Ngăn chặn bạo lực học đường cần các giải pháp đồng bộ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/11/2021 | 1:54:03 PM

YênBái - Bạo lực học đường đã trở thành mối quan tâm của nhà trường, gia đình và sự trăn trở của toàn xã hội. Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), trung bình một năm học toàn quốc xảy ra 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau (bình quân 5 vụ/ngày) và có chiều hướng gia tăng; không ít vụ bạo lực học đường xảy ra đã vượt quá giới hạn là các xô xát thông thường giữa học sinh với nhau, trở thành các vụ việc vi phạm pháp luật.

Tạo nhiều sân chơi bổ ích phù hợp với lứa tuổi giúp các em học sinh gắn kết và khẳng định được bản thân. Trong ảnh: Học sinh Trường Phổ thông DTNT THCS Văn Chấn trao đổi ý tưởng trình bày cho gian hàng tại Ngày hội sách của trường.
Tạo nhiều sân chơi bổ ích phù hợp với lứa tuổi giúp các em học sinh gắn kết và khẳng định được bản thân. Trong ảnh: Học sinh Trường Phổ thông DTNT THCS Văn Chấn trao đổi ý tưởng trình bày cho gian hàng tại Ngày hội sách của trường.

Bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở đối tượng học sinh nam mà còn cả ở học sinh nữ. Đáng tiếc hơn là những hành vi chửi bới, lăng mạ, giật tóc, tát tới tấp vào mặt… lại bị lan truyền trên các trang mạng xã hội. Buồn hơn nữa là trong tiếng van xin của người bị đánh là sự cổ vũ hả hê của nhiều bạn bè đứng xem xung quanh. Những clip này là cú sốc lớn với phụ huynh và toàn xã hội khi tất cả mọi người nghĩ rằng con em mình đang chuyên tâm học hành tại trường. 

Trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong thời gian qua cũng đã xảy ra một số vụ bạo lực học đường bên ngoài trường học để lại những hậu quả đáng tiếc cho không ít học sinh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nạn bạo lực học đường. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, các em học sinh tiếp xúc rất sớm với Internet. 

Do ảnh hưởng từ môi trường có tính bạo lực như phim ảnh, sách báo, game bạo lực, đồ chơi mang tính bạo lực… những hình ảnh này được phát tán công khai trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến tâm lý của các em. 

Mặt khác, lứa tuổi học sinh đang có sự phát triển về tâm lý và thể chất. Đôi khi, có em học sinh do thể chất phát triển nhanh hơn tâm lý và trí tuệ đã dẫn đến những sự việc mang tính bột phát và để lại những hậu quả đau lòng. Và việc ngăn chặn bạo lực học đường đòi hỏi giải pháp quyết liệt từ nhiều phía, được các nhà trường trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai. 

Đó là những buổi ngoại khóa, đan xen với chương trình văn nghệ, các hoạt động tình nguyện, ủng hộ… nhằm đề cao tinh thần sẻ chia, đùm bọc… giúp các em giải tỏa tinh thần, giảm áp lực trong học tập, hơn hết là gắn kết, yêu thương mái trường, thầy cô, bè bạn. 

Chú trọng nâng cao vai trò của đội ngũ giáo viên đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm trong việc nắm bắt tâm tư tình cảm, kịp thời phát hiện và giúp học sinh giải quyết những mâu thuẫn học đường. 

Nhà trường cũng chủ động trao đổi thông tin với gia đình học sinh để nắm bắt tình hình cũng như những biểu hiện của học sinh để có biện pháp giải quyết ngay khi học sinh có biểu hiện hành vi tiêu cực và bạo lực. Từ đó có các phương án xử lý thích hợp, mang tính răn đe và phòng ngừa chung, nhưng cũng luôn tạo cơ hội để học sinh vi phạm hiểu và sửa đổi. 

Đặc biệt, hiện nay phong trào xây dựng "Trường học hạnh phúc” đang được đẩy mạnh, đây là yếu tố tích cực giúp học sinh thấy rõ hơn giá trị yêu thương, tôn trọng, an toàn. Các nhà trường, thầy cô giáo có nhiều nỗ lực xây dựng cho các em học sinh môi trường học tập an toàn và hạnh phúc. 

Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Thị Huyền - giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái chia sẻ: "Ở lứa tuổi từ 12 đến 18 tuổi các em có nhu cầu cao trong việc được khẳng định bản thân. Nhiều em lựa chọn được hướng đi đúng là khẳng định bản thân trong học tập, hay các hoạt động tích cực khác. Song nhiều em do không được định hướng, nhận thức sai lầm nên lại có xu hướng khẳng định bản thân trong việc thể hiện uy lực với những người yếu thế hơn, do đó dễ xảy ra tình trạng bạo lực trong học sinh. Do đó, nhà trường, các tổ chức đoàn thể cần tạo nhiều sân chơi cho học sinh được khẳng định bản thân. Cha mẹ cũng cần hiểu mỗi đứa trẻ có một năng lực khác nhau nên cần tìm hiểu để giúp con phát triển đúng. Những giải pháp này cần được làm thường xuyên, liên tục, cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội”.

Như vậy, giải pháp căn cơ để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường không chỉ là sự chủ động của các nhà trường, là xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện; đó còn là sự gắn kết giữa 3 "nhà” - nhà trường, gia đình và xã hội. 

Trong đó, nhà trường giữ vai trò định hướng, uốn nắn những hành vi của học sinh theo chuẩn mực chung. Gia đình và xã hội là môi trường vun đắp, nuôi dưỡng, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành giá trị đạo đức cho học sinh. 

Đặc biệt, tấm gương về đạo đức, lối sống của cha mẹ và thầy cô giáo luôn có ý nghĩa và hiệu quả hơn rất nhiều bài học lý thuyết về đạo đức mà học sinh được học. Có như vậy mới mang lại hiệu quả thiết thực trong việc ngăn chặn bạo lực học đường.

Thanh Vy

Các tin khác
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trao Giấy khen cho giáo viên có thành tích cao trong năm học 2022 - 2023.

Theo kế hoạch, UBND tỉnh Yên Bái sẽ tổ chức Lễ Tuyên dương, khen thưởng 221 học sinh, giáo viên có thành tích xuất sắc năm học 2023 - 2024 vào trung tuần tháng 5/2024.

Năm 2024 sẽ có tất cả 20 phương thức xét tuyển đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể. Để hiểu rõ hơn mời độc giả tham khảo bài viết dưới đây.

Từ tháng 11-2024 sẽ có nhiều điểm mới trong thủ tục công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp.

Tối 3-5, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Thông tư số 07/2024/T-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung và thay thế một số phụ lục của Thông tư số 13/2021/TTBGDĐT quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam.

Giờ ôn tập môn Ngữ Văn của cô và trò Trường THPT Mai Sơn.

Cũng như nhiều trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các trường trung cấp trên địa bàn tỉnh, các trường THPT trên địa bàn huyện Lục Yên đang tập trung ôn luyện cho học sinh để Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 đạt kết quả cao nhất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục