Thầy cô không chỉ là người trao truyền kiến thức cho học sinh mà đóng vai trò là người sẻ chia, ươm mầm ngọn lửa nhiệt huyết trong mỗi học trò để luôn hướng đến những giá trị tích cực.
Mô hình "Trường học hạnh phúc” đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai ở nhiều địa phương với ba giá trị cốt lõi là: yêu thương, an toàn và tôn trọng. Trong mô hình ấy, thầy cô giữ vai trò là người dẫn đường, truyền cảm hứng, cùng học sinh xây dựng trường học hạnh phúc.
Giờ chào cờ trung tuần tháng 11 của các em học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt, thành phố Yên Bái được bắt đầu bằng chương trình văn nghệ do các em học sinh lớp 10 và Câu lạc bộ Ngữ văn thực hiện. Tác phẩm Chí Phèo được sân khấu hóa ngay trên sân khấu của nhà trường và diễn viên chính là các em học sinh.
Với lối diễn tự nhiên, gần gũi đã mang tới những tiếng cười sảng khoải cho cả thầy và trò trong ngày đầu tiên của tuần mới. Sau vở diễn, các bạn trong Câu lạc bộ có đưa ra 5 câu hỏi xoay quanh tác phẩm Chí Phèo để học sinh toàn trường cùng thảo luận.
Sự hào hứng tham gia thảo luận của học sinh khiến các thầy cô vừa ngỡ ngàng bởi trí tưởng tượng và tư duy vô cùng phong phú của học sinh, vừa hạnh phúc vì đã tạo được sân chơi khiến học trò say mê góp phần trau dồi kiến thức.
Cô giáo Nguyễn Lê Ninh - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Những năm gần đây nhà trường tổ chức nhiều câu lạc bộ như: CLB Ngữ văn, Lịch sử, Toán học, STEM, CLB Sử dụng tiếng Anh… Mô hình CLB hoạt động rất hiệu quả dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giáo. Các em đã vận dụng tốt bài học vào các hoạt động của CLB và hoạt động của CLB cũng đã bổ trợ rất tốt vào quá trình tiếp thu bài học của học sinh. Nhiều khi chúng tôi rất bất ngờ với sự sáng tạo của các em trong mỗi giờ học”.
Những giờ học ở Trường THPT Lý Thường Kiệt giờ không còn bó hẹp trong không gian của sách, vở, nhờ những trang thiết bị dạy học hiện đại, cùng với sự dẫn dắt của thầy cô. Những lớp học xuyên biên giới, liên tỉnh được tổ chức trong sự nỗ lực của giáo viên và sự hào hứng của học sinh. Các thầy cô chủ động sáng tạo tổ chức các hoạt động.
Cô Ngô Thị Xuân Hoa - giáo viên môn Tiếng Anh chia sẻ: "Các bài giảng thiết kế làm sao để học sinh có thể tham gia nhiệt tình nhất, tạo hứng thú cho học sinh. Nhiều hôm thiết kế bài giảng đến khuya mất khá nhiều thời gian, cũng rất mệt. Nhưng khi lên lớp, thấy học sinh hứng thú với bài học thì bao nhiêu mệt mỏi tan biến, tạo động lực cho tôi tiếp tục sáng tạo. Chúng tôi luôn trao cho học sinh phần nào cơ hội được chuẩn bị bài, được tham gia vào bài giảng, từ đó phát hiện ra năng lực, sở trường của từng em, qua đó định hướng để các em lựa chọn tương lai phù hợp”.
Là giáo viên công tác trong ngành giáo dục 23 năm, cô giáo Lê Phương Nam đã gắn bó với nhiều thế hệ học sinh và cũng chứng kiến rõ nhất những chuyển biến qua các giai đoạn lịch sử của sự nghiệp giáo dục, nhưng cô Nam cho biết chưa lúc nào cô cảm nhận rõ nhất sức ảnh hưởng của giáo viên với học sinh rõ rệt như hiện nay.
Một giờ học của cô và trò Trường THPT Lý Thường Kiệt.
Cô Lê Phương Nam chia sẻ: "Trong 2 năm gần đây thực hiện phong trào xây dựng trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc bản thân tôi có nhiều thay đổi. Dù trong bất kỳ giai đoạn nào thầy cô luôn dành cho học trò tình yêu thương vô bờ và điều đó càng rõ nét hơn ở hiện tại, đó là khi tình yêu thương, gần gũi, khoảng cách giữa thầy và trò được rút ngắn lại và con đường trao truyền kiến thức cho học sinh theo đó cũng gần hơn, giúp các em phát triển được năng lực bản thân. Tôi luôn tâm niệm rằng mình gần gũi, yêu thương học sinh để khơi gợi những năng lượng tích cực trong giờ học, để các em được chia sẻ, động viên, thêm gắn bó với mái trường và có sự định hướng tốt hơn cho tương lai của các em”.
Cảm giác vui vẻ và hạnh phúc khi được tới trường là cảm nhận của hầu hết các em học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt. Thầy cô khi làm người dẫn đường, khi lại là người đứng bên cổ vũ học sinh khám phá chân trời mới. Nhiều học trò đã xem thầy cô như người cha, người mẹ thứ hai của mình.
