo viên Trường Tiểu học Lâm Giang và Trường THCS Lâm Giang tới động viên gia đình anh Triệu Quang Minh, thôn Khay Dạo khắc phục khó khăn cho con tới trường.
Khi chế độ bán trú không còn thì nỗi lo cơm áo cho con tới trường nặng thêm. Trong buổi tới thăm nhà, thầy Dương Cao Thủy - Hiệu trưởng Trường THCS Lâm Giang chia sẻ cùng vợ chồng anh Minh: "Hai bạn lớn có thể tự đi về trong ngày, còn 2 bạn nhỏ thì cho ở tại trường. Các bác ở xã đã vận động hỗ trợ thuê người nấu cơm nên các bạn bé ở lại trường được chăm sóc như ở nhà, trường vẫn có đầy đủ giường, chiếu, chăn màn cho các con học tại trường. Nếu khó khăn đóng tiền ăn cho đứa nhỏ thì cứ nuôi đàn ngan, mỗi tháng bán một con ngan là gần đủ tiền đóng học cho một đứa. Còn nếu khó khăn gì cứ trao đổi, nhà trường và chính quyền địa phương sẽ tìm cách tháo gỡ dần với sự hỗ trợ của cộng đồng”.
Nghe các thầy cô phân tích, anh Minh cảm thấy nhẹ nhàng hơn: "Thầy Thủy nói vậy mình yên tâm hơn rồi! Vợ chồng mình cũng cố gắng làm thêm cho con đi học”. Ở phía ngoài thôn Khay Dạo, bà Lý Thị Nỏn đang nuôi 3 cháu nội, ngoại. Biết tin các cháu sẽ không còn được ở bán trú, bà lo năm học tới các cháu không thể tới trường.
Thầy Nguyễn Trọng Hiệp - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lâm Giang chia sẻ: "Chúng tôi phân tích cho gia đình cho em lớp 2 ăn ở tại trường, thầy cô chăm sóc, còn cháu lớp 4 và lớp 6 nhà trường sẽ vận động xin cho mỗi em một chiếc xe đạp để đi về vì từ nhà tới trường hơn 5 ki lô mét”.
Quyết tâm chính trị cao
Huyện Văn Yên xác định QĐ 861 và QĐ 433 là một chủ trương lớn, phù hợp với quy luật phát triển của xã hội; thúc đẩy người dân nỗ lực vươn lên xóa đói giảm nghèo; giảm áp lực chi từ nguồn ngân sách của Nhà nước.
Tuy nhiên, trước mắt có tác động rất lớn đến đời sống của một bộ phận nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đặc biệt là chế độ, chính sách đối với các em học sinh. Những tác động này ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ huy động học sinh ra lớp, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần; từ đó tác động trực tiếp đến chất lượng giáo dục, phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
Với quyết tâm cao, huyện Văn Yên đã triển khai bài bản từ huyện tới các xã, các thôn bản và nêu cao tinh thần tiên phong gương mẫu của đảng viên. Việc đầu tiên làm ngay đó là rà soát thống kê lập danh sách các đối tượng bị tác động; tổ chức hội nghị chuyên đề vừa để tuyên truyền các chính sách mới vừa để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cùng với phương thức ấy, đảng ủy các xã chịu tác động cũng làm bài bản với quan điểm là triển khai từ trên xuống.
Ông Vũ Văn Hải - Bí thư Đảng ủy xã Lâm Giang chia sẻ: "Phát huy ý chí tự lực tự cường, không trông chờ ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề vận động cán bộ, công chức trên địa bàn xã, kể cả cán bộ bán chuyên trách cấp xã, thôn mỗi tháng ủng hộ 0,5% lương để thuê người nấu ăn tại trường và thu hút vận động con em nhân dân trở lại các điểm bán trú đã được đầu tư xây dựng".
"Những trường hợp đặc biệt khó khăn, Đảng bộ vận động các cơ quan, tổ chức đỡ đầu, như công an chính quy tại xã nhận đỡ đầu 1 cháu đi học và hộ đó chỉ phải nuôi 1 người con đi học. Đồng thời, kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trên địa bàn đỡ đầu và không được nữa thì sẽ giao cho các ngành, mỗi ngành đỡ đầu 1 cháu” - ông Hải chia sẻ.
Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tuyên truyền vận động từ bí thư chi bộ thôn, đảng viên các chi bộ vùng sâu vùng xa, thành viên ban mặt trận thôn tới người dân… định hướng người dân chủ động khắc phục những khó khăn đơn giản, tích cực phát triển kinh tế để tham gia đóng góp với nhà trường, với chính quyền địa phương, không trông chờ ỷ lại toàn bộ vào sự bao cấp của Nhà nước.
Đó là cách làm của huyện Văn Yên trong triển khai thực hiện QĐ 861 và QĐ 433. Chính từ nhận thức này, bà con sẽ tự nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững chứ không trông chờ vào chế độ bao cấp của Nhà nước.
Bà Lã Thị Liền - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "Văn Yên xác định không để học sinh nào không được đến trường vì khó khăn bởi tác động của QĐ 861, QĐ 433. Chúng tôi cũng xác định đây là cơ hội phát huy ý chí tự lực tự cường của cả hệ thống chính trị, lan tỏa, khơi dậy ý chí tự lực tự cường của mỗi người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS chủ động vươn lên khắc phục khó khăn, loại bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước. Văn Yên quyết tâm và tin tưởng rằng năm học mới 100% học sinh sẽ ra lớp đầy đủ”.
Phát huy bài học về ý chí tự lực tự cường và khát vọng vươn lên xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc của Bác là giải pháp tối ưu để triển khai thành công QĐ 861 và QĐ 433 của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên. Tư tưởng trông chờ ỷ lại vào chính sách sẽ được loại bỏ, thoát nghèo sẽ bền vững, từng bước xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp hơn.
Thanh Ba