Chưa đầy mười phút, toàn bộ nội dung kiến thức trong một bài học dài mấy trang sách được tóm gọn bằng một bản đồ dễ nhớ. Phần thời gian còn lại, cô Nguyệt cho các học trò thỏa sức sáng tạo và phát triển ý tưởng liên hệ của mình liên quan đến bài học.
Cô Bùi Thị Nguyệt chia sẻ: "Trước kia dù rất quan tâm các em nhưng sự quan tâm của tôi có phần hà khắc, đôi lúc tôi bắt lỗi các em từ việc gìn giữ sách vở, đến cách làm bài. Tiếp cận những phương pháp giáo dục mới, tôi nhận thấy mình cần phải thay đổi. Một người giáo viên cởi mở, thân thiện, yêu thương lắng nghe học sinh bằng cả trái tim sẽ giúp học sinh nuôi dưỡng cảm xúc tích cực, thay đổi học tập tốt hơn”. Còn đối với giờ học môn Tự nhiên và Xã hội của thầy Lường Văn Thư bắt đầu bằng việc chiếu một video liên quan đến giáo dục truyền thống yêu thương, đoàn kết trong một gia đình.
Từ sự quan tâm, hứng thú của học sinh với video, thầy Thư đặt ra câu hỏi: "Các em có muốn tìm hiểu về các thành viên, thế hệ trong một gia đình không?”. Cả lớp học ai cũng giơ tay đồng ý. Giờ học môn Tự nhiên và Xã hội đã không còn khô khan trong khuôn phép cũ gây tâm lý sợ sệt cho học sinh. Thầy Thư chia sẻ: "Để mỗi bài học môn Tự nhiên và Xã hội thêm sinh động, hấp dẫn tôi thường sưu tầm những video, vật dụng, đồ chơi liên quan tới bài học và thân quen với cuộc sống hàng ngày của học sinh. Những đồ dùng, đồ chơi có ký hiệu, chú thích bằng tiếng Việt, thể hiện nét văn hóa chung của cộng đồng, địa phương và nét riêng của từng lớp học được thầy cô sử dụng đã giúp các em hứng thú trong học tập, tạo điều kiện cho các em chơi mà học, học bằng chơi”.
Không chỉ riêng lớp học của cô Nguyệt hay thầy Thư, tham quan một vòng quanh trường, cảm nhận rõ nét nhất mà chúng tôi thấy là tất cả đều chung bầu không khí say mê học tập, giảng dạy, thân thiện, đoàn kết. Những phương pháp giáo dục mới, tư duy mới và mở được áp dụng tạo nên những thế hệ học trò mới tràn đầy tự tin, năng động, say mê học tập, hòa nhã với bạn bè, không có bạo lực, tôn trọng thầy cô giáo.
Em Mè Thị Như - học sinh Lớp 8 chia sẻ: "Em rất thích múa hát nhưng trước kia lại sợ mình hát không hay bị bạn bè cười chê nên thường rụt rè. Được cô giáo chủ nhiệm động viên, sau vài lần cùng các bạn tham gia văn nghệ của lớp, của trường em dần tự tin hơn. Không chỉ vậy, cô chủ nhiệm còn quan tâm, động viên bồi dưỡng kiến thức, cho em mượn thêm sách tham khảo. Nhờ đó, sau nhiều năm chỉ đạt học sinh tiên tiến thì năm học lớp 7 vừa qua em đã đạt học sinh giỏi. Mỗi ngày, mỗi giờ học chúng em đều hào hứng, say mê”.
Em Mè Văn Doanh - học sinh lớp 9, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi bố, mẹ đi xuất khẩu lao động, em thường xuyên được thầy cô quan tâm, động viên vượt qua hoàn cảnh, vươn lên trong học tập. Doanh tâm sự: "Không còn bố, xa mẹ nhưng em luôn được các thầy cô giáo dành cho sự quan tâm đặc biệt, các thầy cô như người bố, người mẹ thứ hai của em. Em luôn tự hứa sẽ học tập thật tốt để không phụ lòng thầy cô và mẹ em yên tâm lao động nơi xứ người”.
Thầy và trò Trường TH&THCS Bản Hát đã dũng cảm phá vỡ lối mòn, thay đổi bản thân, mạnh dạn áp dụng những phương pháp mới từ đó tạo nên một "trường học hạnh phúc”, một môi trường sư phạm "Yêu thương, an toàn và tôn trọng”.
Cô giáo Trương Thị Thanh - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Triển khai mô hình "Trường học hạnh phúc” chúng tôi xác định các thầy cô giáo sẽ là nhân tố quan trọng, là người truyền cảm hứng tiếp bước học sinh. Mọi xúc cảm riêng biệt, cá tính sáng tạo của thầy và trò được tôn trọng, chứ không bị áp đặt một cách máy móc, rập khuôn. Thầy cô hạnh phúc sẽ thay đổi học sinh hạnh phúc và thay đổi cả thế giới. Năm học 2020 - 2021, khối tiểu học nhà trường có 98,85% học sinh lên lớp, khối THCS có 100% học sinh được đánh giá về năng lực phẩm chất đạt trở lên, 100% được đánh giá hoàn thành kết quả học tập, không có học sinh yếu kém”.
Chia tay Hát Lừu trong tiếng trống trường rộn rã, tiếng học trò âm vang, chúng tôi ra về trong ngập tràn niềm vui, niềm tin vào một tương lai thật đẹp nơi vùng cao này. Ở đó, với tình yêu thương, sự tâm huyết, thầm lặng mà bền bỉ của thầy, của cô đã mang lại hạnh phúc cho lớp lớp học trò.
Lê Thương