Em Phan Mai Anh - Lớp 12A2 chia sẻ: "Trường em vui lắm, có nhiều hoạt động được gắn kết, thầy cô rất nhiệt tình và thoải mái với học sinh. Cùng với đó, cơ sở vật chất nhà trường rất tốt. Em yêu trường em!”.
Còn em Tạ Xuân Tú - Lớp 10A2 chia sẻ: "Thầy cô gần gũi lắm ạ! Giờ học nào cũng vui, hoạt động ngoại khóa lại còn vui hơn. Nhờ đó mà em cảm thấy việc học không áp lực nhưng em xác định được trách nhiệm với chính bản thân mình”.
Ở Trường THPT Cảm Ân, huyện Yên Bình có một tư tưởng xuyên suốt rằng xây dựng "Trường học hạnh phúc” là "Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới”. Chính vì vậy, mỗi sáng đến trường, các thầy cô ở đây luôn tự hỏi bản thân hôm nay mình có bình yên, mình có đủ năng lượng không? Nếu chưa đủ cần phải bổ sung, làm mới mình để khi lên lớp sẵn sàng trao truyền những điều tốt lành đến học sinh.
Nhà trường xác định, để có "Trường học hạnh phúc” đó là cả chặng đường dài, phải tiến hành các biện pháp tích cực thường xuyên, liên tục, phù hợp, trong đó thầy cô đóng vai trò là người dẫn đường, truyền cảm hứng cho học sinh.
Cô giáo Lưu Khánh Linh - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Nhà trường xác định, thầy cô là gốc rễ của mọi sự thành công trong việc thực hiện các nhiệm vụ giáo dục. Chính vì vậy, khâu đoàn kết, thống nhất nội bộ là nhiệm vụ tiên quyết. Nhà trường nắm bắt tâm tư, tình cảm, lắng nghe những đề xuất, nguyện vọng trên cơ sở kiểm chứng và sàng lọc thông tin; từ đó đáp ứng những nhu cầu chính đáng, kịp thời biểu dương, ghi nhận và tôn vinh những tấm gương điển hình, những thành tích xuất sắc, những ý tưởng giáo dục tích cực... Việc quan tâm, chăm lo đến đời sống của cán bộ, giáo viên, nhân viên đã góp phần củng cố niềm tin yêu của đội ngũ với nhà trường”.
Thi đấu thể thao chào mừng kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường THPT Cảm Ân.
Bên cạnh việc đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với từng kiểu bài và từng đơn vị kiến thức, tạo không khí vui vẻ, nhẹ nhàng trong các tiết học, hình thức kiểm tra, đánh giá cũng được đổi mới theo hướng phát triển năng lực học sinh, nhà trường tổ chức, khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa nhằm tăng cường sức khỏe, giải tỏa mệt mỏi sau những giờ học căng thẳng thông qua các hoạt động thể dục, thể thao.
Cùng với đó là bồi dưỡng năng khiếu và tài năng sáng tạo của học sinh từ các buổi sinh hoạt CLB hay các cuộc thi. Tạo cơ hội để học sinh phát triển các kỹ năng cần thiết như giao tiếp, xử lý tình huống, làm việc nhóm, tôn trọng sự khác biệt cá nhân…
Cô giáo Lê Minh Ngọc - Bí thư Đoàn trường chia sẻ: "Nhà trường hiện tổ chức nhiều CLB như Văn học, Phát thanh và truyền thông... phục vụ trực tiếp cho học sinh, tạo điều kiện cho các em học sinh được thể hiện tối đa các phẩm chất, năng lực vốn có của mình. Giờ chào cờ đã được đổi mới thành những buổi sinh hoạt văn hóa của các câu lạc bộ, của đội văn nghệ xung kích, tổ chức các trò chơi dân gian, hiện đại...”.
Nhờ đó mà học sinh nhà trường luôn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc mỗi ngày tới trường. Em Lã Thị Hằng - Lớp 12A1 chia sẻ: "Chúng em cảm nhận được rất rõ từ cô hiệu trưởng đến các các cô chú làm công tác bảo vệ, lao công trong nhà trường luôn thân thiện, ứng xử với chúng em bằng ngôn ngữ hỏi han, ân cần. Thầy cô luôn vui vẻ, nhiệt huyết và luôn truyền cảm hứng tốt đẹp nhất cho học sinh. Em cảm thấy được yêu thương, lắng nghe, chia sẻ rất nhiều, không còn gò bó, cứng nhắc, được tự do phát triển về tư duy nhận thức và kỹ năng xã hội được nâng cao”.
Vijaya Lakshmi Pandit - nữ chủ tịch đầu tiên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào năm 1965 đã từng viết: "Mục tiêu của giáo dục không phải là dạy cách kiếm sống hay cung cấp công cụ để đạt được sự giàu có, mà đó phải là con đường dẫn lối tâm hồn con người vươn đến cái Chân và thực hành cái Thiện”. Trường học hạnh phúc đã không còn là khái niệm xa vời hay ngôi trường mơ ước nữa, trường học hạnh phúc ở Yên Bái là những ngôi trường có thật nhờ sự dẫn đường, kết nối của thầy cô nên ở đó chỉ có niềm vui thầy trò, bạn bè dành cho nhau.
Thanh Ba