Khi nhỏ tôi không hoàn toàn là trò ngoan, trò giỏi. Cũng giống như bao đứa trẻ thời ấy, việc tự giác học quả là một khó khăn đối với chúng tôi trong khi bụng còn chưa no, áo chưa đủ ấm và còn bao điều thú vị, hấp dẫn diễn ra ngoài ô cửa sổ lớp học. Những giờ học dài lê thê, những lời cô nói sao mà lâu quá mức.
Tôi nhớ đến cảm giác sợ sệt khi phải cầm bút viết những nét chữ đầu tiên vừa nguệch ngoạc vừa lem nhem. Nhớ mỗi lần lần cô đi tới, đi lui và dừng lại bất chợt kiểm tra vở tập viết, để rồi sau đó là cái ngoéo tai hoặc người bật nảy lên khi tiếng cái thước đánh xuống bàn kêu chan chát ngay bên cạnh. Khi ấy mồ hôi nhỏ thành từng giọt, trái tim dường như rơi tụt xuống tận gan bàn chân lan đến từng đầu ngón chân nóng rực để rồi đầu óc trở nên trống rỗng, mờ mịt. Lúc ấy tôi thực sự không muốn đi học.
Tôi không yêu cô giáo, tôi sợ những bài toán, những bài văn viết. Lòng tôi giận cô, tôi chỉ muốn nghỉ học và phản ứng dữ dội mỗi khi bố mẹ giục đến trường. Thế rồi chuyện gì đến sẽ đến và tôi sẽ nhớ mãi về cô. Và từ đó, tôi bắt đầu thay đổi.
Hôm đó, trong giờ học Văn, cô giáo yêu cầu mỗi người hãy tả về một người mà em yêu quý nhất. Cô gợi ý, người được tả có thể là bố, mẹ, ông, bà, cô giáo, anh, chị, em… miễn sao bài văn phải tả chân thực về các nét ngoại hình, tâm thế, tính cách, hành động, lời nói và thể hiện rõ tình cảm của mình với nhân vật được tả. Thế là tôi cắm đầu cắm cổ vào viết.
Bài viết của tôi là chọn tả về cô giáo chủ nhiệm. Tôi đã viết gì giờ thì không còn nhớ lắm, nhưng lời mở đầu bài viết tôi lại nhớ rất rõ "Bài viết này em xin tả về cô giáo chủ nhiệm lớp 4B, Trường cấp 1+2C… Cô giáo có làn da ngăm đen, mái tóc xù đen, mũi đỏ, bụng to như cái trống (khi ấy cô đang có thai), tính nóng như lửa, ác hơn mụ dì ghẻ của nàng Bạch Tuyết, chính vì cô mà ngày nào em cũng bị bố mẹ đánh đòn, phạt làm việc nhà. Ở lớp cô bắt em chép nhiều bài hơn các bạn, nhiều lần bắt úp mặt vào tường và cho về muộn nhất lớp. Nhưng em cũng biết cô có tật xấu là hái trộm chuối xanh của nhà trường và giấu khế xanh, ổi xanh vì ngăn bàn cô có hạt. Em mong cô sớm nghỉ đẻ để được thay cô giáo khác...”.
Sau buổi làm bài văn đó tôi trốn học theo đám bạn đi chơi tới tối mịt mới về. Hôm đó, vừa đến cổng tôi phát hiện thấy chiếc xe đạp của cô dựng ở cửa nhà, toan định chạy đi thì đúng lúc bố tiễn cô đi ra. Bố gọi tôi lại, dù lơ mơ biết mình có tội, nhưng tôi cũng nhận ra mắt cô đỏ hoe, còn bố thì luôn miệng xin lỗi và hứa sẽ dạy bảo tôi. Tôi sợ run người trong lòng đoán chắc trận lôi đình sẽ xảy ra. Nhưng thật không ngờ, cô ôm lấy tôi, còn tôi lí nhí nói lời xin lỗi. Tôi không biết bố và cô đã nói những gì nhưng sau hôm đó cả cô và bố cũng thay đổi cách dạy bảo tôi. Tôi trở lại trường học với tinh thần thoải mái.
Sau lần đó, cô giáo thay đổi hẳn, giờ giảng cô nhiệt tình, sôi nổi, khi rảnh cô còn gọi tôi và các bạn lên hỏi han bài vở làm ở nhà, cô khen tôi thẳng thắn, có con mắt quan sát, cảm xúc chân thực, biết sắp xếp từ ngữ, hành văn mạch lạc nếu biết trau dồi kiến thức thì lớn lên sẽ có thể trở thành cô giáo dạy văn hoặc làm một nhà văn giỏi… Tôi đã có cảm tình với cô. Mãi sau này, khi lớn hơn không còn được học cô nữa tôi đã hiểu ra nhiều điều và biết ơn vô hạn. Nhờ tấm lòng bao dung của cô, tôi đã trở thành một trò ngoan, học giỏi.
Lúc ngồi viết những dòng này, nhớ lại những trò tai quái của mình đã mang đến cho cô tôi vô cùng ân hận. Giờ cô đã theo gia đình chuyển vào Nam sinh sống, nhưng mỗi dịp 20/11, tôi đều gọi điện chúc sức khỏe và kể cho cô nghe cuộc sống của mình.
Cô luôn cười nói "Làm sao cô có thể giận và không yêu các em được. Các em chính là những mầm non mà cô là những giọt nước. Nước sạch thì cây non mới phát triển xanh tốt, nước không sạch thì cây non sẽ héo úa và chết non vì sâu bệnh, nhiễm khuẩn mà thối rữa. Chính vì thế mà khi gặp những trò như em cô đều phải suy nghĩ và soi lại bản thân mình. Cô cũng mong các em trưởng thành và sống có nhân đức, có ích cho xã hội. Như vậy là cô rất vui”.
Xin cảm ơn những gì cô đã dìu dắt tôi từ những ngày đầu tiên đi học. Những yêu thương, trân trọng và thành kính nhất là tất cả những gì tôi muốn tấm sự với những người thầy, cô đã dạy dỗ tôi nên người. Xin chúc các thầy cô đã, đang và mai này trở thành thầy cô giáo sức khỏe dồi dào, luôn giữ lửa nhiệt huyết, cống hiện cho nghề mình đã chọn - "nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”.
Thủy Thanh