Tiến sĩ người Việt giành giải thưởng Noam Chomsky
Ngày 10/12/2021, STAR Scholars (Hiệp hội các nhà nghiên cứu học thuật xuyên biên giới) đã thông báo kết quả giải thưởng Noam Chomsky 2021 dành cho 6 học giả.
Tiến sĩ Trần Lê Hữu Nghĩa, Đại học Quốc gia Australia, một nhà nghiên cứu giáo dục người Việt là một trong bốn học giả được trao bằng chứng nhận Học giả mới nổi. Chứng nhận này cũng được trao cho ba nhà khoa học khác là giáo sư trợ lý Joseph Levitan (Đại học McGill, Canada), nghiên cứu sinh Anson Au (Đại học Toronto, Canafa) và phó giáo sư Shaun Star (Đại học OP Jindal Global, Ấn Độ).
Tiến sĩ Trần Lê Hữu Nghĩa từng là giảng viên Trường Đại học Cần Thơ. Anh từng nhận học bổng Eramus Mundus để học thạc sĩ tại Viện Giáo dục, Anh Quốc; học bổng Endeavour để học tiến sĩ tại Đại học Melbourne, Australia. Đến nay, anh đã công bố khoảng 30 bài báo/sách được chỉ mục trên các danh mục của ISI, Scopus.
Chủ đề nghiên cứu của tiến sỹ Nghĩa chủ yếu về việc làm sinh viên sau tốt nghiệp, học tập tích hợp đi làm, đào tạo giáo viên, giáo dục quốc tế và giảng dạy tiếng Anh. Tiến sỹ Nghĩa cũng đã từng là thành viên của nhiều dự án của Việt Nam và quốc tế về chủ đề giáo dục, nhận tài trợ từ các Quỹ NAFOSTED, Quỹ nghiên cứu nhỏ dành cho các nghiên cứu quốc tế của Đại học Tôn Đức Thắng, Quỹ nghiên cứu thuộc Trường Kinh doanh và Kinh tế, Đại học Quốc gia Australia. Tiến sỹ Nghĩa cũng đã được nhận giải thưởng của Hội đồng Biên tập, Tạp chí Journal of International Students (Tạp chí Sinh viên Quốc tế) vì những đóng góp của anh cho Tạp chí trong năm 2021.
Noam Chomsky là giải thưởng thường niên của STAR Scholars (Hoa Kỳ) trao tặng. Tiến sỹ Trần Lê Hữu Nghĩa là người Việt thứ ba từng nhận giải thưởng này. Giải thưởng Noam Chomsky được công nhận bởi Hiệp hội các nhà nghiên cứu hàn lâm liên quốc gia (Mỹ) vì những đóng góp đặc biệt cho nghiên cứu xuyên biên giới, thể hiện sự hợp tác học thuật giữa các học giả trên khắp thế giới.
Cô gái Việt góp công xây dựng diện mạo thành phố Shibuya, Nhật Bản
Giao lộ Scramble cùng những màn hình khổng lồ quanh Shibuya là quang cảnh tiêu biểu của thủ đô Tokyo. Đoàn Lê Hải Ngọc, cô gái Việt hiếm hoi đang góp phần mang đến diện mạo mới cho thành phố Shibuya.
Tại Nhật Bản xây dựng thành phố được coi là lĩnh vực hầu như chỉ có người Nhật quan tâm. Tuy nhiên, Đoàn Lê Hải Ngọc - một cô gái trẻ người Việt đã dấn thân vào lĩnh vực này và đạt được những thành tựu đáng nể trong việc góp công xây dựng thành phố Shibuya, một trong những đô thị sầm uất của Nhật Bản. Những cống hiến trí tuệ của Hải Ngọc đã được thành phố ghi nhận.
Tại khu vực sầm uất nhất nhì Nhật Bản, hình ảnh chân dung cô gái Việt đã được trình chiếu trong tòa nhà Shibuya Scramble Square như một lời cảm ơn của thành phố Shibuya đối với những cống hiến của cô. Cô gái đó là Đoàn Lê Hải Ngọc và màn hình ở trên tòa nhà này là một trong những đóng góp nổi bật nhất của Hải Ngọc trong dự án xây dựng và tái phát triển thành phố trong hơn 3 năm qua.
Chia sẻ với VTV4, Hải Ngọc (Phòng quản lý khu vực, bộ phận phát triển Shibuya, Tập đoàn Tokyu) cho biết: "Nhóm của mình đã đi đàm phán với chính quyền thành phố hơn 3 năm và sau đó nhóm mình phụ trách phần làm thực nghiệm để làm sao có thể đảm bảo ánh sáng của màn hình sẽ không ảnh hưởng đến giao thông đi lại của mọi người. Chính quyền cũng ý kiến rất tích cực về màn hình này".
Đoàn Lê Hải Ngọc với quang cảnh khu vực Shibuya trong quá trình tái phát triển.
Năm 2011, Hải Ngọc sang Nhật Bản du học với mong muốn trở thành một nhà ngoại giao. Nhưng sau khi hoạt động tình nguyện tại một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng của thảm họa động đất sóng thần năm 2011 tại Nhật Bản, Ngọc dần có hứng thú với lĩnh vực xây dựng thành phố. Hiện tại, Ngọc là nhân viên người Việt duy nhất trong tập đoàn Tokyu, đơn vị thực hiện dự án xây dựng vận tải phát triển khu vực Shibuya.
Với những thành tích ấn tượng của mình, Ngọc cũng từng được giới thiệu trong chuyên mục "Cẩm nang công việc ở Nhật Bản" của Đài NHK World Japan.
