Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1736/TTg-KGVX ngày 15/12/2021 trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, Quốc hội khóa XV.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo cho biết cử tri ghi nhận, đánh giá cao việc thống nhất bảo đảm công tác dạy và học trong điều kiện COVID-19 bằng hình thức dạy và học trực tuyến đối với những địa bàn có nguy cơ lây lan cao.
Tuy nhiên, trên thực tế còn một số khó khăn khi triển khai như: Một bộ phận không nhỏ học sinh không đủ điều kiện và khả năng tiếp cận việc học trực tuyến (đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, hộ nghèo, cận nghèo...); trình độ đội ngũ giáo viên khi tiếp cận hình thức dạy học mới; việc mỗi môn học một địa chỉ, phần mềm khác nhau gây khó khăn cho học sinh và phụ huynh; khả năng đáp ứng điều kiện về sóng và đường truyền tại một số vùng chưa đảm bảo; công tác phối hợp giữa gia đình và giáo viên khi quản lý việc con, em mình học tập và tham gia môi trường mạng... là câu chuyện cần nhanh chóng được tính toán tháo gỡ.
Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo hỗ trợ 100% các chi phí cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Nghị quyết số 88/2019/QH14; tăng cường hỗ trợ từ các nguồn tài chính khác cho các cháu học sinh của các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách ở vùng khó khăn để kịp thời tiếp cận, học tập theo hình thức trực tuyến; đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng liên quan khẩn trương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên trong điều kiện dạy và học trực tuyến có thể sẽ còn kéo dài trong thời gian tới.
Trả lời đại biểu, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số như chính sách hỗ trợ gạo, chi phí học tập, học bổng, miễn giảm học phí, trợ cấp xã hội cho học sinh, sinh viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, học sinh ở vùng cao, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; trẻ em độ tuổi mẫu giáo ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo… (các Quyết định: số 1121/1997/QĐ-TTg, số 194/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; các Nghị định: số 116/2016/NĐ-CP, số 84/2020/NĐ-CP, số 105/2020/NĐ-CP và số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ).
Về tăng cường hỗ trợ từ các nguồn tài chính khác cho học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách ở vùng khó khăn để kịp thời tiếp cận, học tập theo hình thức trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ việc trang trải chi phí cho học tập, sinh hoạt của học sinh, sinh viên trong thời gian theo học tại các trường (các Quyết định: số 157/2007/QĐ-TTg, số 66/2013/QĐ-TTg và số 1656/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).
Bên cạnh đó, chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát sửa đổi, bổ sung quy định để nâng mức tín dụng cho vay đối với học sinh, sinh viên; xây dựng gói tín dụng hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị công nghệ phục vụ học trực tuyến.
Về bảo đảm các điều kiện dạy và học trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương triển khai các giải pháp, có kế hoạch, kịch bản cụ thể để cho học sinh, sinh viên đi học trở lại bảo đảm thích ứng an toàn, phòng chống hiệu quả dịch COVID-19; ưu tiên nguồn lực, hỗ trợ học sinh, sinh viên trang thiết bị máy tính, thiết bị công nghệ phục vụ học trực tuyến; thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát chương trình, xác định các nội dung cốt lõi; xây dựng hệ thống bài giảng chất lượng để dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình; bổ sung kiến thức cho học sinh trong ngắn hạn cũng như trong các năm học tiếp theo; đổi mới công tác trang bị đồ dùng, thiết bị dạy học trên tinh thần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; tiếp tục rà soát Chương trình củng cố, kiên cố hóa trường lớp học nhất là ở vùng sâu, vùng xa, trong đó trường học phải được phủ sóng viễn thông, kết nối Internet đáp ứng yêu cầu dạy và học trong điều kiện dịch bệnh; chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với các gia đình quản lý và lưu ý bảo đảm an toàn, sức khỏe cho học sinh trong điều kiện học trực tuyến.
Bộ Thông tin và Truyền thông, các địa phương, các doanh nghiệp viễn thông, phát triển phần mềm xây dựng các nền tảng dạy, học trực tuyến bảo đảm an toàn thông tin cho học sinh; hỗ trợ, miễn giá cước truy cập internet cho học sinh, giáo viên; đẩy mạnh thực hiện Chương tình "sóng và máy tính cho em” nhằm huy động các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ máy tính, thiết bị công nghệ cho học sinh, sinh viên gặp khó khăn.
(Theo VOV)