Vì mục đích kiếm lời nên nhiều kẻ bất chấp pháp luật tham gia vào các đường dây sản xuất, vận chuyển, mua bán trái phép các chất ma túy. Sự đa dạng về chủng loại và sức tàn phá cơ thể người dùng cả về thể xác lẫn tinh thần, gây nhức nhối dư luận xã hội, càng nguy hiểm hơn khi mà thời gian gần đây, các loại ma túy dạng tem giấy, nước si rô, kẹo… len lỏi vào học đường. Nhiều học sinh đã trở thành nạn nhân vì chưa hiểu hết mối hiểm họa từ ma túy hoặc ăn chơi, đua đòi.
Một nghiên cứu của Bộ Công an cho thấy, trong số hơn 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý của cả nước, độ tuổi dưới 16 tuổi chiếm 0,1%, từ 16 đến dưới 30 tuổi chiếm 48%, nếu tính đến độ tuổi 35 thì tỷ lệ này thậm chí lên đến 76%.
Đặc biệt, ngày nay, với sự xuất hiện ngày càng phổ biến, đa dạng về chủng loại, giá thành ngày càng rẻ, dễ cất giấu, sử dụng, tính độc hại cao của ma túy tổng hợp, nhiều em 13-14 tuổi đã sử dụng ma túy. Thực trạng trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ ma túy xâm nhập học đường.
Trao đổi với các cán bộ cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy Công an tỉnh Yên Bái, chúng tôi được biết, ngoài các loại ma túy như thuốc phiện, hêrôin, cần sa, cỏ Mỹ, ke-ta-min (ma túy đá). Yên Bái chưa ghi nhận các loại ma túy dạng tem giấy, si rô, kẹo… nhưng chúng ta cũng không thể lơ là, mất cảnh giác.
Như đã nói ở trên, những kẻ mua bán trái phép các chất ma túy sẽ luôn áp dụng mọi thủ đoạn tinh vi để nhằm mục đích kiếm lời, trong khi những loại ma túy kiểu này dễ cất giấu, dễ trao đổi và khó bị phát hiện. Các em học sinh THCS, THPT thường tò mò, hiếu động, một bộ phận các em xuất hiện tình trạng đua đòi, thích thể hiện, đặc biệt là con em một số gia đình có điều kiện về kinh tế, cha mẹ mải mê làm ăn, ít quan tâm hoặc giáo dục, quản lý không đúng cách…
Chị Nguyễn Lan Hương ở phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái chia sẻ: Các bậc phụ huynh có con độ tuổi mới lớn như chúng tôi không thể không lo lắng trước vấn nạn ma túy, nhất là tình trạng ma túy đang có dấu hiệu tấn công vào học đường và độ tuổi sử dụng ma túy đang có dấu hiệu trẻ hóa như hiện nay.
"Bản thân tôi vẫn nghe thấy những câu chuyện như, học sinh cấp 2 tụ tập hút thuốc lá điện tử, anh chị lớn hơn thì hút shisha, hít bóng cười… Vậy là, khoảng cách đến với các loại ma túy đang đến gần. Bên cạnh thủ đoạn dụ dỗ, kích bác, lôi kéo, rồi tổ chức tiệc tùng cho dùng thử, những kẻ táng tận lương tâm còn thực hiện việc tiêm nhiễm ma túy cho các em hoc sinh thông qua các loại ma túy như si rô, kẹo…” - chị Hương nói.
Trước vấn nạn của ma túy và nguy cơ ma túy tấn công vào học đường, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác đấu tranh, ngăn chặn, triệt phá những đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, triệt phá những ổ nhóm, tụ điểm mua bán các chất ma túy, xử lý nghiêm minh tội phạm về ma túy, chúng ta cần có giải pháp tích cực hơn trong việc ngăn chặn ma túy tấn công vào học đường; trong đó, giúp giới trẻ hiểu rõ tác hại của ma túy, nhận thức được những thủ đoạn của loại tội phạm nguy hiểm này (rủ rê, gạ gẫm, lôi kéo, khích bác…) để các em học sinh - tương lai của đất nước tránh xa thứ nguy hiểm và độc hại này.
Lê Phiên