Trong một giờ học môn Toán, Lớp 7A, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) TH&THCS La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải được tổ chức hoạt động dạy học STEM với Chủ đề "Đo chiều cao của một vật”. Bằng những công thức toán học, thầy Lò Văn Soãi đã hướng dẫn học sinh đo được chiều cao của cột cờ, của ngôi nhà. Với hình ảnh trực quan và sự chuẩn bị chu đáo cho bài giảng của thầy Soãi, các em đã được khám phá và ứng dụng những bài học vào thực tiễn.
Em Lý Tiến Đức ở bản Pú Nhu đã vô cùng hứng thú với bài giảng, em chia sẻ: "Về nhà, nhớ lại bài giảng của thầy, em đã thực hành đo cây xoan trong sân. Sau đó em lại nhờ bố giúp đo chiều cao thực tế của cây xoan nhưng hai kết quả có chênh nhau hơn 1 mét.
Đến lớp, em nêu thắc mắc với thầy giáo và đã được thầy giải đáp rất thỏa đáng, là do em làm thước đo chưa chính xác (em chỉ dùng gang tay để đo)... Từ đó em rút ra được những bài học, kiến thức cho bản thân để có thể áp dụng vào cuộc sống hàng ngày”. Còn thầy Soãi đã rất vui với phản biện của Đức trong bài giảng.
Thầy chia sẻ: "Vậy là tiết học đã mang lại những điều bổ ích cho các em, qua đó các em có thể áp dụng vào trong cuộc sống hàng ngày”.
Ở Trường PTDTBT TH&THCS La Pán Tẩn, giáo dục STEM đã được áp dụng vào những năm học 2013 - 2014. Là trường đóng trên địa bàn vùng khó, đời sống của người dân còn khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất nhà trường cũng còn hạn chế nên việc áp dụng giáo dục STEM vào các giờ học trong trường cũng có những điểm khác biệt nhưng không kém phần hiệu quả. Với quan điểm giáo dục STEM nói chung và dạy học STEM nói riêng không phải là để học sinh trở thành những nhà khoa học mà là xây dựng cho học sinh có kỹ năng cần thiết, để làm việc và phát triển. Tận dụng những cơ sở vật chất sẵn có của nhà trường để sáng tạo công cụ dạy học STEM.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Từ những năm học 2013 - 2014 nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động, nghiên cứu khoa học. Song đến những năm học gần đây nhờ được tập huấn, các thầy cô phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu nên công tác giáo dục STEM trong nhà trường ngày một rõ nét hơn, tạo được hiệu quả giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế tại trường, tại địa phương”. Được biết, ngay từ đầu năm học 2021 - 2022 nhà trường rất sát sao với công tác này.
Nhà trường đã xây dựng kế hoạch tổ chức các chuyên đề dạy học theo định hướng STEM ví dụ như môn Khoa học tự nhiên hướng dẫn học sinh cách làm sữa chua, tiết Ngữ văn về bài thơ Bánh trôi nước thì cho học sinh trải nghiệm làm bánh trôi nước... Đối với cấp tiểu học những môn mỹ thuật tạo dáng người từ những sản phẩm tái chế theo trục STEM tái chế đã giúp học sinh biết sử dụng những vỏ hộp, vải vụn, dây sắt để tạo những dáng người...
Cô Thủy chia sẻ thêm: "Nhà trường phát động xây dựng ý tưởng tham gia cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp trường ngay từ đầu năm học. Đến tháng 10/2021, nhà trường tổ chức cuộc thi cấp trường với sự tham gia của 10 dự án. Thẳng thắn nhìn nhận thì học sinh vùng cao nghiên cứu khoa học công nghệ còn ít. Nhưng, một số em đã có ý tưởng và tự mình làm ra những món đồ nhỏ xinh, có tính ứng dụng.
Qua đó góp phần khơi gợi được sự sáng tạo của học sinh và niềm đam mê nghiên cứu, học tập”. Đơn cử, Dự án Thiết bị quản lý học sinh trong nhà vệ sinh trong trường học của em Hờ Ngọc Duy và em Lý Thị Dùa học sinh lớp 8A đã đạt giải Nhất cấp huyện và giải Ba cấp tỉnh Cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2021 - 2022 là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của giáo dục STEM tại trường vùng khó.
Em Hờ Ngọc Duy chia sẻ: "Xuất phát từ việc năm học trước có anh lớp 9 hút thuốc lá trong nhà vệ sinh nên chúng em nảy ra ý tưởng thực hiện dự án này. Mục tiêu của dự án là quản lý được học sinh trong nhà vệ sinh nếu khẩn cấp có thể bấm nút cảnh báo. Có thể cài đặt được số người vào trong nhà vệ sinh, phòng chống xâm hại, phòng, chống Covid-19”.
Giáo dục STEM ở Trường PTDTBT TH&THCS La Pán Tẩn đã biến những khó khăn thành thuận lợi đặc thù mà không phải nơi nào cũng có được, đó là môi trường tự nhiên gần gũi và cơ hội tiếp cận STEM gắn với thực tế cuộc sống. Để từ đó tìm ra lời giải cho bài toán STEM ở các trường vùng khó đó là giáo dục STEM không phải để biến học sinh thành nhà khoa học, mà chính là truyền cảm hứng sáng tạo và vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề của cuộc sống.
Thanh Ba