Năm học 2021-2022 là một năm học đặc biệt với muôn vàn khó khăn đang bủa vây nhiều địa phương trên cả nước bởi phải dạy và học trực tuyến ngay từ những ngày đầu của năm học.
Chính vì thế, Bộ Giáo dục cũng đã phải ban hành Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (trung học cơ sở, trung học phổ thông) năm học 2021-2022 thay thế Công văn 3280/BGDĐT-GDTrH ngày 27/8/2020 nhằm tiếp tục giảm tải nội dung dạy học.
Số tiết học trong tuần cũng đã được giảm xuống, thời gian các tiết học trực tuyến đã phải giảm bớt từ 10-15 phút để chỉ còn 30-35 phút/ 1 tiết học để không gây quá tải cho học trò khi phải trước màn hình quá lâu.
Những thay đổi này giúp cho các nhà trường học đang dạy trực tuyến giảm bớt áp lực và quá tải trước một hình thức, phương pháp học tập hoàn toàn mới so với những năm trước đây. Vậy nhưng, một số hoạt động chuyên môn, phong trào vẫn được ngành giáo dục ở nhiều địa phương duy trì, trong đó có cả việc thực hiện các tiết thao giảng…trực tuyến để Hội đồng bộ môn dự giờ.
Thao giảng trực tuyến lúc này không giải quyết được vấn đề gì
Hiện nay, mỗi môn học đều có Hội đồng bộ môn cấp huyện, cấp tỉnh và hàng năm thường thực hiện từ 2-4 tiết thao giảng chuyên đề, những tiết thao giảng chuyên đề do Hội đồng bộ môn phân công thường được các trường chú trọng đầu tư hơn cả.
Việc thao giảng Hội đồng bộ môn được phân công cho một số tổ chuyên môn ở các trường học thực hiện hàng năm thường rất áp lực vì người được phân công đứng lớp không chỉ phải chuẩn bị về chuyên môn, phương pháp mà tâm lý cũng phải vững vàng mới đứng thao giảng được.
Nhìn hàng mấy chục con người từ các trường trong huyện (thao giảng cấp huyện) trong tỉnh (thao giảng cấp tỉnh) vào lớp dự khiến cho một số giáo viên tâm lý yếu dễ dàng mất bình tĩnh. Vì thế, những tiết thao giảng Hội đồng bộ môn thường được các trường lựa chọn những thầy cô phải thực sự bản lĩnh để đứng dạy tiết học này.
Dự giờ xong thì đến phần góp ý, mổ xẻ những điểm được và chưa được của tiết thao giảng. Nói chung những tiết thao giảng như thế này vừa cực mà thậm chí còn thêm buồn phiền từ những góp ý của đồng nghiệp trên địa bàn.
Nhưng, đó là chuyện thao giảng trong điều kiện bình thường còn năm nay nhiều tỉnh đang dạy học trực tuyến thì các Hội đồng bộ môn có thực hiện thao giảng chuyên đề hay không?
Hiện nay, nhiều tỉnh đang dạy và học trực tuyến vẫn triển khai việc tổ chức các tiết thao giảng Hội đồng bộ môn. Tuy nhiên, cái khác là thực hiện thao giảng…trực tuyến.
Khi triển khai kế hoạch thì tất nhiên các trường phải chấp nhận nếu được phân công đứng ra xây dựng và thực hiện các tiết thao giảng chuyên đề. Tuy nhiên, có lẽ trong thâm tâm những thầy cô được giao nhiệm vụ không mấy vui vẻ khi đảm nhận những tiết thao giảng trong điều kiện như thế này.
Bởi, dạy và học trực tuyến đã là tình huống bất khả kháng rồi, học sinh không thể đến trường học tập, phải học tập ở nhà qua các phần mềm nên những khó khăn là điều không tránh khỏi.
Mỗi tiết học chỉ có 30-35 phút, các môn học đều giảm tải theo nguyên tắc giữ lại yêu cầu cần đạt, điều này cũng đồng nghĩa những yêu cầu khó, cao đều được giảm đi để các bài học nhẹ nhàng hơn trong điều kiện dịch bệnh và học sinh không thể đến trường.
Vậy, những địa phương đang triển khai dạy và học trực tuyến có cần thiết phải thao giảng Hội đồng bộ môn bằng hình thức trực tuyến hay không? Chúng tôi cho rằng nó không cần thiết.
Bởi, mỗi lớp học hơn 40 học sinh đang học tập bình thường thì giờ đây thêm chừng ấy con người vào dự giờ, quan sát việc dạy và học để "học hỏi” và cũng để tìm ra những hạn chế để đóng góp, rút kinh nghiệm.
Nhưng, sau mỗi tiết thao giảng như thế này thì giáo viên ở các trường sẽ học hỏi được điều gì hay chỉ tạo áp lực cho đơn vị đứng ra thao giảng mà đặc biệt là giáo viên trực tiếp giảng dạy tiết học này?
Nên giảm tải những hoạt động, phong trào không cần thiết khi dạy và học trực tuyến
Việc dạy và học trực tuyến đã là một áp lực cho nhiều thầy cô giáo và học sinh ở các nhà trường. Vì thế, chúng tôi cho rằng các địa phương không nên tổ chức thao giảng trực tuyến làm gì vì thực tế giáo viên dự giờ các tiết này cũng khó học hỏi được điều gì mà tạo áp lực cho giáo viên đứng lớp.
Không chỉ nên dừng lại các tiết thao giảng trực tuyến mà các phong trào như thi học sinh giỏi văn hóa ở cấp trung học cơ sở cũng nên dừng lại.
Các hội thi chủ nhiệm giỏi, thi giáo viên dạy giỏi các cấp ở những khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội, đang phải dạy và học trực tuyến cũng nên tạm dừng.
Lúc này, các địa phương không thể đến trường dạy và học trực tiếp chỉ nên tập trung vào các hoạt động dạy và học trên lớp cho tốt là đã thành công lắm rồi vì nhiều môn học nhiều tiết/ tuần hiện nay rất áp lực.
Nhiều giáo viên phải soạn hàng chục giáo án/tuần cũng đã và đang quá tải cho họ, cộng thêm một số phong trào khác khiến cho cả tổ chuyên môn phải chi phối các hoạt động dạy học của mình.
Trong khi, giáo viên đang dạy trực tuyến thì có quá nhiều công việc. Họ vẫn phải thực hiện các hoạt động dạy và học, vẫn phải thực hiện việc báo cáo hàng ngày, phải thu các khoản tiền theo quy định. Rồi trong lớp, có những học sinh không thể tham gia học trực tuyến, phải phô tô bài vở đem đến cho học trò…
Vì thế, những hoạt động như thao giảng Hội đồng bộ môn, ôn thi học sinh giỏi, thi giáo viên giỏi, chủ nhiệm giỏi không cần thiết phải tổ chức trực tuyến làm gì. Xét cho cùng- đây là những hoạt động thường niên, năm học này khó khăn không tổ chức được thì năm sau tổ chức.
Tổ chức trực tuyến không chỉ hiệu quả thấp mà thực tế tạo ra rất nhiều áp lực cho thầy và trò ở các nhà trường. Hy vọng, các Sở, Phòng Giáo dục ở một số địa phương cần có những bàn bạc, chỉ đạo thấu đáo để những hoạt động dạy học, hội thi hướng tới chất lượng chứ không cần thiết phải tổ chức bằng mọi giá.
(Theo GDVN)