Nữ tiến sĩ trẻ Việt Nam nhận giải thưởng quốc tế về bài báo được quan tâm nhất
Cuối tháng 6/2021, Tạp chí Tiến bộ trong khoa học Trái đất và Hành tinh (PEPS) thuộc Hội địa vật lý Nhật Bản (JpGU) đã trao giải thưởng "Bài báo khoa học được nhiều người quan tâm nhất năm 2021" cho một nữ Tiến sĩ trẻ người Việt Nam với công trình nghiên cứu về tình hình nhiễm mặn tại khu vực sông Mekong.
Người nhận giải thưởng là nữ Tiến sĩ Nguyễn Kim Anh, hiện là nghiên cứu viên chính Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Nghiên cứu viên sau tiến sĩ tại Trung tâm nghiên cứu Không gian và Viễn thám, Đại học Quốc lập Trung ương Đài Loan (Trung Quốc).
Bài báo đã vượt qua 398.780 bài báo trên nhiều tạp chí khác nhau và ít nhất 66 bài báo chất lượng trên PEPS. Hơn một năm đăng tải, đã có 18.000 lượt truy cập và 26 lượt trích dẫn theo Google Scholar (15 lượt trích dẫn theo SCI).
TS. Nguyễn Thị Kim Anh
Năm 2017, Kim Anh cùng các cộng sự đã có chuyến khảo sát thực địa tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trước đó, năm 2016, hạn mặn đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân vùng này.
Tiến sĩ Kim Anh cùng các cộng sự nhận được giải thưởng uy tín của Tạp chí PEPS với bài báo đánh giá về tình hình nhiễm mặn ở khu vực sông Mekong, Việt Nam, lấy khu vực thử nghiệm là tỉnh Trà Vinh.
Bên cạnh công trình nghiên cứu khoa học được nhận giải thưởng trên, Tiến sĩ Kim Anh còn có 12 bài báo khoa học thuộc danh mục ISI (hệ thống các tạp chí có tiêu chuẩn khoa học quốc tế), chủ yếu đánh giá tổn thương hệ môi trường sinh thái, được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín của nước ngoài. Hiện cô cũng là gương mặt được chọn làm đại sứ truyền thông cho tổ chức Viễn thám và địa tin học quốc tế (IEEE GRSS) phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Hiệu trưởng người Việt đầu tiên ở Nhật
Trở thành hiệu trưởng người nước ngoài tại một trường dạy tiếng Nhật là bước tiến, ghi nhận sự nỗ lực suốt hơn 16 năm qua tại xứ sở hoa anh đào của thầy giáo Duy Anh, 34 tuổi, quê gốc ở xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội. Vượt qua bốn ứng viên người bản địa, thầy Nguyễn Duy Anh được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Học viện Nhật ngữ GAG ở thành phố Fukuoka, Nhật Bản.
Ngoài cương vị hiệu trưởng Học viện Nhật ngữ GAG (Fukuoka, Nhật Bản), Nguyễn Duy Anh còn là Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Fukuoka, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam, Ủy viên Hiệp hội Giáo dục tiếng Nhật JLAN - đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tháng 4/2006, anh Duy Anh sang học tiếng tại Học viện Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản. Những ngày đầu, chàng trai sốc cả về ngôn ngữ lẫn văn hóa. Đầu tiên, Duy Anh xin vào rửa bát ở một quán ăn. Nhờ chăm chỉ luyện tập tiếng Nhật tại chỗ làm thêm nên chỉ thời gian ngắn, trình độ của anh được cải thiện.
Khi đã tự tin hơn về giao tiếp, anh xin được công việc thu ngân ở siêu thị và phiên dịch. Kết thúc hai năm học tiếng, Duy Anh theo học khóa dự bị đại học tại Học viện EHLE (thành phố Osaka) rồi thi đỗ khoa Kinh tế, Đại học công lập tỉnh Hyogo (thành phố Kobe) - trường top 3 về khối ngành Kinh tế của Nhật Bản. Anh cũng là sinh viên Việt Nam duy nhất thi đỗ vào trường năm đó.
Thầy Nguyễn Duy Anh, Hiệu trưởng Học viện Nhật ngữ GAG ở thành phố Fukuoka, Nhật Bản.
Duy Anh liên tục đạt học bổng toàn phần bốn năm liền và tốt nghiệp đại học công lập Nhật Bản với tấm bằng giỏi. Ra trường, anh làm biên, phiên dịch và xử lý hồ sơ cho du học sinh của trường Nhật ngữ Osaka Minami (thành phố Osaka) để tích lũy kinh nghiệm. Hai năm sau, anh về làm giám đốc điều hành Học viện Nhật ngữ GAG. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp đại học công lập, với tấm bằng cử nhân Kinh tế quốc tế loại giỏi và chứng chỉ năng lực tiếng Nhật N1, Duy Anh đã chủ động tìm kiếm những công việc trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo để hiện thực hóa ước mơ của mình.
Bằng trái tim và nhiệt huyết của tuổi trẻ, Duy Anh đã thực hiện một quyết định vô cùng táo bạo mà bản thân đã tâm huyết bấy lâu nay: Xây dựng một cơ sở đào tạo giáo dục chuẩn Nhật, thân thiện với các du học sinh quốc tế và đặc biệt là các bạn du học sinh Việt Nam.
Tháng 4/2015, Học viện Nhật ngữ GAG (Fukuoka) chính thức đi vào hoạt động và Duy Anh giữ chức vụ Giám đốc điều hành của Học viện. Tháng 5/2021, Nguyễn Duy Anh đã chính thức đảm nhiệm cương vị Hiệu trưởng Học viện Nhật ngữ GAG.
(Theo Dân Trí)